VNN - Trong thập kỷ vừa qua, số lượng tỷ phú của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần nhưng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở vùng dân tộc thiểu số dường như vẫn y nguyên.
Trong thập kỷ vừa qua, số lượng tỷ phú của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần nhưng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa được cải thiện. Hơn một nữa số trẻ em khuyết tật nặng chưa từng được tới trường. Khoảng cách này sẽ lớn thêm nếu chúng ta không nhìn ra sự mất cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội.
Bạn tôi là người khuyết tật nặng. Mỗi tháng chị nhận được chưa đến 500.000 đồng tiền hỗ trợ người khuyết tật. Trong thực tế, số tiền này chỉ đủ để xoay xở trong một tuần cho các nhu cầu tối thiểu. May mắn là gia đình chị khá giả, còn nhiều những người khuyết tật kém may mắn đang sống thế nào với mức hỗ trợ ít ỏi này. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới số lượng người khuyết tật sẽ vào khoảng 12 triệu người năm 2035. Đây là một bài toán cực khó.
Mỗi một năm học mới, khắp các mặt báo kể dành nhiều thời lượng kể về những trường hợp không đủ tiền đóng học phí. Như trường hợp của em Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đến kỳ nhập học chỉ có 300.000 đồng trong khi đó học phí là 4,6 triệu đồng. Mới đây một em học sinh lớp 6 ở Gia Lai tự vẫn vì không có quần áo mới đến trường. Còn nhiều gia cảnh khác nữa trẻ không được đến trường vì còn phải đi làm thuê phụ giúp gia đình kiếm ăn thường nhật. Cứ tìm trên báo và tới các vùng miền sẽ không khó để thấy một khoảng cách không nhỏ giữa con em hộ nghèo và bọn trẻ nhà có điều kiện.
Xu hướng thanh niên ly nông lên thành phố làm ăn, sinh sống đã trở nên một chuyện bình thường từ Bắc tới Nam. Năm ngoái, tôi về thăm một làng quê vùng Bảy Núi của An Giang. Hầu hết người dân vùng này ngoài tài sản là sức lao động họ không còn gì khác. Ở đây họ không thể làm ruộng vào mùa khô vì không có nước, đất đai khô cằn. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi phải nhờ người phiên dịch. Một bà cụ 70 tuổi mà tôi phỏng vấn, hằng ngày phải đi 2 cây số để gánh nước về dùng. Bà cụ nuôi hai đứa cháu nhỏ, bố mẹ chúng và thanh niên trong xóm đã rời quê lên thành phố tìm việc.
Bản thân những thanh nhiên trẻ khỏe này, bỏ lại gia đình phía sao, lên thành phố mưu sinh cũng không dễ dàng. Họ gặp vô vàn khó khăn trong tiếp cận dịch vụ công bởi không có sổ hộ khẩu. Chỉ tính riêng 5 thành phố TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đăk Nông và Bình Dương hiện có 5,6 triệu người nhập cư không có hộ khẩu. Việc này gây ra bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công như chăm sóc y tế, việc làm, vay tín dụng hay các thủ tục hành chính như đăng ký xe máy.
Nhóm người yếu thế này đang chiếm 1/4 dân số, họ luôn phải đối mặt với những những khó khăn. Chúng ta đang đua một cuộc đua không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội phải cân bằng được những yếu tố này nếu không Việt Nam sẽ khó bền vững.
Hàng ngày đọc các dòng tin về tham nhũng, lãng phí ngân sách quốc gia. Tôi không thể không nghĩ về những câu chuyện về những người nghèo, yếu thế.
Quốc gia sẽ mạnh nếu mọi người dân đều có cơ hội thoát nghèo như nhau. Hãy nhớ rằng, chẳng ai quen sống khổ.