TP - Gặp mặt hơn 500 kiều bào từ năm châu, bốn bể trở về tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới khai mạc tại TPHCM ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại nhiều kỷ niệm, nhiều lần đọc thơ, ca dao để bày tỏ tình cảm keo sơn gắn bó giữa những người chung dòng máu Việt.
Dù cho núi lở non mòn…
Trước những tràng vỗ tay không dứt của bà con kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động nói: “Tôi nhớ một câu ca dao Dù cho núi lở non mòn/Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Tôi vô cùng xúc động và ấm cúng khi đứng trước bà con kiều bào. Những người con của dân tộc Việt Nam, dù ở xa Tổ quốc nhưng huyết thống dân tộc không ngừng chảy, trái tim luôn hướng về đất nước với sự thuỷ chung không thay đổi. Chúng ta chào đón những người con đem theo khát vọng, hoài bão về đóng góp cho đất nước”.
Thủ tướng cho biết đã nghe Bộ Ngoại giao báo cáo tóm tắt tham luận của bà con kiều bào. Cá nhân ông dành cả buổi tối để trực tiếp đọc các tham luận và nhận thấy các bài viết rất sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của bà con với công cuộc phát triển đất nước. Các tham luận thiết thực với các vấn đề mà đất nước và TPHCM đang ngày đêm trăn trở như quản lý rủi ro, khởi nghiệp, vụ kiện quốc tế, xây dựng thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, công nghệ, khuyến khích đầu tư... Đây là những ý tưởng rất tốt, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của bà con với các vấn đề lớn của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.
“Đảng và Nhà nước giao TPHCM cần tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu là trung tâm kinh, tế tài chính của khu vực. Hòn ngọc Viễn Đông là danh hiệu trước đây của TPHCM, nay phải là hòn ngọc toả sáng Viễn Đông. Trước đây, Kuala Lumpur, Bangkok... không là gì so với TPHCM nhưng thời gian qua, do một số lý do, chúng ta đã chậm và mất vị trí dẫn đầu khu vực. Đây là thời kỳ chúng ta phải cất cánh mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, ông rất xúc động khi nghe chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam của bà con kiều bào, trong đó có TS Nguyễn Thanh Mỹ, dù đã trên 60 tuổi vẫn quay trở lại Việt Nam khởi nghiệp thêm lần nữa hay chuyện GS Trần Thanh Vân đã 82 tuổi nhưng vẫn tâm huyết khởi xướng chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng, nhiều người đạt giải Nobel đến với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại kỷ niệm với bà con kiều bào 20 năm trước khi còn công tác tại tỉnh Quảng Nam. Trong một chuyến công tác ở nước ngoài, một trí thức Việt kiều đã lái xe đưa ông lặn lội khắp nơi để tìm đối tác dạy nghề. Có kiều bào còn tình nguyện giúp gói những món quà ông đã mua trên đường đi công tác để gửi về Việt Nam.
“Có thể nói, sự hiện diện của kiều bào ngày hôm nay tại TPHCM, trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, khẳng định tiềm năng phát triển của đất nước không chỉ vẻn vẹn trong dải đất hình chữ S mà ở rất nhiều nơi trên hành tinh này. Ở đâu có người Việt Nam, ở đó có đất nước Việt Nam, ở đó có những con người luôn sẵn sàng quay về đóng góp, xây dựng đất nước”, Thủ tướng nói.
Đánh giá cao những nỗ lực trong đầu tư, phát triển khoa học-công nghệ của kiều bào, Thủ tướng gửi gắm mong muốn bà con gìn giữ các giá trị văn hoá của Việt Nam. Bà con là sứ giả truyền bá văn hoá, là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới.
Quê hương mỗi người chỉ một…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ quyết tâm cải cách mạnh mẽ, làm mới chính mình để xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo điều kiện, môi trường thông thoáng, không nặng về hành chính, quản lý… “Tôi kêu gọi đồng bào người Việt ở nước ngoài cùng chung sức xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Mỗi kiều bào dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó suy nghĩ khác về đất nước nhưng trong tim luôn đầm ấm về đất nước, nơi quê hương mỗi người chỉ một, nơi chúng ta cùng dòng máu Lạc Hồng. Dân tộc ta là một...”, Thủ tướng phát biểu.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trích dẫn bốn câu kết trong bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân: Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người. “Tôi nghĩ mỗi bà con kiều bào chúng ta đều mang tâm tư như thế. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy trong kiều bào, trái tim luôn hướng về quê hương. Tình cảm đó vô cùng trân trọng, đáng quý”, Thủ tướng nói.
Tối cùng ngày, gặp mặt và nghe các kiều bào tiêu biểu chia sẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến góp ý đầy tâm huyết và trách nhiệm. “Chính phủ lắng nghe ý kiến bà con để xây dựng chính sách… Càng khó khăn, chúng ta càng phải đoàn kết, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, GS Kiều Linh Valverde (Đại học California-Davis) chia sẻ, bà rời Việt Nam lúc mới 5 tuổi, đến năm 1993 quyết định về Việt Nam học tiếng Việt. “Khi về Mỹ, nỗi nhớ quê hương cồn cào. Từng viên đá vỉa hè, góc phố cổ ở Hà Nội như thôi thúc tôi quay về…”, bà tâm sự. Còn ông Nguyễn Đỗ Dũng, kiều bào Singapore, trải lòng: “Có những thế hệ kiều bào 100% khát khao cống hiến cho nước nhà. Chúng tôi đã tập hợp một nhóm anh em trí thức trẻ ra nước ngoài học tập, mong muốn trở về xây dựng đất nước”.