VNN - Phân bón vô cơ giao cho Bộ Công thương quản lý, nhưng phân hữu cơ lại dưới sự quản lý của Bộ NN&PTNT, dẫn đến chồng chéo.
Tại phiên chất vấn của QH sáng nay, Bộ trưởng Công thương cho biết, hiện Việt Nam có hơn 10.700 loại phân bón, trong khi Thái Lan chỉ có hơn 100 loại.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) về việc hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón giả đang tràn lan trên thị trường nhưng lực lượng chức năng chưa kiểm soát được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón.
Bộ trưởng nêu thực tế: Hiện nay, phân bón vô cơ thì giao cho Bộ Công thương quản lý, nhưng phân hữu cơ lại dưới sự quản lý của Bộ NN&PTNT, dẫn đến chồng chéo nên giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Trong 10.700 loại phân bón lưu hành, Bộ Nông nghiệp quản lý hơn 5.000 loại, còn lại thuộc Bộ Công thương. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực để kiểm soát hàm lượng định lượng.
Để khắc phục, Bộ trưởng cho hay, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về chất lượng phân bón.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn: Giải pháp quản lý phân bón vô cơ thế nào? Trong lúc chờ giải pháp, chờ quy chuẩn thì Bộ có động thái gì để hạn chế ảnh hưởng đến nông dân, môi trường?
Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh: Ngoài những tồn tại về chồng lấn trong quản lý nhà nước, trên thực tế còn có sự tồn tại những sai phạm và vi phạm của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, cả việc công bố hợp quy.
Bộ NN&PTNT đã thanh tra về phân bón và phát hiện nhiều sai phạm, Bộ Công thương cũng đã tiếp thu kinh nghiệm và vừa tiến hành kiểm tra 2 đợt, phát hiện có sai phạm trong thực hiện chứng nhận và hợp quy. Vì thế, Bộ đã rút giấy phép, yêu cầu xử lý, hủy bỏ chức năng giấy phép của đơn vị sai phạm.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần phải quản lý tận gốc các hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, phải quy định điều kiện cho hoạt động này để không còn cơ hội gian lận, gây thiệt hại cho người dân và môi trường.
Lãnh đạo ngành Công thương sẽ khẩn trương rà soát về công tác chỉ định tổ chức xác nhận và công bố hợp quy, từ sản xuất đến kinh doanh phân bón, đồng thời tiếp tục xây dựng hệ quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn để tránh phân bón giả hoành hành, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tâm đắc với câu trả lời của Bộ trưởng Công thương. Ông đề nghị đưa quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Tuấn Anh, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phân hoá học sử dụng tới 9-10 triệu tấn khiến nông sản không sạch, chất lượng không cao. "Tình trạng này kéo dài, giá nông sản không thể cao được. Phải định hướng lại sử dụng phân bón hữu cơ", Bộ trưởng Cường quả quyết.
Ông nhấn mạnh, phải định hướng phát triển phân bón hữu cơ để từng bước chuyển sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch.
Khi mặt hàng phân bón phân chia 2 bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp quản lý phân bón hữu cơ, còn phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản, nếu hai bộ phối hợp không tốt sẽ là kẽ hở phát tác hoạt động gian dối.
Ông Cường đề nghị, nên tập trung về một mối quản lý phân bón và tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật quản lý phân bón phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, cần ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn về quản lý chất lượng phân bón.
Chủ tịch QH Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn này 2 bộ ngồi lại để thống nhất ngay quản lý mặt hàng này để "những phiên chất vấn sau đại biểu QH không còn phải kêu chuyện chồng chéo quản lý nữa".