Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

“Đừng lấy của nó, có đói ăn khát gì mà làm vậy?"

Đoàn Bảo Châu

VNN - Khi nhìn cái clip hôi của và nước mắt của người lái xe, tôi chỉ ước trong đám đông ấy có một vài người mạnh mẽ và tử tế,  cương quyết ngăn chặn những con người rất gần với man rợ kia.

Tài xế xe tải cởi trần, bất lực đứng khóc nhìn một số người hăm hở hôi của khi xe bị cháy ở Bình Định khiến những người có lương tri một lần nữa lại đỏ mặt xấu hổ.

Sự việc xảy ra ở Bình Định hôm 1/11/2016. Xe tải là của công ty vận tải Thành Đạt ở Sài Gòn. Chắc hẳn công luận vẫn còn nhớ hình ảnh đám đông xúm lại hôi bia ở Đồng Nai mấy năm trước. Tài xế can ngăn còn bị doạ đánh. Hai sự việc rất giống nhau.

Trong clip tôi thấy một người phụ nữ kêu lên: “đừng lấy của nó, có đói ăn khát uống gì mà làm vậy?” Một giọng đàn ông: “Sao lại làm thế, nếu người ta bỏ đi mới được lấy, đằng này…”

Điều gì khiến người dân có thể đang tâm tham gia vào một sự việc đáng xẩu hổ như vậy?

Đừng đổ tội cho đói nghèo bởi cha ông đã từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm” kia mà. Thay vì thấy hoạn nạn thì chìa bàn tay giúp đỡ, mở lời an ủi để giảm nhẹ nỗi đau mất mát thì người ta lại đục nước béo cò, cùng nhau hăm hở kiếm chút lợi.

Nếu một vài cá nhân thì sự việc không đáng nói, cũng như vụ hôi bia ở Đồng Nai năm 2013, ở đây là một đám đông. Vậy có là vội vã không khi đưa ra kết luận một số không ít người Việt là tham lam, sẵn sàng vì cái lợi trước mắt mà giả vờ quên đi lương tâm, quên đi lẽ phải, quên đi tình người để làm một việc cạn tàu ráo máng, hết sức xấu hổ như vậy?

Để rút ra một kết luận chắc chắn về một sự việc ngẫu nhiên là điều khó làm và gần như không thể, nhưng sự việc này đáng được coi là một tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội, về lương tâm của con người Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu về văn hoá hay nói tới “thuần phong mĩ tục” về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tôi hy vọng họ sẽ lên tiếng để góp phần phân tích, bắt mạch được chính xác xem văn hoá của chúng ta đang ở đâu.

Theo tôi nghĩ, “thuốc đắng giã tật”, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, không tự xoa dịu, không tự ru ngủ thì mới mong cải thiện được thực trạng đáng buồn của xã hội. Đúng là ở đâu và thời nào cũng có người tốt người xấu nhưng khi cái xấu hiện diện như một phản ứng của tập thể thì là điều rất đáng lo ngại.

Bản lĩnh văn hoá của dân tộc đang ở mức báo động cao. Nếu không có những cái nhìn thẳng thắn, trung thực và có những chương trình, dự án và có những chính sách cụ thể để thay đổi điều này thì đến một lúc nào đấy, sự dễ dãi hời hợt sẽ biến thành văn hoá xấu, người xấu sẽ thành số đông áp đảo người tốt. Những sự việc đáng xấu hổ, đau lòng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Vậy đâu là căn nguyên của những sự việc xấu xí này?

Một bạn chia sẻ trên Facebook: "Em có người bạn kể rằng, ngày xưa nhà cậu ấy ở cạnh công trường xây dựng, cứ mỗi khi đi học về là trộm vài viên gạch. Khi công trường xong thì nhà cậu ấy đủ xây cái bếp + chuồng gà. Cậu ấy được bố mẹ khen!"

Vậy đấy, cái xấu xuất phát từ gia đình và cái xấu cũng đến từ xã hội. Chúng ta ai cũng tự mình trải qua hay đã từng nghe khi ra phường làm giấy tờ, phải phong bì để thủ tục được nhanh hơn nếu không muốn mất thời gian, bị gây khó dễ. Doanh nghiệp muốn hoạt động, phải có tiền lo lót, bôi trơn rất nhiều “mặt trận”.

Người dân muốn con vào làm cơ quan nhà nước, làm ông này bà kia, làm “quan” để hưởng bổng lộc chứ không phải để phục vụ người dân, đưa đất nước đi lên. Đến nỗi mà giờ đây ai nói tới lý tưởng thì còn bị nhìn nhận như một kẻ xa lạ, một kẻ từ cổ đại.

Trong khi ấy, khi nói chuyện với thế hệ trẻ từ Anh, Mỹ thì cái lý tưởng ấy không có gì là xa lạ mà còn được trân trọng, động viên và cổ vũ. Nếu cứ đà này, thì một lúc nào đấy khi loạn lạc xảy ra người Việt sẽ ứng xử thế nào?

Khi nhìn cái clip ấy, nhìn nước mắt của người lái xe, tôi chỉ ước trong đám đông ấy có một vài người mạnh mẽ và tử tế. Những người ấy sẽ cương quyết ngăn chặn những con người rất gần với hoang dã kia.

Nhưng tiếc thay chỉ có một người phụ nữ yếu đuối và một giọng đàn ông cũng yếu đuối không kém. Hơn bao giờ hết, xã hội này cần những con người tử tế và mạnh mẽ.