(PLO)- Theo Bộ Công an, việc ghi âm, ghi hình sẽ phục vụ cho công tác hỏi cung, đối chất, nhận dạng, thẩm vấn, giám sát của VKS, luật sư; giúp thu thập các lời khai, chứng cứ cho quá trình điều tra phá án.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ Công an vừa thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng Đề án tổng thể về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Theo đó, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ vị trí trưởng ban chỉ đạo; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an giữ vị trí phó trưởng ban; các thành viên Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là một nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đúng pháp luật đảm bảo thực hiện quyền con người theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Việc làm này không chỉ phục vụ cho công tác hỏi cung mà còn phục vụ công tác đối chất, nhận dạng, thẩm vấn, giám sát của viện kiểm sát, luật sư, giúp thu thập các lời khai, chứng cứ cho quá trình điều tra phá án.
Trước đó, ngày 2-8, Bộ Công an có Quyết định số 3203/QĐ-BCA thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Đề án tổng thể về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can ra đời căn cứ theo Nghị quyết số 110/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; Quyết định số 371/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong CAND và công văn cử người của các bộ, ngành có liên quan.