MTG - Miền Trung đang gánh hậu quả nặng nề của bão lụt. Cả nước đau đáu trông ngóng về “khúc ruột” miền Trung…
Ngày 15.10, mưa lớn cộng thêm thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn, đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà ở H.Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trên các cảnh quay của các phóng viên, người ta thấy biển nước quá lớn, những ngôi nhà chỉ còn trơ nóc nhô lên. Nhiều chú chó, trâu bò… bất lực, buông thân giữa dòng nước, chỉ biết đưa đôi mắt vô vọng ngước nhìn…
Toàn Hà Tĩnh đã có 24.000 ngôi nhà bị ngập, hàng chục xã trở thành “hải đảo”, chỉ có thể đến được bằng thuyền. Một cảnh quay còn cho thấy cổng trường tiểu học Phương Mỹ (H.Hương Khê) chỉ còn nhô lên tấm bảng…
Trước đó, từ đêm 13.10, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tại Quảng Bình, trong 24 giờ, tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới lên tới 747mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc ở tỉnh này.
Mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… Nhiều gia đình trắng tay vì mưa lũ quét sạch hết những gì tích cóp hàng chục năm qua…
Đến sáng 17.10, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh vẫn chịu cảnh ngập sâu hơn 3m, nhiều gia đình hết lương thực sau 3 ngày cầm cự… Và thống kê đến chiều 16.10, ở các tỉnh miền Trung đã có 24 người chết, 9 người mất tích do mưa lũ…
Trong đó, riêng Quảng Bình, đến chiều 15.10, đã có 9 người chết, 8 người mất tích, 13 người bị thương, 71.192 căn nhà bị ngập. Tỉnh này phải báo cáo ra Trung ương xin hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng khắc phục hậu quả do lũ gây ra...
Còn tại Hà Nội, đêm 16.10, sau 3 ngày diễn ra, Festival Áo dài Hà Nội 2016 tổ chức bế mạc khá hoành tráng, đầy đủ cờ hoa, đèn màu. Trước đó, sáng 16.10, có 50 chiếc xe xích lô chở 50 người mẫu mặc áo dài và 200 xe đạp của 200 nữ sinh mặc áo dài và 20 xe đạp hoa đã làm nên một cuộc diễu hành vô cùng đẹp mắt qua các tuyến phố của thủ đô. Cùng lúc, sáng hôm ấy, dân miền Trung chỉ có thể lội nước, không cách nào bắt chước Hà Nội mà diễu hành.
Những gì diễn ra ở Hà Nội đẹp quá, hoành tráng quá, tiếc là nhiều người dân miền Trung chẳng được xem, bởi họ còn vật lộn với bão lũ, với cái đói, cái lạnh. Những ngày tới, cái nghèo sẽ bủa vây… Hàng trăm thứ sẽ phải lo toan, khi nhà ngập, ruộng đồng tan hoang…
Vậy nên có lẽ chẳng bao nhiêu người miền Trung xem được các cô người mẫu ung dung khoe dáng áo dài giữa những con đường khô ráo ở Hà Nội. Trong này, ở miền Trung, xung quanh chỉ toàn là nước. Người còn không có chỗ khô mà trú, nói gì đến chó, trâu bò… Khổ quá!
Tối 15.10, ca sĩ Thanh Lam góp vui cho Festival Áo dài bằng bài hát Ngẫu hứng sông Hồng. Bài hát có đoạn: “Con sáo sang sông bạt gió/ Con sít thương ai, lội sông, lội sông... tìm ai!”. Và cô ca sĩ này phát biểu ngay tối đó: “Tôi có cảm giác những tà áo dài như những cánh bướm bay lên trong trời thu Hà Nội”.
Nói vui, liệu những người dự Festival đang sung sướng nghe nhạc, nghĩ rằng con sít lội sông tìm ai? Với người miền Trung, ai nghĩ con sít tìm cái gì... giải trí thì mặc kệ, giờ họ chỉ biết lội suối, băng sông để tìm sự sống giữa cơn bão lũ. Những cánh bướm Hà Nội có bay đi đâu thì cứ bay cho sướng, chứ dân miền Trung phải giành sự sống cái đã, họ chỉ cầu cho nước rút đi!
“1 con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, miền Trung là khúc ruột của cả nước, miền Trung đau thương, cả nước rơi nước mắt. Nói vậy, nhưng người viết không có ý đả kích Festival Áo dài cùng lúc tổ chức tại Hà Nội, bởi tất cả đã được chuẩn bị từ rất lâu, không thể ngưng hoặc thay đổi thời gian.
Thế nhưng, khóe mắt vẫn có gì đó cay cay, khi nhìn những tà áo dài tha thướt, miệng cười toe toét, rồi lướt sang hình ảnh những người dân miền Trung cười run run nhận từng gói mì tôm trong biển nước, những con bò sắp ngập lút đầu, ngước đôi mắt vô vọng cầu cứu…
Mặc dù đang bận thi đấu ở VCK U19 châu Á tại Bahrain nhưng khi hay tin miền Trung đang bị lũ lụt hoành hành, HLV Hoàng Anh Tuấn đã cho các cầu thủ trẻ xem những hình ảnh về hoàn cảnh mà người dân ở miền Trung đang gánh chịu để họ chia sẻ những mất mát của đồng bào, cũng như ý thức hơn về trách nhiệm khoác trên mình chiếc áo đội tuyển.
Trước đó, BHL U19 Việt Nam tạm thu hết điện thoại cá nhân, không cho phép cầu thủ tiếp cận và sử dụng các kênh thông tin nhằm giúp họ có được sự tập trung cao nhất. Do đó, hình ảnh bão lũ miền Trung là những gì mà các cầu thủ được biết về quê nhà của mình.
Vì sao HLV Hoành Anh Tuấn lại lựa chọn hình ảnh bão lũ miền Trung, mà đã không cho các cầu thủ xem những hình ảnh những tà áo dài? Có lẽ, trước hết vì HLV Hoàng Anh Tuấn là người Việt Nam, và biết "bỏ cỏ" vì 1 chú ngựa trong tàu bị đau!