Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

“Năng lực của Vinastas rất siêu!”

Minh Phong 

(Dân Việt) Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty CP nước mắm Vạn phần (Nghệ An) đã đưa ra nhận xét như trên về Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khi Hội này đứng ra khảo sát, kiểm tra được lượng mẫu nước mắm khổng lồ.

Việc công bố thông tin mập mờ, gây nhầm lẫn về asen tổng có trong nước mắm độ đạm cao của Vinastas đã khiến doanh nghiệp, người làm nước mắm truyền thống lao đao trong những ngày qua.

Tại buổi giao lưu do Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt tổ chức, đại diện doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đến từ Nghệ An cho biết không bất ngờ trước việc bị cạnh tranh, chèn ép của các đại gia nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên, ông bất ngờ bởi những thông tin do Vinastas cung cấp cho giới truyền thông.

Ông Võ Văn Đại cho hay: “Tôi cũng đã dự Hội thảo nước mắm được tổ chức trước đó, thông tin đã được Giám đốc phát triển sản phẩm của Công ty hàng tiêu dùng MASAN phát biểu tại Hội Hội thảo nên tôi không bất ngờ. Tuy nhiên tôi bất ngờ là Hội bảo vệ người tiêu dùng Vinastas lại là người cung cấp các thông tin này”.

Theo ông Đại, chỉ sau 7 ngày từ Hội thảo “Nước mắm truyền thống - Bảo tồn và phát triển sản phẩm”, Vinastas đã tiến hành khảo sát, kiểm tra được một số lượng mẫu khổng lồ, với chi phí kiểm nghiệm không nhỏ có trong một báo cáo gọn gàng.

“Phải nói năng lực của Hội là rất siêu. Tuy nhiên kiểm tra và thông báo rất tùy tiện, chỉ phản ánh đúng một chỉ tiêu mà trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2003 dành cho nước mắm lại không có quy định. Tôi đã công tác 30 năm tại công ty mà chưa thấy việc nào xảy ra như thế này” – ông Đại nhận định.

Từ đó, ông Đại đặt nghi vấn về kết quả khảo sát không phải là của Vinastas mà là một báo cáo sẵn có của một đơn vị có sản phẩm khác với nước mắm truyền thống.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Văn phòng Luật sư Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Nếu chứng minh được có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi thì họ đã vi phạm pháp luật rất nặng. Về luật cạnh tranh, họ đã vi phạm Khoản 3, điểm A, điều 45 luật cạnh tranh có ghi rõ trách nhiệm trong việc đưa thông tin gian dối cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất”.

Bên cạnh đó, sau khi có kết luận về công bố thông tin sai sự thật, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin đó có thể làm đơn khiếu nại, gửi trực tiếp đến Vinastas yêu cầu xin lỗi, gửi thông tin đính chính trên các phương tiện thông tin báo chí và yêu cầu đền bù thiệt hại.

“Nếu Vinastas không đồng ý, không thoả thuận với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật dân sự. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên có động thái cụ thể. Việc lên tiếng hôm nay, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn tạo ra thói quen tuân thủ pháp luật của tất cả các bên trong xã hội hiện nay” – Luật sư Truyền cho hay.