Viettimes - Những status câu like, xin “1.000 like” để đốt trường hay tung tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi cá nhân được người dùng thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội facebook khiến dư luận xã hội nhiều phen “dậy sóng”.
Status câu like
Đây có lẽ là một trong những chiêu trò thường gặp nhất trên mạng facebook. Trên thực tế, “like không hái ra tiền” nhưng có thể khiến chủ nhân vướng vòng lao lý nếu có ý đăng tải thông tin trái sự thật. Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng thực trạng này không hề giảm mà lại có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây với vô số các vụ án lớn nhỏ.
Theo thống kê năm 2015, trên toàn cầu có khoảng 1,4 tỷ người tham gia facebook. Nhìn vào con số này có thể thấy số lượng cư dân mạng không hề nhỏ và tất nhiên tốc độ phát tán thông tin cũng chẳng thể xem thường. Đây cũng chính là lý do khiến không ít người đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để thỏa mãn hư vinh, bịa chuyện, đặt điều chỉ nhằm mục đích câu like, tìm kiếm sự đồng tình, thương hại của người khác.
Đơn cử như trường hợp Nguyễn Sơn T. đã dùng nickname “T. Lò Gạch” đăng thông tin giật gân về những vụ bắt cóc trẻ em và buôn bán nội tạng. Vốn là chủ đề “nóng” của xã hội, những thông tin này đã có gần 3000 lượt chia sẻ và hàng chục ngàn ý kiến người đọc khiến dư luận xôn xao và buộc các Cơ quan chức năng phải vào cuộc để xác minh sự việc.
Đến khi bị mời lên Cơ quan điều tra để lấy lời khai, đối tượng này mới tiết lộ thông tin được đăng tải vừa qua là do anh ta thu thập trên facebook chỉ để câu like mà thôi.
“Nói đùa” mạng ảo, tai họa thật
Giới trẻ tham gia mạng xã hội chiếm một số lượng khá đông và nhiều vụ án liên quan đến facebook cũng xuất phát từ các đối tượng này.
Gần đây nhất phải kể đến sự việc xảy ra ngày 9/10/2016, một nữ sinh bị phỏng nặng vì mang xăng đốt trường. Được biết, nguồn cơn sự việc xuất phát từ việc nữ sinh này “lỡ” đăng trên facebook “status đạt 1.000 like” sẽ đốt trường và bị ép phải thực hiện như tuyên bố.
Hay như vụ một nữ sinh tên T.B đã nhờ một vài người bạn đăng status trên facebook và cả post trên trang cá nhân của mình để “bày tỏ niềm thương tiếc” cho sự ra đi mãi mãi của cô. Ngay sau khi thông tin đăng tải, nhiều người thân quen và cả những người lạ mặt chỉ quen biết sơ sơ trên facebook đều tỏ ra tiếc nuối và đau buồn cho sự ra đi đột ngột của cô nữ sinh còn quá trẻ này.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, chính bạn bè của T.B đã đăng tải status với nội dung “lật mặt” T.B đã nhờ họ đăng tin sai, giả chết. Ngay sau sự việc vỡ lở, những người thân quen với T.B và cộng đồng mạng đã quay lưng với nữ sinh dối trá này. Đa phần đều tỏ ra khó chịu, mỉa mai vì chẳng thể hiểu nổi vì sao cô nàng này lại có thể tung ra chiêu trò… quái đến thế.
Tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi cá nhân
Nếu như trước kia status chỉ nhằm mục đích câu like thì ngày nay nó đã được biến tướng về tính chất theo một hướng, trở thành công cụ đắc lực cho những người đang kinh doanh phát tán tin đồn thất thiệt hãm hại đối thủ của mình.
Đa phần các đối tượng này chọn cách lập các facebook giả hoặc trang web giả, phát tán những tin tức sai lệch về chủ doanh nghiệp và công ty đối thủ, kích động kêu gọi tẩy chay nhằm tranh giành thị phần kinh doanh.
Tẩy chay đối thủ để độc chiếm thị phần là hành vi trái pháp luật
Đơn cử như sự vụ doanh nghiệp mỹ phẩm Top White đã phải gửi đơn kêu cứu vì liên tục bị một nhóm người mạo danh khách hàng “tấn công trên mạng xã hội”. Theo doanh nghiệp này, nhóm người tấn công doanh nghiệp cũng hoạt động trong ngành mỹ phẩm, chuyên cung cấp những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo doanh nghiệp Top White, nhóm người tấn công đã sử dụng ảnh cắt ghép người bị phản ứng do sử dụng mỹ phẩm để tung lên mạng, sau đó cố tình gán cho nguyên nhân do sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp này. Thậm chí, các thông tin về công bố sản phẩm của doanh nghiệp cũng bị bóp méo, dẫn dắt cho hiểu sai.
Những "chiêu" này đã khiến doanh nghiệp lao đao khi bị mất thị trường, đại lý hoảng hốt xin dừng bán sản phẩm...
Doanh nghiệp Top White cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh; đối thủ cố ý hạ bệ uy tín của mình để cạnh tranh khách, trục lợi phi pháp. Đến thời điểm hiện tại, câu chuyện vẫn đang tiếp diễn, hai bên lần lượt đưa ra các chứng cứ có liên quan, kéo theo đó là hàng ngàn người bị cuốn vào cuộc chiến.
***
Mạng xã hội vốn dĩ phức tạp và những vụ án lớn nhỏ gần đây đã cho thấy được phần nào những hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra cho xã hội thật. Thiết nghĩ, đã đến lúc xã hội và các Cơ quan pháp luật cần có những quy định về sử dụng mạng xã hội, khuyến cáo các cá nhân và tổ chức tham gia mạng xã hội cũng phải tự nhận thức được các hành vi của mình để tránh các trường hợp phạm luật do thiếu hiểu biết.