Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Truyền hình thực tế có bỏ quên người lớn tuổi trong sự cô đơn?

Hà Tùng Long

Dân Trí - Trong khi truyền hình thực tế dành cho đối tượng trẻ đang bùng nổ từng ngày với hàng hàng loạt chương trình lớn nhỏ thì truyền hình thực tế dành cho đối tượng lớn tuổi (trung niên trở lên) hiện cực kỳ ít ỏi và hiếm hoi.

Người lớn tuổi ở Việt Nam rất thiệt thòi

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Sinagapore, Thái Lan... các đài truyền hình luôn có những kênh riêng dành cho đối tượng khán giả là người lớn tuổi. Các chương trình truyền hình được xây dựng cho đối tượng này luôn có sự khác biệt và thể hiện rõ sự tôn trọng đặc biệt đối với người già. Ở Mỹ, Nga và một số nước Châu Á, các rạp chiếu luôn có kênh phân loại đối tượng khán giả xem và các nhà làm phim đầu tư sản xuất phim dành cho khán giả trung niên rất đều đặn.

Danh ca Tuấn Ngọc cũng từng chia sẻ, ông nhận lời làm giám khảo cho truyền hình thực tế “Tiếng hát mãi xanh” bởi lần đầu tiên ở Việt Nam có một chương trình ca hát mà các thí sinh “trẻ” gần bằng tuổi mình.

“Thực ra, những người lớn tuổi ở Việt Nam mình rất thiệt thòi trong việc lựa chọn thú tiêu khiển vì các chương trình dành cho đối tượng lớn tuổi rất hiếm hoi. Trên truyền hình, hầu hết là các cuộc thi cho người trẻ, đến phim truyền hình cũng chỉ làm cho đối tượng khán giả trẻ với những vấn đề yêu đương phức tạp, nhà lầu, xe hơi, sống ảo… thì người lớn tuổi có thể xem gì, quan tâm đến gì?

Thành ra, việc làm giám khảo “Tiếng hát mãi xanh” đối với tôi hát là một hạnh phúc. Những người lớn tuổi bước vào chương trình như bước vào cuộc chơi và có may mắn đoạt giải Quán quân đi chăng nữa thì tương lai cũng không hứa hẹn họ có trở thành ca sĩ nổi tiếng hay không. Vậy mà, họ vẫn hát và chỉ mong muốn được hát đến cuối chương trình mà thôi...”, giọng ca “Riêng một góc trời” tâm sự.

Trên VTV hiện nay, các chương trình truyền hình thực tế - kênh giải trí dành cho người già ngoài chương trình “Cây cao bóng cả”, “Cựu chiến binh Việt Nam” đã ngừng phát sóng cách đây khá lâu thì hiện chỉ còn mỗi chương trình “Vui - Khỏe - Có ích” được thực hiện dưới dạng gameshow, phát sóng vào sáng thứ Bảy hàng tuần là còn tồn tại. Ngoài ra, có thêm một số chương mà người già có thể tham gia cùng với người trẻ như: “Hãy chọn giá đúng”, “Ai là triệu phú”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Vietnam’s Got Talent”...

Ở các đài truyền hình khác thì có chương trình “Chuyện kể lúc 0 giờ” (ANTV); “Chuyện tuổi già” (Đài PT-TH Hà Nội); “Tiếng hát mãi xanh”, “Đường tới danh ca vọng cổ” (HTV), “Người cao tuổi sống vui” (Đài PT-TH Tuyên Quang)... nhưng đa số đã ngừng phát sóng.

Bỏ quên người lớn tuổi trong tuổi già và sự cô đơn

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ rằng, trước nay nhiều người vẫn có thói quen nghĩ người lớn tuổi sau khi nghỉ hưu là già yếu, cần sự chăm sóc của gia đình và không thể làm được việc nặng. Thậm chí, nhu cầu vui chơi, giải trí, xem truyền hình… của họ cũng giảm dần. Thực tế thì người lớn tuổi ngày nay dù đã nghỉ hưu nhưng họ vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội và gia đình, nhất là những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, nghệ thuật… Và cũng như người trẻ, họ sống rất năng động và bắt kịp các xu hướng của thời đại.

“Đừng nghĩ người lớn tuổi chỉ biết tập dưỡng sinh, chỉ biết ở nhà nấu ăn, trông cháu hoặc xem mỗi Thời sự. Nếu người trẻ biết chơi mạng xã hội thì người lớn tuổi cũng biết chơi mạng xã hội. Người trẻ thích thú khi được tham gia các chương trình truyền hình thực tế thì người lớn tuổi cũng thích thú không kém. Bằng chứng là các chương trình dành cho người lớn tuổi như “Vui – Khoẻ - Có ích” hay “Tiếng hát mãi xanh” mỗi năm nhận được hàng nghìn hồ sơ đăng ký. Họ đến với cuộc chơi không phải để thắng thua mà là để được giải trí”, bà Ngát nói.

Đồng tình với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSND Minh Châu cho rằng, bản thân bà dù đã U60 nhưng vẫn rất thích xem tivi mỗi ngày và thích gặp gỡ bạn bè để giao lưu.

“Với người lớn tuổi, niềm vui là rất quan trọng. Ngoài niềm vui bên con cháu (niềm vui này rất ngắn bởi con cháu còn bận đi làm, đi học) thì niềm vui gặp gỡ bạn bè, tham gia các cuộc chơi, xem truyền hình, xem phim ảnh, đọc báo, tham gia mạng xã hội… là những nhu cầu rất đỗi thiết yếu của người lớn tuổi ở Việt Nam hiện nay. Chính những người lớn tuổi lại là những người “làm bạn” với chiếc tivi nhiều nhất bởi họ có nhiều thời gian hơn những người trẻ nhưng họ lại không có kênh riêng để xem. Các nhà sản xuất đang cố tình bỏ quên họ trong tuổi già và sự cô đơn...”, NSND Minh Châu bày tỏ.

Thực tế là 5 năm qua, chương trình thực tế “Tiếng hát mãi xanh” dành cho lứa tuổi trung và cao niên đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả lớn tuổi. Năm 2016, số lượng người cao tuổi tham gia đăng ký tham gia từ những vòng đầu tiên đã gấp đôi những năm trước. Họ thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, vùng miền… Điều này chứng tỏ một thực tế là nhu cầu giải trí của người lớn tuổi rất lớn.

NSND Minh Châu phân tích, thực tế ở Việt Nam hiện nay các chương trình dành cho người lớn tuổi được xem như “miếng đất màu mỡ”, “miếng bánh ngon” đầy tiềm năng. Sở dĩ như vậy bởi các chương trình này không chịu quá nhiều áp lực về cạnh tranh giữa các đài hoặc với các đối tượng khán giả khác. Và điều quan trọng hơn cả, đối tượng người già mới chính là đối tượng xem truyền hình nhiều nhất bởi họ có nhiều thời gian hơn hẳn người trẻ. Ngược lại, phương tiện vui chơi - giải trí của người già lại rất ít nên nhu cầu được “hoà mình” trong các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... là luôn luôn lớn. Đó là chưa kể đến việc người già có khả năng kinh tế lẫn sự trải nghiệm nên nhu cầu được giải trí họ cũng cao không thua kém gì người trẻ.

Tuy nhiên, NSND Minh Châu cũng cho rằng, nguyên nhân khiến cho các nhà đài và nhà sản xuất không mặn mà với các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... dành cho đối tượng lớn tuổi là vì phải chạy theo doanh thu quảng cáo. Các đơn vị sản xuất mải miết chạy theo giới trẻ, làm các chương trình chủ yếu để cuốn hút giới trẻ vì họ cho rằng làm truyền hình cho giới trẻ mới bán được nhiều quảng cáo, thu được nhiều lợi nhuận. Và theo nữ nghệ sĩ làm như thế là nhà sản xuất đã có sự phân biệt mang tính định kiến đối với người lớn tuổi.

Theo đạo diễn Lê Văn Tĩnh: “Nếu các nhà đài, nhà sản xuất cứ chạy theo lợi nhuận, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà đổ xô làm các chương trình ăn khách nhằm đắt quảng cáo thì về lâu dài truyền hình sẽ bị mất cân đối. Đối tượng người già cần có những chương trình phù hợp để họ giải trí, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi chia sẻ, phân biệt tuổi tác diễn ra ở khắp mọi nơi nhưng điều trớ trêu là nó lại được coi là điều hoàn toàn bình thường trong xã hội. Nó bắt đầu khi các phương tiện truyền thông luôn mặc định miêu tả người lớn tuổi với hình ảnh "già nua”, “lụ khụ" và dáng vẻ "run rẩy, lập cập" trên truyền hình. Vì thế mà các nhà sản xuất truyền hình đã cố tình phớt lờ người lớn tuổi, vô hình trung đưa người lớn tuổi đến bên lề của cộng đồng và điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.