Dân Trí - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, hiện quy hoạch của các bộ, ngành và địa phương rất nhiều. Trong 3 năm 2011 - 2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập về phê duyệt, gần nhất năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt. Đáng nói, các quy hoạch đa phần chưa có tính liên kết, còn chồng chéo và đầy mâu thuẫn.
Hơn 358 quy hoạch được lập mỗi tháng
Cụ thể, tính đến hết năm 2014, số lượng quy hoạch do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lập là 12.860 quy hoạch, 87% trong số đó đã được phê duyệt. Năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai 907 quy hoạch, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch.
Về cơ cấu số lượng quy hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là 800 quy hoạch, quy hoạch xây dựng nhiều nhất với 7.180 (52% tổng số quy hoạch thời kỳ 2011-2020), quy hoạch sử dụng đất hơn 2.250, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm là 3.500 quy hoạch.
Theo Bộ KH&ĐT, kế hoạch lập quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch của các bộ ngành, trung ương và địa phương trên cả nước có gần 19.300 quy hoạch nhưng đến hết năm 2014 các cấp, các ngành mới triển khai được 12.860 quy hoạch (chiếm 67% dự kiến). Như vậy, sau 3 năm, số quy hoạch được lập trên cả nước là gần 4.300 quy hoạch/năm và gần 358 quy hoạch/tháng.
Theo Bộ KH&ĐT, quy hoạch trên thế giới thông thường phải tổ chức theo hệ thống nhất quán từ trên xuống thì mới đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam các quy hoạch chưa thống nhất và thiếu tính liên kết.
Bộ này dẫn chứng, theo Quy hoạch tổng thể phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 trong năm 2013 với 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang... không có các địa phương của Thanh Hóa, Nghệ An. Tuy nhiên, theo Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 được phê duyệt thì phạm vi lập quy hoạch có thêm các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn kìm hãm phát triển
Bộ KH&ĐT đặc biệt lưu ý, hiện quy hoạch của các ngành và địa phương rất chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Cùng một đơn vị hành chính, cùng một ngành nhưng có nhiều quy hoạch được lập, mỗi quy hoạch lại đề ra một chỉ tiêu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều quy hoạch có nội dung và cấp phê duyệt trùng lặp được thực hiện trên cùng lãnh thổ.
Trên cùng một lãnh thổ có nhiều quy hoạch chồng lấn lên nhau như tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 13 quy hoạch các loại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 53 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm cấp tỉnh do chính quyền địa phương phê duyệt.
Riêng ngành Dược đã có hai quy hoạch cùng đề cập đến phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, chiết xuất của ngành dược dẫn đến phát triển không thống nhất. Cụ thể, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt.
Mâu thuẫn trong quy hoạch phát triển tất yếu dẫn đến mâu thuẫn trong các quyết định đầu tư và là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.
Một ví dụ khác là quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW. Trong khi đó, Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 được phê duyệt tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân đạt khoảng 15.000 MW
Trong quá trình lập quy hoạch, dự báo có vai trò đặc biệt quan trọng, dự báo càng chính xác thì quy hoạch càng hiệu quả và có tính khả thi càng cao. Tuy nhiên, đây cũng là khâu yếu kém nhất hiện nay ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng quy hoạch xa rời thực tế và thường xuyên phải điều chỉnh một cách bị động. Việc dự báo trong phạm vi 5 - 10 năm đã khó khăn, dự báo dài hạn tới 20 năm lại càng khó khăn hơn.
Quy hoạch cảng biển đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999 đưa ra dự báo lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2010 khoảng 200 triệu tấn. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2009 đã đạt 213,08 triệu tấn. Năm 2010, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 259 triệu tấn, vượt 30% so với dự báo.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt năm 2005 nhu cầu xi măng đến năm 2010 là 46,8 triệu tấn/năm với 66 dây chuyền xi măng. Tuy nhiên đến năm 2010 cả nước đã có 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm, nguồn cung xi măng năm 2010 vượt cầu khoảng 3 triệu tấn, năm 2011 dư thừa 7 triệu tấn xi măng.