Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Căn bệnh ung thư tâm hồn

Thu Ngân / Duyên dáng Việt Nam

MTG - Những ngày qua, giới nghệ sĩ và cả công chúng vô cùng đau buồn vì sự ra đi của hai người đồng nghiệp, nghệ sĩ mà họ rất yêu quý: ca sĩ Minh Thuận và nghệ sĩ cải lương Thanh Tòng.

Ai cũng biết mất mát con người là nỗi đau to lớn, không gì bù đắp được, thế nhưng hình ảnh đám đông hiếu kì chen lấn, xô đẩy, cười đùa, tranh nhau để được chụp ảnh cùng với thần tượng tại đám tang của nghệ sĩ như đi xem liveshow là một bức tranh xấu khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: vì sao con người lại có thể hành xử vô cảm, lấy nỗi đau, mất mát của người khác làm niềm vui cho mình? Không dừng lại ở đó, căn bệnh vô cảm ngày càng lan rộng, xâm nhập vào cả những nơi như trường học, bệnh viện, cửa công quyền… có người đã gọi đó là một loại “ung thư tâm hồn” với những biểu hiện “không quan tâm, không nghe, không thấy, không biết”.

Vì sao xuất hiện căn bệnh vô cảm!

Trong y văn từ xưa đến nay không có ghi chép về chứng bệnh vô cảm, nhưng hiện nay căn bệnh này có vẻ rất phổ biến, trở thành một hiện tượng đáng báo động. Nó đã và đang ngấm ngầm làm tổn hại những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người và cả xã hội. Biểu hiện của nó trong xã hội hiện đại cũng rất đa dạng. Thực chất, “bệnh vô cảm” là biểu hiện của những người “máu lạnh”, có lối sống ích kỉ, chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ đến người khác, đặt sự an toàn của bản thân mình lên trên hết: Sự trơ lì cảm xúc, gặp cái tốt không ủng hộ; dửng dưng, thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu diễn ra trước mắt hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình; im lặng, không dám lên án cái xấu, cái ác… Có thể thấy kinh tế thị trường cuốn mọi người vào vòng xoay tất bật của cuộc sống, ai cũng gấp gáp, vội vã nên không muốn bị “vạ lây” vào những “chuyện giữa đàng”.

Từ đó dẫn đến sự vô cảm từ suy nghĩ cho đến hành động. Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều vụ việc tai nạn, nhiều vụ án kinh hoàng, rất thương tâm. Báo chí đưa tin để cảnh báo, nhưng đọc mãi thành quen khiến người dân thờ ơ, bình thản trước những chuyện như thế. Tinh thần trượng nghĩa kiểu Lục Vân Tiên “Kiến ngãi bất vi vô dõng dã” từng được xem là phương châm sống của người tử tế trở nên lạc lõng! Trong khi đó, ở xã hội văn minh, thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác được xem là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức xã hội. Thế nên khi những giá trị tốt đẹp về lòng nhân ái, sự gắn kết giữa người và người bị rạn nứt thì đạo đức xã hội cũng chông chênh, mai một dần để cái ác lấn chiếm.

Những chuyện vô cảm thường ngày

Một biểu hiện rất rõ của chứng thờ ơ, vô cảm thường thấy ở nơi công cộng là việc thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung người khác, người ta chỉ lờ đi, không lên tiếng, xem đấy không phải chuyện của mình để yên thân vì sợ bị trả thù. Còn với những trường hợp người bị tai nạn giao thông, lúc nào cũng có đám đông hiếu kì vây quanh nhưng hiếm có ai chủ động giúp đỡ, sơ cấp cứu cho nạn nhân. Tệ hơn, có người còn lợi dụng tình thế để hôi của, lấy tài sản, giỏ xách, tiền, điện thoại… của nạn nhân! Ngay cả môi trường học đường, nơi giáo dục đạo đức được quan tâm hàng đầu mà nhiều học sinh cũng có lối sống vô cảm. Nhiều em thấy bạn bị đánh ngay trong lớp học, trước cổng trường, chẳng những không ngăn cản mà còn thản nhiên đứng xem, cổ vũ, quay clip tung lên mạng… Rồi bảo mẫu đánh trẻ nhỏ một cách tàn nhẫn, chẳng những làm cho trẻ bị thương tật nặng mà còn bị sang chấn tâm lý, có trường hợp dẫn đến tử vong… dù bị lên án mạnh mẽ nhưng vẫn xảy ra trong thời gian dài, ở nhiều nơi.

Với ngành y, dư luận cũng nóng lên vì sự vô cảm, tắc trách của nhân viên y tế đã dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Nhiệm vụ cao cả là cứu người nhưng họ đã hành xử máy móc, thiếu tình người dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của sản phụ, trẻ em hay vì tắc trách mà cưa nhầm chân bệnh nhân, nhân bản phiếu xét nghiệm ở một bệnh viện… Pháp luật - cán cân công lí giữ gìn xã hội cũng không hiếm những vụ oan sai nghiêm trọng từ sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của người thừa hành công vụ, điển hình như vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, hay gần đây là vụ “cà phê Xin Chào” từng gây bức xúc cho cộng đồng. Có thể thấy bệnh vô cảm không từ một ai, một môi trường nào, từ người bình dân cho đến người có tri thức. Chẳng hạn, do có văn hóa nền hạn chế, người bình dân thích xem nghệ sĩ, người nổi tiếng bất chấp ở nơi trang nghiêm, đau buồn như đám tang. Còn với giới trí thức, bệnh vô cảm xâm nhập vào cả những lĩnh vực cứu người, dạy người, bảo vệ công lý... qua cách hành xử lạnh lùng, gây khó cho người cần đến mình, làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc của cả xã hội.

Và hậu quả lâu dài

Vô cảm là một loại “tâm bệnh” hình thành và lan rộng từ chính thái độ, nhận thức, quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng lợi ích cá nhân, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức của nhiều người. Nó gây nên hậu quả to lớn và lâu dài không chỉ cho cá nhân mà còn là mối họa với cộng đồng, xã hội. Từ chỗ thờ ơ, vô cảm biến con người thành kẻ vô trách nhiệm, vô văn hóa, thậm chí vô lương tâm. Không chỉ bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế và xã hội, thói vô cảm còn được hình thành từ sự biến đổi văn hóa. Khi xã hội phát triển, nâng dần mức sống, sự hiểu biết, con người dần thoát ra khỏi sự chi phối của cộng đồng, nếu không có nền mống văn hóa bồi đắp, gìn giữ những giá trị truyền thống sẽ làm cho các mối quan hệ từ phạm vi gia đình cho đến làng xã, cộng đồng bị lỏng lẻo dần. Căn bệnh này làm xói mòn dần truyền thống đạo lí tốt đẹp mà cả dân tộc, ông cha ta đã xây dựng. Xã hội vô cảm - một viễn cảnh thật buồn và đáng lo biết bao!