(PLO)- Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, kêu gọi mọi người hãy bày tỏ thái độ cương quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.
“Một yêu cầu cấp bách của quốc gia hiện nay là tiết kiệm tài sản quốc gia, chống lãng phí. Tham nhũng là loại lãng phí khủng khiếp nhất. Vì gia đình, vì đất nước, tôi mong mọi người cương quyết đấu tranh với tham nhũng”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, đã phát biểu mạnh mẽ như trên tại “Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng ngày Tiết kiệm thế giới năm 2016 tại Việt Nam” ngày 30-10.
Ông Nhân kể những câu chuyện về thực hành tiết kiệm ở các nước mà ông đã đến thăm như sau:
“Năm 2008, tôi sang thăm Phần Lan, đây là nước có thu nhập cao thế giới, học sinh học giỏi nhất thế giới. Tại sao họ giàu, họ giỏi đến thế? Khi tôi đến, bộ trưởng Giáo dục Phần Lan ra đón tôi, tặng một bó hoa rất trang trọng nhưng chỉ to bằng bàn tay. Sau đó về khách sạn năm sao trên bàn ăn không có gì mà ở bàn sát tường có đầy đủ mọi thứ ai cần tự ra lấy chứ không để sẵn như ta, bởi vì họ rất tiết kiệm dù rất trân trọng một phó thủ tướng. Không như ở ta, mỗi bữa tiệc đều rất nhiều bát, đũa, rồi khăn lạnh… Phần Lan giàu hơn ta, có lẽ do họ tiết kiệm.
Chúng tôi sang Nhật Bản, đến thăm một chùa khá nổi tiếng. Chúng tôi không thấy ai mang hoa quả, thậm chí không mang hương, người dân đến chùa với tấm lòng. Họ đóng góp thì mỗi người đóng góp một viên ngói, ghi tên mình vào đó để khi nào có viên ngói của chùa hỏng thì họ sẽ thay.
Có lần tôi sang Ấn Độ, dọc đường đi, thấy trên các bức tường có dấu bàn tay. Đó là dấu bàn tay người dân Ấn Độ khi trát phân bò lên tường để phơi khô, dùng đun nấu. Họ khó khăn nên tiết kiệm như vậy. Người Ấn độ có câu nói rất hay: Chúng ta hãy sống tiết kiệm, để người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 2010, tôi lên các tỉnh phía Bắc thăm các cháu vùng sâu, vùng xa và mang theo nhiều kẹo. Các cháu đều đang học mầm non, tiểu học. Chúng tôi ngồi xuống trò chuyện, đưa kẹo cho các cháu ăn. Khi nhận được kẹo, các cháu cầm ngay viên kẹo cho ngay vào miệng mà không bóc vỏ. Bởi vì các cháu chưa bao giờ được ăn kẹo, chúng tôi cười trong nước mắt. Chúng ta không giàu nên không lo được cho các cháu có kẹo ăn.
Gần đây, nhiều nơi đã quên tiết kiệm, vì ý thức tiết kiệm đã trở thành phổ biến. Việt Nam có khả năng và tiềm năng tiết kiệm. Người phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm. Tiết kiệm chính là lo cho gia đình mình, lo cho xã hội, nhất là chăm lo cho người nghèo”.
Từ những thực tế về tiết kiệm ở các nước, đến câu chuyện trẻ em vùng cao phía Bắc chưa bao giờ được ăn kẹo, ông Nhân cho rằng: Việt Nam phải thực hành tiết kiệm, không lãng phí để có thêm nguồn lực phát triển xã hội. Ông Nhân mong ước mỗi bữa tiệc ở các nhà hàng, khách sạn bớt đi một chai rượu, vài chai bia, mỗi bữa ăn bớt đi một chút đồ ăn. Vì như vậy, theo ông Nhân, sẽ tiết kiệm được cho xã hội rất nhiều. Ông Nhân nêu thực trạng ở các thùng rác của nhà hàng, khách sạn có nhiều đồ ăn ngon mà trẻ em, người nghèo mơ ước cũng không có được.
Ông Nhân đề nghị mỗi gia đình Việt Nam bàn bạc để tìm ra xem tiết kiệm những gì và dùng số tiền tiết kiệm vào việc gì cho hữu ích. Đối với các cơ quan nhà nước, ông Nhân đề nghị phải bàn bạc lại cách sử dụng tài sản công để thực hiện tiết kiệm cách thiết thực.