(Dân trí) - Hi vọng rằng những đồng tiền thuế mồ hôi, nước mắt của dân không bị chi vô tội vạ cho các chuyến về quê, đón con, đón cháu hay cả đí cưới hỏi, chùa chiền của sếp và người nhà như đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác...
Đó là chủ trương thuê một số phương tiện, trong đó có xe công để tiết kiệm ngân sách của TP Hồ Chí Minh.
Ngày 26/10, tại cuộc họp về bố trí nguồn vốn thực hiện các công trình trọng điểm của TP HCM, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã đề nghị tính toán việc không đầu tư xe công mà đi thuê. Lý do ông Tuyến đưa ra là không mua xe sẽ không phải tốn chi phí bảo trì. Thay vì mua sắm, đầu tư công thì nên thuê. Trong các dự án phải báo cáo cho UBND TP giải pháp công nghệ mới tăng cường hiệu quả dự án. Nếu đưa công nghệ cũ vào vừa lãng phí, thất thoát và cũng không loại trừ làm việc này để trục lợi.
Theo thông tin từ Dân trí, không dừng ở xe công, ông Tuyến đề xuất nên thuê cả các thiết bị máy móc dùng cho cơ quan Nhà nước. Lý do là bởi các thiết bị rất nhanh lạc hậu mà thủ tục mua sắm đầu tư công như hiện nay, tới khi mua được thì đã lỗi thời.
Ông Tuyến nêu dẫn chứng: “Với thủ tục mua sắm đầu tư công như hiện nay thì tới khi mua được, cái máy đã lỗi thời. Ví dụ đầu tư công mua iPhone 7 thì tới lúc mua được chắc đã ra tới iPhone 9 rồi. Phải tính toán lại đầu tư công trong từng việc nhỏ nhất. Nếu chúng ta tính toán hình thức thích hợp với các tài sản công thì sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách".
Ông Tuyến còn cho biết, từ lúc nhận nhiệm vụ đến nay, ông chưa đề xuất mua xe mới.
Đối với việc khoán xe công, có lẽ cũng xin nhắc lại đôi chút về chủ trương “trầm kha, nan giải” này.
Cách đây gần 10 năm (2007), Bộ Tài chính đề xuất để Chính phủ đã ban hành Quyết định 59 về việc khoán xe công cho các đối tượng từ Thứ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương trở xuống.
Thế nhưng gần một thập kỉ, mới có một người duy nhất là ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận thực hiện. Song, ông Thuận về hưu đã lâu lắm rồi.
Tuy nhiên gần đây, sự việc có vẻ tiến triển tốt khi Bộ Tài chính, tác giả của đề xuất trên chính thức khoán xe đưa đón cho 6 vị Thứ trưởng.
Khi đó, BLOG Dân trí có bài “Có vị thứ trưởng nào từ chức vì chuyện này không nhỉ?” đặt câu hỏi “nghi vấn”, rằng “một khi bị “tước đi” những “đặc quyền, đặc lợi”, sẽ có người không đồng ý.
Rồi bỗng một ngày đẹp trời, có vị thứ trưởng nào đó hùng hồn tuyên bố: “Việc khoán xe này không hợp lý, làm khó khăn công việc của tôi khiến tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, tôi tuyên bố… từ chức”.
Rất mừng là cho đến nay, không những không ai từ chức mà cũng không ai phàn nàn, thậm chí, hầu hết đều tỏ ra thoải mái. Một vị thứ trưởng còn nói rất vô tư: “Thứ trưởng tại sao không thể đi lại như người dân?”.
Tâm sự với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chi cho biết: “Việc đi làm bằng taxi rất bình thường, cũng đã thống nhất thực hiện, nhưng tôi rất ngại báo chí đưa lên xuống hoài. Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu. Khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng có lúc đi xe Honda (xe máy - PV), xe đạp đâu có sao. Thấy tôi đi làm về bước xuống từ taxi, cũng có người hỏi tôi đi bằng taxi thật à? Tôi bảo, đi thật chứ giả gì. Cũng có người nói không đi xe công làm sao đi làm đúng giờ, sợ mất tài liệu, xe biển trắng không cho vào cơ quan… đó cũng chỉ là lý do thôi. Tôi đi làm từ 7h sáng, có hôm hẹn taxi rồi họ lại không tới, mình bắt taxi khác đi cũng đâu có sao”. Ông Chí nói.
Tuy nhiên, nếu thuê xe công (và cả một số phương tiện khác) như ý tưởng của TP HCM có thể sẽ là một bước vận dụng sáng tạo.
Việc phương pháp nào hơn, còn chờ thời gian kiểm chứng nhưng chỉ việc lãnh đạo có “trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân” như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ nhậm chức đã là một tín hiệu tốt.
Hi vọng rằng những đồng tiền thuế mồ hôi, nước mắt của dân không bị chi vô tội vạ cho các chuyến về quê, đón con, đón cháu hay cả đí cưới hỏi, chùa chiền của sếp và người nhà như đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác trước đây, phải không các bạn?