(Dân trí) - Nói thật lòng, người dân mong lãnh đạo đến để lắng nghe rồi cùng nhau phân tích và tìm ra cũng như có những đề xuất để giải quyết chứ đâu phải để nghe những lời dạy dỗ, rao giảng… phải không các bạn?
Có một điều rất tế nhị, rất khó nói dù rất và rất khó chịu, đó là việc một số không ít lãnh đạo đi đến hội nghị, hội thảo và cả các trong các cuộc trao đổi luôn luôn nói và nói mà ít biết lắng nghe người khác nói, dân nói.
Thế nhưng tại Diễn đàn “Nông dân Việt Nam năm 2016: Nông dân toàn cầu, từ tư duy đến hành động” ngày 16/10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có một bày tỏ rất đáng ghi nhớ cho không ít cán bộ lãnh đạo có “tật” này:
“Tôi và lãnh đạo các Bộ, ngành đến đây không phải để phát biểu, mà rất muốn lắng nghe các ý kiến phân tích sâu, các đề xuất nhằm giải quyết những thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Hiện nay, có một hiện tượng “nghiện nói” của một số cán bộ lãnh đạo. Tại những cuộc có các vị bị “bệnh nói” này tham gia, họ thường chiếm lấy thế “thượng phong” trên diễn đàn. Đứng trước micro, họ chỉ nói như… Đài tiếng nói Việt Nam những năm xa xưa. (Nói “như xa xưa” là bởi ngày xưa, đài chỉ biết nói và nói. Thậm chí, họ như cái… “loa phường” không có nút tắt và cũng không ai dám tắt. Nhưng giờ đây, nhà đài đã có nhiều chương trình tương tác, nói và nghe thính giả nói).
Những vị này nói là muốn thể hiện tài năng và sự sâu sát. Họ lên bổng, xuống trầm và tự sung sướng, tự nhấm nháp những điều họ nói mà họ luôn tưởng là cao siêu, mới mẻ nhưng thực chất hoặc là cũ kỹ, hoặc là vô bổ, lý thuyết suông bởi sự nhai đi, nhai lại, ở đâu cũng bê nguyên xi nội dung nói đó.
Khổ nhất là những người nghe. Cứ phải làm ra vẻ chăm chú lắng nghe. Cứ phải làm ra vẻ gật gù. Cứ phải tỏ ra luôn luôn lĩnh hội như… nuốt lấy từng lời. Cứ phải vỗ tay bôm bốp và thậm chí, cứ phải tán dương dù trong bụng họ coi đó là những lời sáo rỗng
Mà khốn nỗi, bác nào mà càng ít thông tin, càng mỏng kiến thức, càng hiểu hời hợt, càng giáo điều rỗng tuếch thì càng nói dai, nói dài, nói liên tu bất tận. Thật ra thì điều này cũng hợp lozic thôi bởi vì họ tưởng ai cũng… kém như họ nên cố gắng nói càng nhiều càng tốt. Khổ thay, càng hùng hồn lên bổng, xuống trầm càng lộ ra là ít lượng tri thức.
Nhưng mà cũng đúng thôi bởi người xưa có câu “Câm hạy ngóng, ngọng hay nói” hay “Cái thùng kêu to là cái thùng rỗng”. Một tâm lý nữa là họ “tưởng bở” mình là đấng bậc, đến là để dạy bảo, để “khai hóa” cho những “cái đầu ngu dốt” cấp dưới.
Nhưng khốn nỗi, người thông minh lại là người luôn luôn biết mình đang dốt cái gì, hay nói cách khác, khi nhận ra điều ngu dốt thì người ta không còn ngu dốt nữa.
Đáng lý là lãnh đạo đến với dân là để lắng nghe dân nói ý kiến cả những điều hay, lẽ dở. Hay thì phát huy, dở thì sửa chữa, rút kinh nghiệm. Người dân mong lãnh đạo đến là để được nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả những bất cập, bức xúc. Lãnh đạo là phải biết lắng nghe để cùng dân bàn bạc, tháo gỡ.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã dạy: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Chỉ bấy nhiêu lời thôi, đã là cả một phương châm và phương cách hoạt động cho cán bộ, công chức trong tiếp xúc với dân.
Ngay trong diễn văn nhậm chức của mình,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã xác định: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri…”.
Trở lại với phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo đến “không phải để phát biểu, mà rất muốn lắng nghe các ý kiến phân tích sâu, các đề xuất nhằm giải quyết” là một phương cách hành xử đúng đắn và hợp lòng dân.
Nói thật lòng, người dân mong lãnh đạo đến để lắng nghe rồi cùng nhau phân tích và tìm ra cũng như có những đề xuất để giải quyết chứ đâu phải để nghe những lời dạy dỗ, rao giảng… phải không các bạn?