(Dân trí) - Chuyện cơ quan quản lý đường bộ TP Hồ Chí Minh cho lắp đặt các barie trên vỉa hè ở một số tuyến đường ở quận 1 của TP này tuần trước vẫn đang gây tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội. Đây có lẽ chỉ là một giải pháp tình thế.
Theo như giải thích của Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh thì việc lắp đặt đồng loạt các barie trên vỉa hè của một số tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều xe máy cố tình lao lên vỉa hè để đi (khi đường tắc, nghẽn), gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Nếu nhìn vào ý định của người đề ra và thực hiện chính sách thì rõ ràng đó là việc làm hướng tới một mục đích tốt. Nhưng có lẽ, họ cũng đã không tính hết đến các yếu tố khác.
Việc lắp đặt các barie trên qua mấy ngày đầu thực hiện, theo như ghi nhận của báo chí, có vẻ cũng đạt được một số kết quả tích cực như số xe máy tranh thủ chạy lên vỉa hè ít đi (mặc dù vẫn có chuyện, ở một số đoạn, nhiều xe vẫn cố tình lách qua khe hở để leo lên hè).
Tuy nhiên, những cái gọi là "kết quả" đó, chỉ có thể nói mang tính nhất thời, khi những hậu quả tiềm tàng chưa xảy ra. Ai cũng có thể thấy trước, một giải pháp-như một nỗ lực có tính tuyệt vọng này sẽ gây khó khăn hơn cho người tàn tật khi sử dụng xe lăn, làm nhiều người vấp ngã, tai nạn khi không để ý, vẫn bước đi trên hè bình thường theo thói quen. Những người khiếm thị làm sao thấy được những vật cản đó trên lối đi quen thuộc của mình.
Đây thực sự là những chiếc "bẫy" quá nguy hiểm cho họ, và cho cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Và thực tế, ngay từ những ngày đầu thực hiện, qui định này đã gây bức xúc nhất định với cư dân thành phố và cả khách du lịch nước ngoài.
Có lẽ là điều mà cơ quan triển khai ý tưởng đã không dự tính được khi chuẩn bị thực thi mà không chú ý đến những dự báo, phản biện. Người ta mới chỉ nghĩ đến cái thuận lợi nhất thời cho cơ quan quản lý mà chưa tính đầy đủ đến tác động của giải pháp đến việc đi lại bình thường của người dân.
Có thể nói, tình trạng khá đông xe gắn máy lao lên vỉa hè, có nguy cơ (và thực tế đã xảy ra) gây thương tích cho người đi bộ là khá phổ biến không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả nhiều thành phố lớn khác, nhất là Hà Nội, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tắc, nghẽn giao thông. Nhưng việc áp dụng giải pháp trên, như thực tế đã triển khai cho thấy, đây là giải pháp rất không phù hợp và có thể coi như một hậu quả của sự thất bại về quy hoạch giao thông đô thị.
Việc quản lý, buộc các chủ phương tiện giao thông như các xe gắn máy phải đi đúng làn đường, hiện nay, Nhà nước đã có đầy đủ chính sách quy định. Thế nhưng, cơ quan quản lý đã không tích cực giám sát, xử phạt các chủ phương tiện vi phạm, lại đề ra chính sách bất hợp lý như vậy chính là biểu hiện của việc đẩy cách khó của mình (về quản lý) cho người dân.
Do đó, mong rằng, qua gần một tuần lắp đặt các barie khá chướng mắt nói trên, cơ quản quản lý đường bộ ở TP Hồ Chí Minh đã thấy đầy đủ sự bất cập của chính sách này và trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và chỉ nên coi đó là một chính sách "thí điểm" bất thành.