Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Trường mừng, dân lo, trò ngơ ngác & câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất”!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Đó là tâm trạng của nhiều trường, nhiều người và nhiều trò đối với việc bỏ điểm sàn trong Dự thảo qui chế tuyển sinh mà Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố.

Trước hết, nói về chuyện “trường mừng”, cũng xin nhấn mạnh rằng chỉ là “nhiều” trường thôi chứ không phải tất cả. Đặc biệt là những trường tốp dưới, vốn khát sinh viên như “nắng hạn chờ mưa” thì không chỉ mừng mà còn sung sướng. Không sung sướng sao được khi từ nay, cánh cửa mở rộng, trường vốn đèo đẹt sinh viên giờ sẽ ăm ắp như trẩy hội? Mà có học sinh là có tất cả, nhất là những trường ngoài công lập của các nhà doanh nghiệp mở ra nhằm mục đích kinh doanh, lợi nhuận là chính bởi khi đó, nguồn tài chính cũng sẽ ăm ắp đổ về?

Song, đối với những trường thuộc tốp trên thì có lẽ, họ vẫn bình chân như vại. Ví như Đại hoc Y Hà Nội chẳng hạn, 27,5 điểm/3 môn, tức là bình quân hơn 9 điểm/môn vẫn trượt thì họ chỉ quan tâm đến điểm trần thôi. Họ “rung đùi” ngồi đợi những thí sinh có điểm thi xuất sắc nhất tìm đến với mình nên chẳng hơi đâu mà lo “sàn” với “nền” làm gì cho mệt.

Công bằng, không chỉ những trường tốp dưới mà một số trường khác cũng vui bởi từ nay, mình được tăng quyền tự quyết và khi đó, sự sàng lọc sẽ khắt khe hơn, các trường sẽ buộc phải quan tâm đến “thương hiệu” của mình hơn.

Tuy nhiên, dân thì lo. Trong hàng trăm ý kiến gửi về Dân trí qua comment cho thấy đang xuất hiện một sự lo ngại thật sự. Lo vì trước hết, “có bột mới gột nên hồ”. Một thí sinh có điểm thi 27-30 điểm không thể “ngang hàng” với thí sinh 8-10 điểm.

Đầu vào kém, đương nhiên chất lượng sẽ khó mà tốt được. Vả lại, nói rằng sẽ siết chặt đầu ra nhưng từ trước đến nay như đã thành lệ, đầu ra buông lỏng đến gần như chẳng mấy ai đã bước vào trường đại học mà không có bằng tốt nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt.

Rồi việc không khống chế điểm sàn, sẽ là một “cơn lũ” đại học để sau đó, “cá mè một lứa”, người dốt cũng như người giỏi, đều cử nhân, kỹ sư cả? Rồi với cơ chế tuyển dụng sính về bằng cấp như hiện nay, liệu có làm “cơn lũ 4 ệ - hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ” phát huy hết sức mạnh?

Song, lo nhất vẫn là mối lo thất nghiệp. Hiện, đã có hàng vạn kỹ sư, cử nhân và cả thạc sĩ, tiến sĩ đang phải bỏ nghề đã học để mưu sinh bằng làm việc khác. Thậm chí, không ít sinh viên phải giấu bằng đại học để xin đi làm công nhân…

Vì thế nên sinh viên không khỏi tâm trạng… ngơ ngác. Ngơ ngác bởi sự thay đổi quá nhanh, quá đột ngột. Ngơ ngác bởi không biết cái “đầu ra” sẽ được quản như thế nào? Ngơ ngác còn bởi khi mà “phổ cập cử nhân” thì thân phận họ sẽ ra sao? Và cả “ngơ ngác” bởi cái sự “tùy hứng qua cầu”, thay đổi luôn xoành xoạch, “sáng nắng, chiều mưa” vốn không lạ ở ngành giáo dục nước nhà lâu nay nữa.

Còn nhớ cách đây không lâu, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư 30 bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học. Lúc đầu, gặp phải không ít sự phản ứng cả của thầy cô và phụ huynh. Sau một thời gian thực hiện, đã mang lại hiệu quả, thầy cô bắt đầu quen, học sinh bớt áp lực thì gần đây, lại có ý định bỏ để “quay về đường cũ”.

Đành rằng đổi mới là tất yếu trong thời buổi khoa học, kỹ thuật hôm nay nhưng đổi mới phải dựa trên sự kế thừa và nhất quán. Đặc biệt là với giáo dục, không được phép “tùy hứng” với câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” trong truyện “Cây tre trăm đốt”. Thích thì hô “khắc nhập”, không thì “khắc xuất”.

Trở lại với việc bỏ điểm sàn, mở đầu ra, quản lý chặt đầu ra trong Dự thảo nói trên của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Phải khẳng định lần nữa, đây là hướng đi tất yếu của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, do xưa nay chúng ta đã chìm quá sâu vào việc quản lý đầu vào, buông lỏng đầu ra cho nên rất cần sự thận trọng.

Có lẽ trước hết, Bộ Giáo dục & Đào tạo nên siết chặt đầu ra bằng những bài toán định lượng qua “cân đo đong đếm” thật chuẩn trước khoảng 2 – 4 khóa rồi sau đó, hãy buông lỏng đầu vào, siết chặt đầu ra. Một khi chưa siết chặt đầu ra đã buông lỏng đầu vào, e rằng sẽ tạo nên “cơn lũ” rồi trở tay không kịp...

Cũng cần lưu ý, các nền giáo dục tiên tiến không có điểm sàn trong tuyển sinh nhưng bằng việc siết chặt đầu ra ở phổ thông trung học, chỉ có ai đủ tiêu chuẩn mới được tốt nghiệp nên cũng có thể được hiểu như một “sàn” của kỳ thi đại học.

Tóm lại, vấn đề cốt lõi vẫn là kết quả cuối cùng. Xin đừng bổ sung vào đội ngũ sinh viên thất nghiệp nữa bởi nó vốn đã phong phú lắm rồi và cũng đừng thêm một lần nữa biến các em thành “chuột bạch” trong các phòng thí nghiệm, phải không các bạn?