ANO - Trên bàn làm việc của tôi là bộ hồ sơ dầy cộm của một nhân vật đang khiếu kiện đất đai, tôi có từ chối là vì tôi không còn viết mảng điều tra nữa...
Vụ đụng độ bằng súng tự chế khiến 3 người tử vong và 16 người khác bị thương tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho thấy vẫn chưa có hồi kết cho những bi kịch xung quanh chuyện bồi thường trong quá trình thu hồi đất.
Nhân vật nằng nặc xin tôi đọc giúp để hướng dẫn về luật, tôi nhận lời trong e ngại vì tôi biết mình như một niềm hy vọng cuối cùng nên nhẽ nào làm ngơ.
Những nhân vật mà tôi đã gặp nhiều năm trước trong các đợt cao điểm thu hồi đất cho đến giờ vẫn còn nhiều người đang khiếu kiện.
Đất, tài sản lớn nhất của đời người bao giờ cũng để lại quá nhiều câu chuyện buồn bã.
1. Lần gần đây nhất tôi ngồi với chú Hùng là hơn 3 tháng trước, vị quân nhân với quân hàm trung tá, tướng mạo đĩnh đạc đàng hoàng, tiếng nói dứt khoát mạnh mẽ và đầy nam tính. Nhiều năm rồi chú Hùng vẫn cầm đơn đi khiếu nại, chú Hùng nằm trong diện thu hồi đất nhưng không được đền bù thỏa đáng.
Mỗi lần ngồi với chú, là mỗi lần tôi cảm thấy xấu hổ. Bởi suy cho cùng thì tôi chỉ là một nhà báo, chuyện cần chuyển tải tôi đã chuyển tải còn lại là chuyện xử lý của các cấp chính quyền. Tôi biết những cá nhân như chú Hùng chưa bao giờ nguôi niềm tin về một sự công bằng, chỉ là niềm tin ấy ngày càng xa vời vợi.
Chú Ba Nhỏ ở quận Bình Thạnh, đoạn đường Ngô Tất Tố. Những năm tháng trọ học đại học, tôi lưu ngụ tại khu này, quen thuộc từng ngõ hẻm, cây cầu. Cũng như chú Hùng, chú Ba Nhỏ cũng khiếu kiện vì đất bị thu hồi. Chú Ba Nhỏ hay cười, ngồi cà phê cóc vừa nói vừa cười, có cáu gắt cũng cáu gắt đó rồi cười đó, giọng sệt Nam Bộ, tính cách sệt Nam Bộ.
Chú Ba Nhỏ giờ không còn nữa rồi, chú đã khuất. Tôi không biết cảm giác của tôi thế nào khi đón nhận tin chú mất, tôi chỉ thấy đớn đau thôi. Vì ngày chú mất, công cuộc trường chinh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, cho gia đình của chú vẫn chưa hoàn tất.
Rồi chú Đá, mỗi lần chú Đá gọi điện thoại là mỗi lần có cảm giác người đàn ông này ái ngại. Như khi chú nói, nhờ con hoài mà đưa gì con cũng không nhận, các chú không biết phải làm sao.
Tôi tự thuở tóc xanh cho đến giờ này vẫn theo nghề báo bằng nhiệt huyết, bằng đam mê, bằng trách nhiệm của một người cầm bút. Tôi thưa với chú Đá, tôi vốn tin vào tâm linh, vật không phải của mình không lấy, tiền của người nhất định không cầm. Thu nhập tôi vẫn ổn để có thể lo lắng cho người thân, cơ quan chưa để tôi thiệt thòi bất cứ quyền lợi nào. Quan trọng hơn, không ai làm người mà trong tình huống khó khăn của người khác lại vin vào đó để trục lợi.
Chỉ hận một điều mình không thể làm gì cho những nỗi buồn của họ được vơi bớt ngoài chuyện ủi an, ngoài điều chia sẻ. Thú thật, tôi chưa thấy người dân nào đi đòi quyền lợi khi đất đai của họ bị thu hồi mà họ tỏ ra quá quắt hay muốn phần hơn cả. Họ chỉ muốn một sự công bằng, thậm chí là tiệm cận công bằng nhưng sao lại khó đến thế này.
Năm tôi 8 tuổi, nhà tôi nằm trong diện giải phóng mặt bằng để phục vụ công tác mở rộng QL1. Ấu thơ trong tôi thời điểm đó là nước mắt chảy dài khi thấy nhân viên công vụ dùng búa đập căn nhà của mình. Hôm đó, bố mẹ tôi đi rẫy, nhà không có ai ngoài mấy anh em.
Những năm này, tôi nghe nhiều câu chuyện về người tự tử do nhà cửa bị đập, bị thu hồi để làm quốc lộ. Thế nên, chắc tôi dễ đồng cảm về những trường hợp như những nhân vật mà tôi đã kể trên. Mà họ chỉ là số ít trong những nhân vật mà tôi từng tiếp xúc, điểm chung là câu chuyện đều có khởi nguồn như nhau.
2. Rạng sáng 23-10, tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ nổ súng, tấn công bằng hung khí giữa một nhóm người cố gắng bảo vệ đất và phía cương quyết phá cây lấy đất do nhân viên của Công ty Long Sơn. Vụ việc này đã khiến 3 người tử vong, 16 người khác bị thương.
Người dân ở đây phản ánh, nhiều năm qua họ đã đụng độ với phía Công ty Long Sơn, mỗi lần đụng độ họ đều trình báo chính quyền địa phương nhưng sự trình báo ấy đều rơi vào im lặng. Còn phía chính quyền địa phương thì trần tình, Công ty Long Sơn làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, họ không có quyền can thiệp
Trước đây, khu vực này là đất rừng và người dân tự khai phá lấy đất sản xuất. Tới nay, có 360 hộ dân sinh sống trồng hoa màu và cây điều. Năm 2008, đất của người dân bỗng dưng bị chính quyền giao cho Công ty Long Sơn làm dự án.
Điều đáng nói, do người dân mất đất không được Công ty Long Sơn hỗ trợ thỏa đáng nên họ quyết không rời bỏ diện tích đất đã khai phá.
Từ đó, nhiều lần Công ty Long Sơn cho máy móc và người vào san ủi diện tích hoa màu, cây điều và tháo dỡ chòi rẫy của người dân. Mà mỗi lần phía Long Sơn đổ quân san lấp bao giờ cũng vào lúc nửa đêm gà gáy, tinh mơ sương sớm với xe ủi và nhiều nhân viên hỗ trợ. Tức nước vỡ bờ, tiếng súng đã nổ ra vào rạng sáng 23-10-2016. Những người dân đã họp lại tại nhà bị san ủi, quyết một lần đồng lòng phản ứng.
3. Trên thực tế, mâu thuẫn đất đai chỉ được giải quyết khi chính quyền địa phương thực hiện đúng vai trò, chức trách của mình là trọng tài - một trọng tài công tâm, khách quan trong cuộc thương lượng bồi thường giữa người dân và doanh nghiệp.
Đáng tiếc, thói thường người ta hay nghiêng về phe có tiền để hy vọng có thể thu lợi gì đó cho bản thân mình.