(TBKTSG) - 1. Ta có thể thuộc đường qua lối lại trong cái thành phố ta đang sống, nhưng chỉ cần sang thành phố khác, dù thành phố ấy có nhỏ hơn thì nó cũng trở thành một cái mê cung. Rừng nào có chúa sơn lâm ấy. Rừng nào có lối đi ấy. Ở nơi mê cung lạ, giỏi giang đến đâu thì cũng phải hỏi đường.
Hỏi đường. Chỉ việc dừng lại và hỏi người địa phương. Tất nhiên là mỗi cú dừng cũng có đôi điều bất tiện. Phải ra khỏi xe mà hỏi, người Indonesia không chấp nhận kiểu cứ ngồi yên trong xe thò cổ ra hỏi đường.
Lái xe ngại dừng, thì đã hẳn. Nhưng người Indonesia còn ngại một thứ khác: ngại hỏi.
Hỏi, giống như tự thú nhận là mình kém. Rất ngại mang tiếng kém, dù là mang tiếng trước người lạ, chỉ có hỏi một câu rồi đi mà chẳng bao giờ gặp lại. Vậy là chẳng chịu dừng hỏi, cứ thế loay hoay với cái định vị toàn cầu GPS, nhưng GPS không phải bao giờ cũng thay thế được cho chỉ dẫn thực địa. Cứ thế mà loanh quanh vòng qua vòng lại trong thành phố lạ.
2. Còn có kiểu không chịu nhận kém khác. Đi lạc đường ở Ấn Độ, hãy thử dừng lại hỏi đường. Người thứ nhất sẽ chỉ cho ta đi về phía Đông. Đi một lúc không thấy gì, ta lại hỏi, người thứ hai sẽ chỉ cho ta đi về phía Tây, ngược hẳn lại. Đi một lúc lại hỏi tiếp, người thứ ba sẽ chỉ cho ta đi lên phía Bắc. Đến người thứ tư vừa chỉ cho một đường phố khác hẳn, tôi vừa bực vừa nghi ngờ, bèn căn vặn thật kỹ. Anh ta cười: Thú thật, tôi không biết. Trời ơi, không biết sao còn chỉ đường cho người ta. Người kia chỉ cười ngượng rồi bỏ đi.
Phải nói đấy là một người Ấn dũng cảm. Dũng cảm vì cuối cùng đã chịu thừa nhận rằng mình không biết. Người Ấn rất sợ thừa nhận là mình không biết một cái gì đó. Ai hỏi thông tin, họ sẵn sàng cung cấp thông tin, cấp bừa đi, miễn là được nhìn thấy vẻ hân hoan vui mừng của người đó. Miễn là khi mặt đối mặt, người đó không nghĩ rằng họ kém.
3. TPHCM làm mạnh tay với việc lập lại trật tự vỉa hè, rồi đến rải rác một số điểm ở Hà Nội cũng khởi động, rồi một số địa phương khác. Một hiệu ứng dây chuyền rất đáng khích lệ.
Phong trào vừa mới dấy lên, một vị cấp quận nói theo kiểu, việc này lâu nay chúng tôi vẫn làm thường xuyên, không phải chúng tôi học tập quận nọ.
Giá mà cứ nói rằng quận đó đã gây cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục công việc vẫn làm lâu nay, thì hình ảnh của ông trong mắt người dân đã khác. Không chịu thừa nhận công việc của mình lâu nay là đánh trống bỏ dùi, nay làm mai bỏ, cho nên gây nhờn, gây hỗn loạn, gây kẽ hở. Không chịu thừa nhận mình đi sau người khác, thế là chứng tỏ mặc cảm, loanh quanh, lảng tránh thực chất vấn đề.
Thế mới chẳng lạ, lấy bao nhiêu trang sách của người ta đưa vào luận văn của mình mà không ghi nguồn tham khảo. Ghi nguồn tham khảo thì chẳng hóa không phải do mình vắt óc nghĩ ra, không phải do mình tiên phong chủ xướng. Ghi nguồn tham khảo thì hóa ra mình phải học tập người khác, mình đi sau. Ghi nguồn tham khảo thì hóa ra thừa nhận mình kém.
Một ý tưởng hay, một sáng kiến, một sản phẩm tốt, đúng ra sẽ được nhân rộng, được thực hiện, được tôn vinh nhiều lần, ở nhiều nơi. Nhưng ở xứ ta có khi tất cả chỉ được đóng đinh một lần. Nhân ra, hoặc thực hiện lần nữa, tôn vinh lần nữa, sợ mang tiếng là “người đến sau”.
Có phải vì cái mặc cảm quá sâu mà ở nơi này nó biểu hiện ra bằng ám ảnh sợ bị chê trách, bằng sự sao chép mà không chịu công nhận, còn ở nơi kia là sự quanh co, không chịu nhìn thẳng vào sự thật rằng mình đi sau.