Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Áo dài váy đụp cách tân: Thời trang khác với quốc phục

Nguyễn Quang Vinh

(Dân Việt) Người “cách tân” thì khảng khái nói rằng áo dài với váy đụp là tự do, như thế là hiện đại, như thế là hội nhập, như thế là đổi mới. Người phản đối thì cho rằng đó là sự xúc phạm áo dài truyền thống, là đụng đến hồn cốt của quốc thể.

Người ta đang bàn luận nhiều khi bắt đầu xuất hiện nhiều cô gái mang cái gọi là áo dài cách tân, “pha lẫn xườm xám Thượng Hải với váy đụp Thị Nở”. Cãi lui cãi tới làm nóng cả tết. Người “cách tân” thì khảng khái nói rằng như thế là tự do, như thế là hiện đại, như thế là hội nhập, như thế là đổi mới. Người phản đối thì cho rằng đó là sự xúc phạm áo dài truyền thống, là đụng đến hồn cốt của quốc thể.

Thời trang là luôn thay đổi do thị hiếu, do nhu cầu, do nhịp sống và cả sự sáng tạo (chấp nhận cả sự sáng tạo có vẻ khác lạ). Mang cái váy đụp rồi khoác ngoài mấy lớp váy cũng được, miễn là bạn thấy vui, bạn thấy ưng, bạn thấy ..đẹp, chả sao cả, miễn là người đời nhìn vào cho thuận mắt, đánh giá mình đừng méo mó về thẫm mỹ ăn mặc….là không sao, cứ thế ra đường, vào hội. Nhưng nếu cái váy áo ấy bạn gào lên rằng đó là áo dài truyền thống Việt được cách tân thì đó là sự xúc phạm văn hoá, đó là nhận thức kém cỏi và ngờ nghệch về chiếc áo dài thuần Việt.

Áo dài thuần Việt được sử chép có từ năm 1774 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong, trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau: “Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép..."

Áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại cũng vừa hiện đại. Trang phục dành cho nữ này có thể mặc mọi nơi, dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc đi chơi hay mặc để tiếp khách một cách trang trọng ở nhà.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: Chiếc áo dài tân thời (tức áo dài hiện đại) hình như có cách riêng để tôn đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chí trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái, lại tạo dáng thướt tha, tôn vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm, lại cũng vừa khêu gợi vì chiếc áo làm lộ ra sống eo. Chiếc áo dài hiện đại vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa chút nữa mới hoàn thiện.

Qua nhiều năm tháng, dù có đôi chút thay đổi, cách tân, nhưng cốt cách tà áo dài đều không đổi, vẫn bảo đảm nét riêng rất Việt Nam: Dịu dàng, thướt tha, kín đáo, mềm mại…

Người ta nhầm chỗ này: Từ nguyên mẫu của áo dài truyền thống, các nữ ca sĩ, diễn viên, các thanh nữ….bắt đầu chế ra, tạo tác thêm bớt, một chút hiện đại, một chút lai căng, một chút hoài cổ, thành một loại váy áo thời trang….nhưng lại nhầm cho đó là cách tân áo dài truyền thống. Lấy cảm hứng từ áo dài truyền thống để sáng tạo ra một loại váy áo thời trang khác thì không ai phê phán nếu nó có thẩm mỹ và có văn hoá ăn mặc, nhưng dám hiếp đáp, xoay chuyển, chắp vá, lai căng từ kiểu thức của áo dài truyền thống và gắn vào “cách tân” là nguỵ biện, là sự xúc phạm thô thiển văn hoá dân tộc và thể hiện sự kém cỏi về trí tuệ.

Kiểu váy đụp “Thị Nở” và áo ngoài kiểu xườn xám Thượng Hải đang được một số cô gái mang lượn phố dịp tết thực chất là hàng nhập sỉ từ Trung Quốc, hàng nhập mà các bạn lại cố bảo vệ đó là áo dài cách tân thì đúng là hợm hĩnh và kém cỏi ở mức báo động.

Trên mạng xã hội, bạn Hoàng Nguyên Vũ bình: “Các bạn nên nhớ, áo dài là quốc phục. Mà quốc phục thì không phải đơn giản là “váy áo đàn bà” như cách các bạn thiển cận nghĩ. Và quốc phục là một giá trị lớn, là một phần giá trị của quốc thể, các bạn không thể mang một thứ hàng chợ của nước khác về đây và gọi nó là “quốc phục cách tân”. Các bạn không được phép và nếu các bạn còn nhơn nhở như thế, các bạn là kẻ đã bán nước một cách hồn nhiên và ngu xuẩn”.

Còn bạn gái Quyen Le viết: Thiên hạ nhiều ý kiến khác nhau, mỗi người có mỗi khiếu thẩm mỹ khác nhau, mình thích thì mình mặc, không thích thì thôi. Cái đẹp theo con mắt của mỗi người, chứ cứ đem cái cảm quan riêng của mình rồi chửi rủa thiên hạ xem như thiên hạ ngu và dốt, chỉ mình có khiếu và văn hoá thôi để làm gì. Tết ni nhiều bàn luận quá! Bản thân mình là phụ nữ, mình chẳng cần ai chê, ai khen, mình mặc cái gì mình thấy lòng mình vui và đem lại cho mình cái tự tin cần thiết là mình làm, ai nói năng nói cuội kệ. Thời trang là những cái mới, là dòng chảy của thời gian, cái gì được nhiều người yêu thích dùng thì sống lâu, không thì sẽ chết sớm. Cái gì quá khích quá cũng khó mà tiếp nhận!”

Ý kiến của bạn Hương Toa Ban Mai rất đáng chú ý: “Chiếc váy xòe lửng bắp chân hợp với đôi chân thon dài trắng, đi giầy búp bê hoặc cao gót, xỏ ngón cũng được, kết hợp với áo bó tới thắt lưng cạp váy hoặc may liền từ trên xuống dưới là váy. Đấy là kiến thức phối mà bất cứ ai học cũng phải nắm được. Tà áo xẻ ngắn tới đầu gối vài năm nay đang được chuộng vì thuận tiện đi lại mặc cũng toát lên vẻ thướt tha yêu kiều, kết hợp quần ống bó đi với giày cao gót.

Ở vài nước như Nepal, Ấn độ, Pakistan cũng có những mẫu áo phối tương tự. Thậm chí ở phố cổ Hà Nội của ta, hay Bangkok (Thái Lan) bán cho khách du lịch rất sẵn. Tôi mặc áo Nepal và quần jean từ hơn 10 năm trước, lúc ấy rất ít trông thấy ai có cách mặc giống mình, chất liệu áo là loại cotton cực mỏng, tà áo luôn tung bay trong gió, mềm mại và hơi rộng chứ không bám sát vào đường nét cơ thể. Cổ áo khoét hình chữ V nếu có khuôn ngực đầy đặn là nổi rõ khe, nhìn rất hấp dẫn kiểu nửa kín nửa hở.

Tà áo xẻ ngắn hiện nay các bạn kết hợp với váy xòe hoặc quần hai ống rộng về mặt phối hình học là không thuận mắt.

Bởi thế cho nên ai không nhận thức được thì “bao biện kệ tôi, tôi mặc gì là quyền của tôi”. Đúng thôi, chả khác nào những cô gái mới lớn vô tư mang sooc jean vào thiền viện hay đi tham quan đình chùa, nơi tâm linh và có ai nhắc nhở cũng quay lưng lẩm bẩm rằng “đến ăn mặc mà còn không được tự do thì bao giờ đất nước mới hội nhập?” Xin lỗi tư duy ngược ấy, tôi đứng về phe những người lao động nghệ thuật và dám phát biểu có những thứ không đạt điểm thì đừng hòng gân cổ để đối đáp lại phần đa người dân đang ở chế độ ban giám khảo. Muốn đẹp muốn được khen về ăn mặc cũng phải có trí tuệ đấy ạ”.

Dù ý kiến có thể khác nhau nhưng chắc chắn sẽ không ai chấp loại áo dài váy đụp xườn xám kia là áo dài truyền thống cách tân và cũng không thể chấp nhận mọi thứ áo váy chỉ lấy cảm hứng từ kiểu dáng áo dài truyền thống rồi phá cách, đặt điều, tô vẽ, bóp méo hình thù để gọi là cách tân áo dài. Dứt khoát như vậy.

Thời trang là vô cùng nhưng quốc phục dân tộc chỉ có một.

Thời trang luôn khác với sắc phục truyền thống dân tộc.

Nhầm lẫn hay cố ý nhầm lẫn đều đáng phê phán và loại bỏ.

Lai căng hay ngoại hoá sắc phục dân tộc lại càng phải phê phán và loại bỏ.

Người Việt trước hết cần sự tự trọng của dân tộc mình, và sắc phục truyền thống chính là giữ gìn sự tự trọng, độc lập và tự chủ.