Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Vì sao “Tây” cũng đi ẩu như ta

Sơn Tùng

(TBKTSG) - Một người quen của tác giả bài viết này là ông chủ U60 của một cơ sở dịch vụ sửa chữa vi tính tại quận 1 kể câu chuyện sau đây.

Nhà ở gần ngã tư Hàng Xanh, hàng ngày anh dùng xe máy đi về và gần như ngày nào cũng phải chịu cảnh kẹt xe. Ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những nơi thường xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Vào một buổi chiều, giữa dòng xe như mắc cửi tại ngã tư này, anh nghe có tiếng càu nhàu bằng... tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học ngành điện tử, anh có vốn tiếng Anh rất tốt. Nhìn sang bên cạnh, anh thấy một anh Tây tóc vàng trên chiếc xe gắn máy. Hẳn phải rất bực mình trước cảnh người Việt chạy xe từ sau vọt lên trước, chen nhau loạn xị ngậu suýt va quẹt đến nỗi anh ta phải buột miệng nói một mình. Đại khái, anh Tây cằn nhằn chẳng thế nào hiểu nổi tại sao mọi người lại chen lấn và kém tôn trọng người khác đến vậy. Nghe một người nước ngoài trạc tuổi con mình, lại hao hao một tài tử nổi tiếng càu nhàu về tình trạng giao thông ở thành phố này, anh chủ tiệm nở một nụ cười thông cảm.

Bốn tháng sau, trên đường đi làm về ngang ngã tư nói trên, từ đằng sau anh chủ tiệm vi tính, một chiếc xe gắn máy vọt lên, cắt ngang đầu xe anh rồi lượn vòng uốn éo qua mặt thêm mấy chiếc khác ở phía trước và chỉ chịu dừng khi không còn nhích được thêm một phân nào nữa trước đèn đỏ. Nhìn từ đằng sau, anh thấy rõ nhân vật vừa biểu diễn màn “lượn xe luồn lách” là người nước ngoài. Đèn xanh, anh chủ tiệm cho xe chạy lên.

Khi xe anh đi ngang “ông” Tây, thật bất ngờ. Đó không ai khác hơn chính là anh chàng có gương mặt hao hao tài tử anh đã gặp đúng chỗ này mấy tháng trước.

Báo chí đã nhiều lần kể chuyện người nước ngoài chịu không nổi cảnh người Việt thiếu ý thức chỉ biết phần mình khi giao thông ùn tắc đến mức phải nhảy khỏi xe để làm “cảnh sát giao thông bất đắc dĩ”. Nghĩa là “Tây” rất ý thức việc tôn trọng luật giao thông.

Nhưng những câu chuyện tương tự như anh chủ tiệm vi tính kể chuyện Tây “tham gia giao thông” ở Việt Nam ẩu... như ta chẳng hề hiếm. Câu hỏi đặt ra là vì sao ở nước họ, chạy xe rất đàng hoàng nhưng sang Việt Nam, cũng con người ấy, thì lại không?

Một tờ báo dẫn nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến cuối năm ngoái có khoảng 110.000 người nước ngoài đăng ký tạm trú tại TPHCM. Không thể quy chụp “cá mè một lứa” rằng tất cả người nước ngoài nói trên đều đi xe rất ẩu - nếu họ có lái xe ở thành phố này. Nhưng có một điều rất khó phản bác là phần lớn những người nước ngoài chạy xe máy ẩu ngoài đường đã bị người Việt tha hóa qua cách chúng ta điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Người Việt có câu “nhập gia tùy tục” nhưng ở đây “tùy tục” lại mang nghĩa xấu.

Chính cách người Việt chúng ta hành xử trên đường phố cũng góp phần làm người nước ngoài “phải” vi phạm luật giao thông. Thử hỏi, nếu cứ “lịch sự” và răm rắp tôn trọng luật giao thông, liệu người nước ngoài khi chạy xe gắn máy có tồn tại được trong làn đường chỉ dành riêng cho xe hai bánh ở xứ mình hay không?

Người Việt nêu gương xấu cho người nước ngoài trên đường đã đành. Một số cách ứng xử “khi không chạy xe” của chúng ta cũng đang khuyến khích người nước ngoài không tôn trọng luật giao thông. Ví dụ sau có thể cho thấy điều đó. Áo thun (T-shirt) in hình các thắng cảnh, sinh hoạt ở Việt Nam là một món quà lưu niệm được khách nước ngoài ưa chuộng. Thế mà có những chiếc áo in hình một chiếc xe gắn máy trên đó chất bốn năm người, rất phản cảm về... mặt luật lệ giao thông. Có bài báo còn luận rằng tình trạng giao thông ở xứ ta là “điều kỳ diệu” trong mắt Tây vì dù rằng lộn xộn nhưng chẳng ai đụng ai! Thử hỏi chính chúng ta xem thường luật của mình như vậy thì làm sao đòi Tây tôn trọng luật ta cho được!

Để giải bài toán vì sao một số người nước ngoài thiếu tôn trọng luật giao thông ở Việt Nam, trước hết chúng ta phải “tiên trách kỷ”. Người Việt phải đi đúng luật và cảnh sát giao thông phải phạt nghiêm khắc người vi phạm, người Việt lẫn người nước ngoài.