Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Có bao nhiêu công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Tại các diễn đàn lớn về tiền lương, biên chế… các chuyên gia thường đưa ra con số 30% cán bộ, công chức, viên chức chỉ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Nhưng theo Bộ Nội vụ, đó chỉ là con số khái quát của những người trong ngành, còn thực tế thì tới nay vẫn chưa có một con số chính xác...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong một buổi hội thảo gần đây do Bộ Nội vụ tổ chức đã gây băn khoăn dư luận khi cho rằng hiện nay ở Việt Nam có tới 30% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước hàng năm.

Đây có phải là con số chính thức? Nếu không, thì đâu mới là số CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ? Tại buổi tọa đàm: “Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức làm sao cho thực chất” diễn ra hôm nay 19-12 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng đây là con số do các chuyên gia khái quát lên tại các buổi hội thảo chứ không phải là con số chính thức từ Bộ Nội vụ.

“Theo báo cáo chính thức, các đơn vị phê duyệt thẩm định, bình bầu đóng dấu gửi lên và Bộ Nội vụ cũng báo cáo trước Quốc hội, thì năm vừa rồi số CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,5% đến 0,6%”, ông Can nói.

Song thực tế, người dân khó có thể tin được là có tới hơn 99% CBCCVC hoàn thành nhiệm vụ. PGS.TS.Ngô Thành Can chia sẻ, có một lãnh đạo đã nói với ông là thấy xấu hổ khi nhìn báo cáo “97,5% CBCCVC hoàn thành nhiệm vụ”.

Điều này, có một phần nguyên nhân do công tác đánh giá, phân loại CBCCVC chưa thực chất, không tách bạch được người làm tốt, người làm bình thường và người làm kém, nghĩa là sự đánh giá “mang tính bình quân”. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan chưa làm hết nhiệm vụ, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung nên còn nể nang, nương nhẹ; công tác tự phê bình yếu, việc theo dõi CBCCVC chưa sát sao kịp thời…

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho hay, 30% CBCCVC "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" chỉ là con số khái quát của các chuyên gia.

Luật Cán bộ công chức quy định nếu cán bộ hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ loại ra khỏi đội ngũ nhưng trên thực tế hàng năm, hầu hết các cơ quan, đơn vị, số lượng CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ lại rất ít và theo đó cũng rất ít người bị loại khỏi đơn vị công quyền.

Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, đến năm 2021 sẽ tinh giản biên chế 10% cán bộ công chức, viên chức nhưng thực tế trong hai năm qua mới chỉ giảm được hơn 17.000 người. Nếu thực hiện bình quân giảm 1% mỗi năm thì năm 2016 phải giảm biên chế công chức từ cấp huyện trở nên hơn 36.000 người.

Theo các đại biểu tại tọa đàm, Nghị định 56 của Chính phủ về đánh giá và phân loại CBCCVC hằng năm đã thực hiện được hơn một năm. Đây là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ; bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác.

Tuy nhiên, một số quy định về đánh giá CBCCVC chưa sát với thực tiễn như công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài, sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận; đánh giá phân loại còn nể nang, né tránh… Từ đó dẫn đến một số khó khăn trong công tác sắp xếp, khen thưởng, kỷ luật, tinh giản biên chế, thậm chí tinh giản biên chế sai đối tượng…

Về vấn đề này, ông Ngô Thành Can cho hay, đối với nhóm viên chức thì có thể dễ hơn trong việc đong đếm mức độ hoàn thành công việc. Ví dụ trong ngành giáo dục thì giáo viên phải đứng lớp bao nhiêu giờ, có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu đề tài… nhưng đối với công chức thì khó có thể đong đếm được như vậy. Ví dụ nhóm công chức có đặc thù khi làm việc tính chuyên môn cao, hành chính nhiều, không thể đong đếm được. Khi xây dựng chính sách, ra một kế hoạch, không thể nói thế này là tốt thế này là không.  Hơn nữa, không phải ai cũng được phân đề tài, còn sáng kiến không phải vị trí nào cũng có sáng kiến được. “Những bất cập này đã ảnh hưởng tới việc phân loại, đánh giá CBCCVC”, ông Can nói.

Đồng tình, ông Trương Hải Long, cho hay qua nghiên cứu và lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương thấy rằng Nghị định 56 này chưa phù hợp với thực tế và Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ cần sớm sửa đổi nghị định này.