(TBKTSG) - Cô dùng dầu olive, dầu dừa hay nha đam? Tùy chị ạ. Vậy dùng nha đam thêm chút dầu dừa nhé. Nha đam cho mịn da, dầu dừa tôi tự nấu lấy, không sợ pha hóa chất như ở ngoài, cô cứ yên tâm...
“Pooc”, tiếng chị mở nút chai dầu dừa. Mùi thơm vừa ngọt vừa ngậy ào ra. Dường như cả căn phòng nhỏ nhuốm màu vàng óng của biển lúa và màu xanh rừng dừa miền quê phía Nam nào đó mà hồi nhỏ, cả tuổi thơ ở miền Bắc tôi chỉ biết đến cái không khí, cái mùi vị tưởng tượng ấy qua phim Hòn Đất với câu chuyện chị Sứ và thằng Xăm.
Chị miết một dường dài trên sống lưng, tôi đoán bằng khuỷu của ngón tay cái. Người khách cảm thấy như đang lặn xuống một vùng biển tận cùng thế giới, xanh thẳm, im như tờ. Ngón tay chị tạo một đường rẽ thẳng tắp như sống lưng đáy con tàu đang miết mải chia đôi mặt đại dương. Đường rạch xanh bất tận ấy đi mãi đi mãi.
Chị ơi chị có nhìn thấy em không? Tôi hỏi khi chị đã massage xong. Không cô ạ, tôi chỉ thấy hai màu sáng và tối. Thế ai nấu ăn cho chị? Tự nấu chứ, mọi người ở đây bảy người nấu ăn chung. Thế có việc gì chị phải nhờ người khác không? Không, mọi sinh hoạt và cuộc sống người mù cũng như người sáng thôi, chỉ mong có công việc, dành dụm, sau này có duyên gặp được người hợp ý mình thì lập gia đình, sinh con, sợ nhất là ngồi không cô ạ.
Vì sao mình lại nằm đây nhỉ, để cho một người không bao giờ biết mặt mình đấm bóp cho mình? Tôi nhớ biển hiệu cửa tiệm nhỏ xíu, treo đầu hẻm, thụt lút trong vô vàn biển hiệu hoành tráng nhấp nháy bắt mắt chỉ có hai dòng ngắn gọn. Dòng trên “blind massage”, dòng dưới “magic hand”. Từ magic khiến tôi tò mò vì nó tượng hình quá đỗi. Chính cái biển rụt rè mà gợi mở kia khiến chân tôi đang đi lang thang nhìn ngắm thành phố tự nhiên quẹo sang bên phải đi vào trong hẻm 200 mét và nhìn ra cái tiệm này. Căn nhà ba tầng xây theo kiểu nhà ống, chắc chắn được xây để dành cho một gia đình sinh sống rồi được thuê lại, mặt tiền chỉ khoảng 4 mét. Ngoài hiên có cái biển cũng nhỏ “Massage người mù”, một cái bàn tre có bình hoa giả bằng lụa đã phai màu.
Trên bàn còn đặt một tờ “menu” là tờ giấy A4 ép plastic in danh sách các loại massage với giá tôi đoán chắc là rẻ nhất trung tâm thành phố này, từ 90.000-150.000 đồng/cho 60-90 phút. Ở Sài Gòn, 60 phút massage chân tối thiểu cũng 250.000 đồng rồi. Cái bàn ngoài hiên dường như chỉ nhằm mục đích duy nhất là níu lại vị khách nào đã vào đến đây rằng đừng đi đâu nữa, rẻ nhất rồi. Người mà biết chỗ này, tôi đoán không khách quen thì cũng mỏng ví.
Khi tính tiền ra về tôi hỏi chị chủ sao không thay cái biển mới dễ nhìn hơn, em nheo đau cả mắt mới thấy! Chị trả lời, thay thì các nhà ngoài đầu hẻm họ tháo xuống, họ nói ai cho quyền trưng biển to?
Thế quyền trưng biển to căn cứ vào cái gì? Chị đáp, “quen rồi cô, mắc điện mắc nước cũng bị hoạnh họe đấy. Cửa hàng thì nhỏ và xoàng, ở đây lại toàn người khiếm khuyết, thôi thì mình biết thân, biết phận, nhịn đi một tý anh em được lợi”.
Thế tại sao chị lại mở cửa hàng massage người mù? “Ôi chính tôi còn hỏi tôi thế đấy. Chả có định gì đâu. Con cháu nó mở, rồi nó gặp ông người Mỹ, nó lấy “ổng” rồi đi Mỹ luôn. Tôi đành bất dắc dĩ nhận về vì cả chục nhân viên khiếm thị. Quản lý đã mệt, còn ít khách. Như hôm nay từ sáng đến tận 5 giờ chiều ngồi không đấy, vừa mới có cậu thiếu niên người Nga kia và cô. Cũng may cho tôi, khách đến đây dễ chịu lắm. Như cậu bé người Nga kia, nhà nó đi nghỉ ở khách sạn bên kia đường. Nhìn họ ở khách sạn bình dân là tôi biết nhà đó không giàu. Hai vợ chồng có một cậu con trai này. Người Nga thích massage và phơi nắng lắm. Ông chồng cũng thích mà nhường cho vợ con làm. Cả tuần rồi, ngày nào bà vợ và cậu con cũng đến đây”.
“Chị tốt thật đấy”, tôi nói. “Thật chẳng phải tốt gì đâu. Ban đầu cũng thấy trách nhiệm mệt mỏi. Người mù họ lành quá, nên tôi phải đứng ra “đối ngoại”. Rồi làm chung mới nhận ra nhiều hoàn cảnh éo le lắm. Người bị teo dây thần kinh thị giác sau khi sốt nên mù. Người không có tiền đi bệnh viện, người bị mìn nổ, người bị khiếm thị bẩm sinh. Người thì còn chẳng biết tại sao mà mắt cứ mờ dần rồi chỉ thấy hai luồng sáng tối. Thế mà cái gì họ cũng làm được, không đòi hỏi bao giờ. Tự tìm chỗ học nghề massage, nấu cơm, dọn nhà, lắp bóng điện, bắt từng cái đinh, ốc vít, lắp cái quạt chính xác hơn cả người sáng. Người mù giờ nhắn tin điện thoại nhanh hơn người sáng, dùng phần mềm Vntalk cô à. Làm gì cũng thạo lại không “nhiều chuyện”. Tôi quý cái tính cách mà cố, chứ để họ đến xin làm ở quán ăn người ta cũng không nhận, chỉ còn cách đi bán vé số tội lắm. Nhân viên của tôi ở đây, bảy người mù mà ai cũng nuôi người sáng. Tháng nào cũng dành tiền gửi về quê Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An đều đặn cho bố mẹ gia đình. Mình phải học họ đấy. Con người ta kiếm tiền cũng quan trọng, nhưng cũng phải sống cho ra người ngay mới ngẩng mặt với đời được cô ạ. Cháu tôi đấy, tưởng lấy chồng Tây mà sướng à. Đang kêu trời bên Mỹ kìa...”.
Ra khỏi hẻm tôi nấn ná vài phút, nhìn lại cái cửa hàng “Magic hand” thụt lút trong một không gian đã tối om sau giờ cơm chiều. Ai mới đặt thêm ngọn đèn dầu leo lét trên cái bàn tre cạnh bình hoa không còn rõ màu gì. Anh bảo vệ của tiệm “Massage sáng” hoành tráng ngay đầu hẻm vừa hút thuốc vừa hất hàm “Where are you from?”. Tôi trả lời, “em ở gần đây”. Anh quay đi chẳng nói thêm gì.