VNN - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, chúng ta cần quên đi mục tiêu 2 độ C nếu Việt Nam và các nước Châu Á khác vẫn quyết tâm xây dựng các nhà máy nhiệt điện đã được lên kế hoạch.
Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP22) vừa diễn ra tại Marrakech, Morocco. Bên lề sự kiện này, Tuần Việt Nam đã trò chuyện với bà Sonja Schirmbeck, Phó Đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), văn phòng Việt Nam.
Thưa bà, các hội nghị COP trước đây đã đạt được những thành tựu tiêu biểu nào liên quan đến vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH)?
Các nước đã thông qua cam kết riêng lẻ mang tên Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC).
INDC được hiểu là cam kết của mỗi nước về việc số lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia đó sẽ giảm đi và giảm bằng cách nào. Vấn đề là tất cả cam kết này không thể được khẳng định chắc chắn và nhiệt độ vẫn có khả năng tăng lên khoảng 30C. Theo cách nhìn riêng rẽ, trên dưới 1 độ C không tạo ra sự khác biệt rõ rệt, tức 35 hay 36 độ C tại Hà Nội vào mùa hè vẫn không khác nhau nhiều, mức đó chỉ đơn giản là nóng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào nhiệt độ trung bình toàn cầu, thậm chí chênh lệch 0,5 độ C hoặc ít hơn cũng đã gây ra những tác động to lớn mà được gọi là “những điểm tới hạn”, ví dụ như khả năng hấp thụ khí nhà kính (KNK) tăng, tan băng vĩnh cửu hay nước biển tăng lên nhanh chóng vì sụt núi băng và tất nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến Việt Nam. Nếu đạt đến điểm tới hạn này thì khi đó hiện tượng nhiệt độ tăng sẽ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của loài người.
Giảm thiểu tổn thất do biến đổi khí hậu được gọi là “thích ứng”.
Tại COP21 ở Paris, tầm quan trọng của “thích ứng” được nhìn nhận ngang bằng với “giảm thiểu” vì các biện pháp giảm thiểu mạnh mẽ nhất của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng không thể chặn đứng BĐKH ngay lập tức trong khi hiện tượng này đã gây ra vô số thiệt hại cho sinh kế nói riêng và cuộc sống loài người nói chung.
Chủ đề năm nay được tập trung thảo luận là gì, thưa bà?
COP22 được gọi là “COP của hành động”. Thỏa thuận Paris là một thành công lớn khi đặt ra mục tiêu 1,5 – 2C và nhìn nhận tầm quan trọng của thích ứng.
Tuy nhiên, câu hỏi bằng cách nào để đạt được những cam kết đó vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó, các đại biểu tại Marrakech cần nhất trí về những chỉ dẫn, thủ tục và quy trình triển khai Thỏa thuận Paris trong 6 chủ đề trọng điểm, gồm thích ứng, giảm thiểu, minh bạch, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, tổn thất và thiệt hại.
Các nhà nghiên cứu về khí hậu đều cho rằng những điểm tới hạn này nằm giữa thông số tăng nhiệt độ từ 1,5 đến 2 độ C và chúng ta đã tiến đến rất gần con số này. Tầm quan trọng của COP tại Marrakech là nhằm đạt được cam kết của các quốc gia về giảm thiểu KNK và phải chắc chắn rằng các cam kết đó thật sự được triển khai ngay lập tức.
Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nhằm giúp họ đương đầu với các tình thế khó khăn, ví dụ như điều chỉnh mùa vụ phù hợp với khí hậu hay xây dựng kế hoạch khẩn cấp cho các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mặc dù việc nhìn nhận được tầm quan trọng của “thích ứng” là một thành công lớn của COP21 nhưng cho đến nay chưa có một lộ trình rõ ràng về việc triển khai cũng như nguồn tài chính để phục vụ nỗ lực thích ứng toàn cầu. Đây vẫn là một câu hỏi quan trọng mà các đại biểu tham gia COP năm nay cần phải trả lời.
Chủ đề nào trong số những chủ đề cốt tử này đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam?
Việt Nam có nhu cầu thích ứng rất lớn nhưng kể cả với những kế hoạch thích ứng tốt nhất, Việt Nam cũng không thể hoàn toàn tránh được thiên tai và phá hủy. Do đó, câu hỏi là bằng cách nào bù đắp được những thiệt hại đang tăng lên với sự nhìn nhận về trách nhiệm từ quá khứ và hiện tại gây ra BĐKH.
Việt Nam đã rất chủ động trong các phiên đàm phán tại COP và có nhiều đóng góp giá trị cho tiến trình đàm phán cũng như xây dựng các chính sách toàn cầu. Các chính sách này tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường quan hệ quốc tế và vận động các nguồn lực để ứng phó BĐKH. Tại buổi khai mạc của COP22, đoàn đàm phán Việt Nam đã có sự kiện chia sẻ về việc triển khai Thỏa thuận Paris, được cộng đồng quốc tế chào đón nồng nhiệt.
Về giảm thiểu, lượng phát thải KNK của Việt Nam còn thấp so với toàn cầu nhưng con số này đang tăng rất nhanh, đặc biệt do các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp. Gần đây, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí đã nhấn mạnh “chúng ta cần quên đi mục tiêu 2 độ C nếu Việt Nam và các nước Châu Á khác xây thêm các nhà máy nhiệt điện. Để có thể chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo thay thế và hướng đến sản xuất xanh tại Việt Nam, chúng ta cần chuyển giao công nghệ”.
Hiện nay, các chuyên gia đều đồng ý rằng các giải pháp kĩ thuật để đạt được mục tiêu 1,5 độ C là khả dĩ và việc áp dụng công nghệ xanh sẽ mang đến nhiều lợi ích như cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam hoặc sức khỏe của công nhân và môi trường quanh các khu công nghiệp.
Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng các quốc gia sở hữu công nghệ tiên tiến phải sẵn sàng chia sẻ những công nghệ này. Song song đó, chính phủ các nước đang phát triển và các nước đang nổi lên cũng sẵn sàng áp dụng nhanh các công nghệ tiên tiến trên.
Cám ơn bà đã dành thời gian.
***
Kể từ năm 1995, các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã có các cuộc gặp thường niên để thảo luận về cách thức chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Hội nghị BĐKH mang tầm quan trọng quốc tế này thường được biết đến với tên gọi “Hội nghị các bên” (COP). COP là cơ quan ra quyết định tối cao nhất thuộc Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Hội nghị năm nay (COP22) được tổ chức tại Morocco, quốc gia có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu tương tự Việt Nam. Số đại biểu tham dự COP năm nay là 20.000, ít hơn so với con số 40.000 của năm trước.
Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để các đại biểu đào sâu hơn vào những vấn đề thực tế nhằm phục vụ việc triển khai Thỏa thuận Paris. Như mong đợi, COP năm nay sẽ tập trung nhiều hơn vào tính thực tiễn.