Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Xả lũ đúng quy trình là quy trình gì?

Nam Cường

(Dân Việt) Câu nói trên đây không phải của tác giả bài viết mà là của ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cách đây 7 năm - một “tiếng sấm giữa trời quang” ngay tại cuộc họp mổ xẻ trách nhiệm xả lũ hồ thủy điện A Vương gây trận đại hồng thủy và lũ bùn nhấn chìm hạ du sông Vu Gia hồi đó. Đến nay, câu hỏi này vẫn còn nguyên giá trị với thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh).

Ông Quang - một trong những tư lệnh ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam - luôn xắn tay áo lội bùn về với bà con nông dân hay luồn rừng cùng kiểm lâm bắt lâm tặc, luôn oang oang, “phang” thẳng không nể nang những chướng tai gai mắt.

Tôi còn nhớ cuộc họp hôm đó, đúng ngày 19.10.2009, nghĩa là cũng dịp tháng 10 như mấy ngày nay, vùng hạ du Vu Gia ngập chìm trong lũ bùn. "Thủ phạm" được chỉ mặt gọi tên là thủy điện A Vương (Đông Giang - Quảng Nam). Cuộc họp có đầy đủ đại diện bộ ban ngành, tất cả đều “tròn vo” bởi xả lũ đúng quy trình, chỉ đến khi ông Nguyễn Thanh Quang đăng đàn…

“Các ông xả rứa thì dân tui chết chứ còn gì nữa. Hồ thủy điện mà không điều tiết được lũ thì để làm gì? Tôi lên đây, cãi nhau với các ông không phải để đổ tội, để quy trách nhiệm, mà là cùng rút kinh nghiệm, để các ông xem lại quy trình xả nước làm sao cho hợp lý. Quảng Nam có đến bốn nhà máy thủy điện công suất lớn cùng ba cái nhỏ chứ không riêng gì A Vương. Nếu các ông nói đã xả đúng quy trình, thì cái quy trình của Bộ Công Thương là có vấn đề”.

"Sao cứ phải cứng nhắc theo quy trình? Xả lũ mà làm hại dân cũng cứ nhắm mắt mà xả hay sao? Đài báo sắp có mưa to, nếu các anh linh động cho xả trước, dù sai quy trình nhưng có phải là hợp lòng dân không? Và nữa, mùa lũ sau đồng loạt bốn nhà máy thủy điện cùng xả đúng quy trình như các anh thì vùng hạ du sẽ ra sao?”.

Câu hỏi ấy bây giờ lại đặt ra nóng bỏng. Tuy nhiên, sau buổi họp ấy mấy năm, bộ quy trình xả lũ của liên hồ thủy điện Vu Gia - Thu Bồn đã được xây dựng chặt chẽ, và người chịu trách nhiệm chính sẽ là những chủ tịch tỉnh, người đứng đầu địa phương, với tư cách Trưởng ban PCLB&TKCN.

Sở dĩ tôi dài dòng câu chuyện 7 năm trước là bởi, mới 2 ngày đây thôi, ông Võ Mạnh Hùng - Phó giám đốc Công ty thủy điện Hố Hô - gần như “nắn gân” Chủ tịch huyện Hương Khê và “bóng gió xa xôi” trách cứ cả Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. “Bảo bối” mà ông Hùng, thủy điện Hố Hô và cả hàng trăm thủy điện khác khi xả lũ hại dân vẫn đúng ba câu “đúng quy trình”.

Vâng! Đúng quy trình nhưng Hố Hô vẫn như thường lệ, góp thêm hàng triệu mét khối nước vào cơn đại hồng thủy đang dâng, góp thêm nước để nhấn chìm hàng chục ngôi làng, hàng trăm ngôi nhà, góp thêm nước khiến hàng tỷ đồng (vẫn chưa thống kê được) của dân, từ trâu bò, lợn gà, hoa màu… trôi theo cơn lũ.

Vậy đúng quy trình ở đâu?

Nói như ông Quang: Sao không chủ động đón lũ theo thông tin của đài khí tượng thủy văn, xả trước mấy ngày thì làm gì có tình trạng thủy điện Hố Hô phải xả hết cỡ để “cứu nhà máy” như phát biểu của ông Võ Mạnh Hùng?

Đúng quy trình ở đâu khi Chủ tịch huyện Hương Khê không biết chuyện Hố Hô xả lũ, còn Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ nắm được khi đi thị sát, nghe dân bức xúc tố cáo? Chả lẽ sinh mạng hàng ngàn dân chỉ được “khơi khơi” bằng một cuộc điện thoại của thủy điện Hố Hô cho ông Phó Chủ tịch huyện Hương Khê?

Vâng! Cuộc điện thoại này sẽ được ghi vào biên bản, để rồi đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương khi ra về, sẽ lại kết luận: Đúng quy trình! Thủy điện, đã, đang và sẽ được tiếp tục ưu ái vì “thành tích” mưa góp lũ, nắng gây hạn của mình. Dự kiến để làm một công trình thủy điện, người ta phải cạo sạch hàng chục héc-ta rừng, chặn nguồn nước, đốn hạ hàng ngàn cây gỗ tự nhiên… để làm nhà máy, lòng hồ. Bằng cách này, chúng ta đang trực tiếp tháo đi tấm lá chắn cho hàng triệu sinh mạng dưới hạ nguồn, và câu chuyện trả giá không chỉ là bây giờ, mà sẽ kéo dài tận thế hệ mai sau.
***

Hiện cả nước có khoảng 6.500 hồ đập thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ với hơn 65 tỷ mét khối nước “treo” trên thượng nguồn. Đây chính là những quả bom nước khổng lồ, và đe dọa an nguy của người dân mỗi khi mưa lũ về.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy trình xả lũ, với trách nhiệm chính thuộc về: Chủ tịch tỉnh. Với quy trình cũ, các hồ thuỷ điện thì thuộc Bộ Công Thương, hồ thuỷ lợi thuộc Bộ NNPTNT, các lưu vực sông thuộc Bộ TNMT, các hồ đập nhỏ thuộc chính quyền địa phương quản lý. Theo quy trình mới, Trưởng ban phòng, chống thiên tai (bao gồm bão lụt, hạn hán, động đất, sóng thần…) được chỉ định cụ thể là chủ tịch UBND các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, không còn chung chung là lãnh đạo chính quyền như trước đây. Như vậy, việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai sẽ được vận hành trực tiếp, đồng bộ và có hiệu lực cao nhất. Đồng thời với quyết định này thì trách nhiệm của cá nhân chủ tịch UBND chính quyền các cấp được nâng cao, ràng buộc cụ thể.

Một điểm khác biệt trong trong quy trình xả lũ hiện nay là buộc các hồ thuỷ điện phải hạ mức đón lũ sâu hơn quy định trước đây hàng chục mét. Ví dụ, mực nước cao trình của hồ thuỷ điện A Vương là 380m, trước đây quy định phải hạ mức đón lũ là 376m, hiện nay buộc phải hạ còn 366m.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Liễn (Đà Nẵng) - một chuyên gia về thủy điện, thủy lợi cho rằng, nếu tính toán được xả lũ sai gây thiệt hại, dựa vào quy trình đã được ban hành, người dân có thể kiện đích danh cá nhân - đó là chủ tịch tỉnh, thay vì kiện thủy điện như trước. Chưa thấy dân kiện ai vì bị xả lũ điêu đứng bao giờ, và có lẽ cũng sẽ không có một vụ kiện nào như thế trong tương lai.