VNExp - Sau mỗi sự kiện thể thao lại có một mâu thuẫn muôn thuở được nêu ra: kinh phí tổ chức liệu có xứng đáng trong bối cảnh đất nước còn nhiều việc cần làm.
Đó không phải chỉ là chuyện của các nước nghèo. Tôi vẫn nhớ một người vô gia cư ở Warszawa, thủ đô Ba Lan, một trong những nền kinh tế lớn nhất EU. Anh không buồn lắm nhưng nói giọng hơi ghen tỵ. Bạn đến từ Việt Nam à, Việt Nam là nước nhiệt đới đúng không, thế thì người vô gia cư vẫn sống ngoài đường được nhỉ, chỉ cần kiếm đồ ăn. Ở đây mùa đông lạnh lắm, nếu không có nhà, có lò sưởi, thì khó sống lắm. Cách đó không xa, người ta vừa xây một trong những sân vận động lớn nhất châu Âu của một đại hội thể thao trị giá 30 tỷ USD - con số tạo ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận Ba Lan lúc bấy giờ.
Sân Narodowy ế khách sau ngày hội - vì Warszawa làm gì có đội bóng đủ lớn. Và người đàn ông tôi gặp trong công viên, một người tự nhận có bằng kinh tế và nói tiếng Anh trơn tru, phải tỏ ra ghen tỵ với người vô gia cư ở... Việt Nam.
Tôi nhớ một phóng viên Nam Phi. Tôi cười, hỏi anh mấy cái sân vận động giờ thế nào rồi. Anh cũng cười, gạt tay, thôi đừng nói đến nữa. Chỉ hỏi thế thôi là người ta biết tôi nói chuyện gì. Đó là những cái sân được xây lên phục vụ World Cup 2010. Có thể rồi không lâu nữa, những hạ tầng ấy sẽ chung số phận với hạ tầng của Olympic 2004 tại Hy Lạp, là những khu hoang phế khổng lồ, cỏ mọc cao tận đầu người, còn người dân Athens thì đang xếp hàng nhận đồ phát chẩn trước tòa nhà Quốc hội.
Vì mâu thuẫn đó, dư luận đã phản đối quyết liệt ý định tổ chức Á vận hội 2019 tại Việt Nam. Tôi cho rằng việc rút chân trước giờ G cho sự kiện tốn kém ấy là một quyết định đúng đắn của chính phủ. Nhưng bây giờ lại có một câu hỏi khác: nếu như đại hội thể thao vừa tiền, không đến nghìn tỷ, mà vẫn mang tầm vóc khu vực, thì chúng ta có tổ chức không? Đó là câu hỏi đặt ra khi nhìn lại Đại hội thể thao bãi biển châu Á - Asian Beach Games (ABG) - vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Ngân sách chi “không nhiều lắm”, chỉ gần 400 tỷ đồng. Việt Nam lại đứng thứ nhất toàn đoàn. Thế có xứng đáng cho một ngày hội hay không?
Đầu tiên phải nhìn nhận giá trị mà chúng ta thu lại là gì. Những dòng tin về đại hội thể thao này, trên mặt báo quốc tế, rất mờ nhạt. Times of India, tờ báo lớn nhất Ấn Độ, thông báo việc đoàn thể thao 208 người của họ dự giải trong tổng cộng... 196 chữ. Bản thân tính thể thao của giải rất đáng đặt dấu hỏi, vì theo chính các chức sắc thể thao tâm sự sau giải, nhiều nước bạn tới Đà Nẵng với các vận động viên phong trào hoặc trẻ. Thể thao bãi biển cũng chỉ được coi là phong trào nhưng chúng ta thì cử vận động viên chuyên nghiệp ra đấu lấy huy chương và đoạt tổng cộng 139 huy chương, với 52 vàng. Chúng ta cũng không có điều kiện tổ chức những môn đích thực là thể thao bãi biển kiểu thuyền buồm, dù lượn, mà chỉ tổ chức các môn... đúng sở trường.
Kịch bản này không xa lạ với Việt Nam nói riêng hay Đông Nam Á nói chung. Mỗi SEA Games là một “bố cục” các môn thi đấu khác nhau để phù hợp với sở trường của chủ nhà. Chủ nhà thường sẽ đứng nhất.
Tôi nghĩ để trả lời câu hỏi một ngày hội có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không, đầu tiên phải hỏi ngược lại: Nó có xứng đáng được gọi là một ngày hội không? Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng tất nhiên xứng đáng là một ngày hội. Kinh phí tổ chức không đáng bàn tới, khi mà doanh thu du lịch của Đà Nẵng tăng tới vài chục phần trăm. Lễ hội cấp thôn ở đầu làng tôi cũng không ai bàn đến kinh phí: dân làng tự đóng góp. Có vui, cảm thấy đấy đúng là ngày hội thì dân làng mới chung tay. Nhưng một đại hội thể thao mà Việt Nam đứng đầu châu Á, xếp trên Trung Quốc 2 bậc và Ấn Độ... 15 bậc, một đại hội thể thao cấp khu vực mà mờ nhạt trên chính truyền thông và công chúng Việt Nam, mờ nhạt với cả người dân Đà Nẵng, thì rất nên đặt câu hỏi tiền ấy có đáng không.
Khái niệm “bệnh thành tích” đã được nhắc đến trong những phân tích sau giải đấu. Nếu chúng ta đã xác định tiêu tiền để chơi thì nên chơi cho ra chơi. Còn nếu “chơi” để ra huy chương thì chỉ để phục vụ các báo cáo ngành. Và người dân có quyền cảm thấy phí tiền.
52 huy chương vàng. Nhưng có phải vàng cho người dân, cho hình ảnh quốc gia, cho sự phát triển của thể thao nước nhà? Hay cho ai? Bây giờ nhìn lại, tôi còn thấy may vì bạn bè quốc tế không quan tâm đến giải đấu “tầm cỡ châu lục” này. Bởi nếu một phóng viên quốc tế quyết khai thác về ABG, anh ta có thể sẽ làm như tôi năm 2012 ở Ba Lan, đến gặp một người vô gia cư tại Đà Nẵng và hỏi: anh nghĩ thế nào về giải đấu này?