(Dân Việt) Hình ảnh con bò có dây treo mõm nhoi lên dòng lũ dữ được chia sẻ hàng ngàn lượt trên facebook là nỗi ám ảnh sức sinh tồn của một sinh linh giữa dòng nước xiết. Đôi mắt con bò xoáy sâu vào tâm can chúng ta.
Bức ảnh không phải là của nhiếp ảnh gia hay của một nhà báo, đó là bức ảnh của một người dân vùng lũ ven sông Gianh ghi lại. Nó thật sự đáng giá là khoảnh khắc vàng.
Con bò là của ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Văn Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Ông đã sắp xếp mọi thứ để chạy lụt, nhưng trận mưa lịch sử đến gần 1.000mm chỉ trong hơn 12 tiếng đồng hồ ở Quảng Bình đã làm hàng vạn hộ gia đình trở tay không kịp. Nhiều người nói cơn mưa lịch sử là bởi, trong thời gian ngắn đã đạt gần 1.000mm, nếu nhiều ngày cộng lại là chuyện dễ hiểu hơn.
Làm báo thường trú ở Quảng Bình, chưa trận lũ nào tôi không vào tâm thiệt hại. Xã Văn Hóa là một trong những địa chỉ luôn bị lũ vùi hàng năm và năm nay cũng không ngoại lệ. Nhiều hộ như ông Cường dọc hai bên sông Gianh đã đương đầu với vô số trận lũ lịch sử, lớp lớp cha con nông dân hay người làm sông nước dọc con sông này đều mỗi năm ít nhất vài ba trận lũ, cuốn chiếu chạy nước, dắt trâu níu bò lên núi trối chết.
Hàng vạn hộ dân dọc sông Gianh trong trận lũ vừa qua có lẽ cũng như ông Cường thật sự bị động trước trận mưa gây lũ trong thời gian quá ngắn. Lũ lên ngắn nhưng nước dâng rất cao, nằm ngoài mọi trù tính đầy kinh nghiệm của những nông dân có tố chất Sơn Tinh dọc hai bên các rặng núi đá vôi của lưu vực sông Gianh.
Nhưng họ luôn dành chỗ đứng có thể nhất cho "đầu cơ nghiệp" của gia đình để chúng được sống sót sau mỗi trận lũ, bởi khi trâu bò sống sót thì con người sống sót và tiếp tục sinh tồn trên những cánh đồng bị lũ vùi lấp nhiều ngày trong mưa gió.
Một người bạn của tôi nhìn bức ảnh con bò cũng kể câu chuyện mấy năm trước ở xã Quảng Minh, trên vùng cồn bãi sông Gianh, rất nhiều hộ dân đã đưa bò đứng trên giường ngủ, thậm chí có đôi vợ chồng mới cưới cũng nhường giường cưới cho đôi bò tránh lũ.
Nước lên sát mái nhà, thân của đôi bò bị ngập hết, chúng vùng vằng định truông đi, phá cửa, bứt dây mà chạy như muốn thoát lũ, bởi bò không chịu đựng ngâm trong nước bạc. Đôi vợ chồng nhà nông trẻ ấy đã dùng kinh nghiệm truyền đời là xách dây mũi cao hơn, bò đau mũi, nhếch cái miệng lên khỏi nước để thở mà sinh tồn và đứng im.
Đứng giữa lựa chọn như thế, tôi tin ai ở trong hoàn cảnh lũ tứ bề sông Gianh vây bủa cũng đều tìm cách bảo tồn gia sản của mình. Nhưng ánh mắt của con bò trong bức ảnh thật đầy van xin, đầy ẩn chứa muốn được cứu vớt, muốn được cưu mang. Ánh mắt của nó sâu như góc nhìn của một lương dân trên mảnh đất bản quán của mình. Phải sống để được sinh tồn, phải sống để cùng ông chủ cày bừa cho vụ mùa được bù đắp mầm cỏ chắc mẩy.
Tôi nhớ, vào ngày 8.8.2007 một trận lũ lịch sử tương tự vùi dập các làng mạc dọc sông Gianh, đây là cơn lũ trái mùa, làm sông Gianh cuộn đục đến cả tuần. Người chết phải cô độc quàn trên tầng 2 của trường cấp 2 Văn Hóa. Lúc đó, cụ Trần Tiến đã 79 tuổi, thấy nước tràn vào, vì bảo vệ cho được "sản nghiệp" tuổi già, ông đưa con bò mẹ đang mang thai vượt đường sắt lên núi, lúc trở về không may bị tàu cán, qua đời trong cơn lũ dâng chặt.
Chúng tôi thuê thuyền máy bên này sông qua với Văn Hóa, thuyết phục rất nhiều chủ đò mới được một người "liều mạng" cắt ngang mặt sông Gianh giữa lũ xiết như thác đổ để chạy sang. Trường cấp 2 Văn Hóa gần ngập sàn tầng 2.
Lúc đó mệ Nguyễn Tới (70 tuổi), vợ cụ Tiến ngồi bên chiếc quan tài quàn cuối hành lang tầng 2 trường học. Bát hương là cái thau nhôm, một mình cụ khói hương cùng bọn trẻ làng chạy lũ không kịp phải lên trốn nước cùng mấy con bò mà chúng lùa đi theo.
Tôi hỏi vì sao quý bò đến thế, mệ Tới cùng lũ trẻ nói tiền cơm, tiền ăn học, tiền thuốc men, đủ loại tiền từ đàn bò như thế. Mệ Tới cùng bọn nhỏ nói bên quan tài cụ Tiến và mấy con bò tiến sát quan tài. Mấy đứa trẻ kể, đêm lũ mưa rét, cái chậu hương nghi ngút khói ấm, chúng đứng lại gần để được nương thân.
Ánh mắt của những con bò trong lũ cũng ám ảnh không kém con bò trong nhà ông Cường bây giờ. Da diết, thiết thân, van lơn nhưng cũng đầy tình thủy chung. Người nông dân, dù khó khăn đến cận kề cái chết trong lũ cũng muốn gia sản "đầu cơ nghiệp" của mình được sống để hy vọng sau những trận lũ vùi dập tả tơi có được những luống cày cho mùa xuân gieo hạt để đi qua những chặng đường phía trước và cho mùa sau tiếp tục đương đầu lũ bạc.