Blog Kim Dung - Với tất cả những gì mà Formosa đã gây ra cho nhiều nước, kể cả ở Đài Loan thì đáng lẽ không bao giờ Formosa được cấp phép đầu tư ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, đó mới là nền quản trị quốc gia có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân ở mức tối thiểu.
Không quá khó để các cơ quan chức năng quốc gia có thể biết được những bê bối mà Formosa đang gặp phải ở Đài Loan ngay thời điểm Formosa chạy sang Việt Nam “tìm việc”. Năm 2004, Formosa đưa ra một dự án đầu tư nhà máy luyện thép tại huyện Vân Lâm với quy mô 10 tỷ đôla. Ngay tại thời điểm đó thì không chỉ đảng Quốc Dân mà một số nghị sĩ đảng Dân Tiến cũng ủng hộ. Nhưng đến đầu năm 2008 thì tình hình thay đổi, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ kỹ thuật của nhà máy thép; nắm tình hình gây ô nhiễm môi trường của Formosa ở các nước như Capuchia và ở Mỹ, các thành viên đảng Dân tiến (trong đó có bà Thái Anh Văn, nay là Tổng thống ĐL) ủng hộ nhân dân Vân Lâm biểu tình phản đối quyết liệt việc xây dựng nhà máy thép của Formosa. Nhà máy thép khổng lồ này bị đóng băng và Formosa có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Trước tình hình đó, chưa biết vì cơ duyên nào mà tháng 6/2008 thì Formosa tìm đến Hà Tĩnh rồi một tháng sau, cả Formosa và Hà Tĩnh đã có đầy đủ hồ sơ trình lên Thủ tướng CP và các bộ ngành liên quan. Cũng nhanh như thế, thêm một tháng nữa, các ngành “thẩm định” xong và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn đồng ý để ngày 26.8.2008, ông Võ Kim Cự thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký hồ sơ cấp phép cho dự án nhà máy thép Formosa trong đó có hàng loạt các ưu đãi đặc biệt về thuế, về giá thuê đất, về thời hạn thuê đất 70 năm…
Nếu Hà Tĩnh và Formosa không dùng hồ sơ nhà máy thép Vân Lâm đã bị đình chỉ ở Đài Loan mà dịch sang tiếng Việt, thay đổi tên đất tên người làm hồ sơ của dự án Fomosa Hà Tĩnh thì phép màu nào có thể làm được cả một bộ hồ sơ đồ sộ như dự án nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh để trình lên Chính Phủ chỉ trong vòng một hai tháng? Cũng không có lý do gì để nói rằng các cơ quan tham mưu của Chính phủ không cần biết và không có khả năng để biết nhà đầu tư Formosa là ai, thực lực tài chính thế nào, công nghệ tiên tiến hay lạc hậu ra sao. Dĩ nhiên phải có thời gian tối cần thiết cho những công việc thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Vậy mà đối với dự án quy mô lớn như nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh lại được thẩm định rất nhanh, “đồng ý” cũng rất nhanh đến như vậy?
Chỉ nghe Formosa bốc giời về nguồn vốn đầu tư khổng lồ rồi rải thảm đón Formosa nhảy vào Vúng Áng (Hà Tĩnh) với một tốc độ nhanh đến không tưởng cho một dự án có quy mô nhiều tỷ đôla đã là điều phi lý. Nhưng vì không thể có nguồn tài chính như đã từng cam kết, ngay từ tháng 10/2012, Formosa đã sang Bắc Kinh (Trung Quốc) bàn thảo với Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (中 國 冶 金 科 工 集 团 有 限 公 司), tên giao dịch tiếng Anh viết tắt là MCC, để kéo Tập đoàn này vào đầu tư ở dự án nhà máy Formosa Hà Tĩnh với danh nghĩa là “nhà thầu phụ”.
Việc này Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng của Chính phủ, kể cả An ninh Quốc phòng và lãnh đạo Chính phủ không lẽ không biết gì. Nếu biết, vì sao chúng ta để Trung Quốc Đại lục đầu tư vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm về an ninh quốc phòng như Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương, một trong 2 cảng nước sâu tốt nhất của Việt Nam và khu vực? Vì sao các nhà lãnh đạo và các cơ quan đảng lại phải dấu diếm chuyện Trung Quốc Đại lục đầu tư vào đây đến mức phải có văn bản khẳng định không có Công ty Trung Quốc nào tham gia vào dự án thép Vũng Áng trong sinh hoạt các chi bộ đảng ở Hà Nội sau khi xẩy ra thảm họa môi trường biển? Chỉ có những người biết rất rõ một khi để Trung Quốc chi phối những dự án như thế này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với lợi ích quốc gia nên mới phải dấu diếm như vậy mà thôi. Phải chăng, đây mới là nguyên nhân cốt tử để lãnh đạo vẫn quyết liệt bảo vệ Formosa ngay cả khi chính Formosa chí ít cũng là một chủ thể gây ra thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung giống như cái cách khá phổ biến lâu nay trong việc vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xây dựng là “phạt rồi cho tồn tại”!
Thảm họa môi trường mà Formosa và có thể cả các “nhà thầu phụ” nào đó (như ông Chủ tịch Formosa Đài Loan đã hé lộ) gây ra là quá nghiêm trọng, không chỉ đối với môi trường biển mà đối với toàn bộ cuộc sống của hàng triệu cư dân ven biển của 4 tỉnh miền Trung. Lòng dân đã quá phẫn nộ, một chừng mực nào đó đã được bày tỏ qua các cuộc biểu tình bất bạo động. Đó là hành động chính đáng của người dân, là dấu hiệu của tiến bộ xã hội chúng ta. Các cấp ủy đảng và chính quyền cần biết rằng không phải ai phẫn nộ, ai bức xúc bất bình cũng đi tham gia biểu tình. Đáng lẽ chính quyền phải đứng về phía người dân để xem xét và xử lý vấn đề một cách công khai minh bạch, đúng luật và hợp lòng dân thì đâu đó, chính quyền không những ngăn cản mà còn đàn áp người dân là điều rất phi lý.
Đến nay, câu chuyện về thảm họa do Formosa gây ra chưa phải đã giải quyết xong như một số quan chức Chính phủ đã nói công khai, những lời nói rất bất ổn cả về mặt khoa học cũng như trách nhiệm chính trị của một đảng cầm quyền. Với quy mô và tính chất nghiêm trọng của thảm họa, cần phải khởi tố vụ án để điều tra chứ không thể tin vào mấy lời hứa hão huyền của chính thủ phạm đã gây ra thảm họa. Không vì bất kỳ lý do gì không đóng cửa nhà máy, không phải tạm thời mà là vĩnh viễn chấm dứt hoạt động của dự án thép Formosa Vũng Áng. Xin các vị lãnh đạo đừng đưa ra những lý do về sự ảnh hưởng của chính sách thu hút đầu tư, về quan hệ đối ngoại hay về cái gì đi nữa. Chẳng vì cái gì hơn là vì lợi ích của nhân dân và đất nước Việt Nam. Cùng với đó là chính quyền 4 tỉnh miền Trung phải chủ động hết lòng hỗ trợ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền khởi kiện Formosa, kẻ đã gây ra tai họa đối với chính người dân ở các tỉnh này. Chỉ như thế mới bàn đến chuyện bồi thường bao nhiêu, bồi thường những cái gì và cho ai chứ không thể coi 500 triệu đôla là tiền bồi thường được. Chúng ta quản trị một quốc gia thời hiện đại mà cứ theo lối quản lý một gia đình, không thượng tôn quyền của người dân, không thượng tôn pháp luật thành ra làm cho xã hội ngày càng loạn, dân càng bị đè nén áp bức, bất công, những kẻ nhiều tiền thành kẻ nhiều quyền càng lộng hành, kể cả họ là đối tác nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, điều mà ở các nước có trình độ phát triển cao hơn không thể chấp nhận được.
Cần chú ý rằng trong xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm mọi cách đưa vốn thoát ra khỏi Trung Quốc, tất nhiên hướng chính là Âu Mỹ, nhưng các nước ASEAN cũng là một đối tác hấp dẫn. Năm 2014, vốn FDI của TQ vào châu Âu là 16 tỷ đôla, 2015 tăng lên 20 tỷ và 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên 54 tỷ đôla. Lúc đầu, các nước châu Âu, chủ yếu là Ý, Pháp, Đức và Anh rất khuyến khích, mời chào niềm nở như gặp được một ông “khách sộp”, có được một cơ hội vàng để khắc phục khó khăn trong trì trệ của kinh tế toàn châu Âu. Nhưng chẳng bao lâu sau, thời gian chỉ tính bằng tháng, thì câu chuyện thần tiên này hoàn toàn sụp đổ, lộ nguyên hình không chỉ mấy con ngựa mà là hàng sư đoàn ngựa thành Troia (thần thoại Hy Lạp) được chuyển đến các nước, buộc các nhà chức trách nước chủ nhà phải kiên quyết dẹp bỏ, dù lớn đến đâu, “ý nghĩa chính trị” hay ý nghĩa gì cũng vứt bỏ hết. Chúng ta hãy xem thái độ của các nước đối với những “dự án lớn” nhưng vi phạm luật hoặc có nguy cơ cao đối với an ninh quốc gia của nước sở tại bị họ xử lý ra sao.
+ Tháng 10/2015, ông Tập Cận Bình thăm Anh và đã cùng với ông Thủ tướng Anh, David Cameron chứng kiến việc ký kết hàng loạt các dự án lớn với quy mô lên đến 40 tỷ bảng Anh, trong đó lớn nhất là dự án các nhà máy điện hạt nhân Hinkley Poin, 24 tỷ đôla (vốn của phía Trung Quốc là 33,5%), được báo chí ca ngợi là mở ra “thời đại vàng” trong quan hệ 2 nước! Thế nhưng, sau khi lên nắm quyền, tháng 7/2016, bà Theresa May đã ra lệnh đình chỉ ngay dự án điện hạt nhân này. Quyết định đột ngột này không chỉ gây sốc cho TQ mà cả Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp (EDF) cũng bị choáng theo vì họ cũng đã bỏ số tiền lớn để nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Dù những ai đó gọi là “sự cố nghiêm trọng trong quan hệ Anh-Trung Quốc” thì bà May cũng không nao núng gì. Có lẽ vì bà Thủ tướng đã nhìn thấy Cục Điều tra Liên bang Mỹ vừa bắt giữ ông Allen Ho, Cố vấn cao cấp của Công ty Năng lượng hạt nhân của TQ (China General Nuclear Power) với tội danh mua chuộc, tuyển mộ chuyên gia Mỹ nhằm mục đích ăn cắp bí mật hạt nhân của Mỹ. Lý do công khai thì nhiều, trong đó có sự phản đối kịch liệt của tổ chức “Hòa bình xanh” ở Anh, nhưng chắc chắn bà Thủ tướng thừa biết tập đoàn này “có nhiều ông Allen Ho” và họ đã hoạt động gián điệp để ăn cắp công nghệ hạt nhân mới của Mỹ thì cớ gì không ăn cắp những thứ gì đó TQ còn thiếu, lại đang có ở Anh?
+ Ngày 13/8/2016, ông Scott Morison, Tổng trưởng Tài chính Úc thông báo quyết định của Chính phủ Úc về việc rút giấy phép đầu tư của các công ty TQ vào dự án lưới điện của Bang New South Wales. Lý do công khai chỉ rất ngắn gọn: “An ninh quốc gia” mà không cần giải thích gì thêm. Nhưng trên thực tế, trước đó một ngày đã có một cuộc họp với các cơ quan bộ Quốc phòng và Cơ quan an ninh quốc gia Úc (AISO), những cơ quan phản đối rất gay gắt đối với chủ trương để cho Tập đoàn lưới điện TQ (SGC) thâu tóm Công ty lưới điện bang New South Wales Ausgrid (với đường điện dài 22.270 km, 200 trạm biến thế đặt khắp bang). Chắc chắn các cơ quan an ninh quốc phòng Úc đã đưa ra nhiều bằng chứng về hoạt động gián điệp của đám “công nhân” của tập đoàn này. Dù giàu có đến đâu mà phải chối bỏ một dự án đầu tư hơn 10 tỷ đôla của TQ thì chắc chắn vấn đề đã được Chính phủ Úc cân nhắc, đánh giá một cách kỹ lưỡng, bởi những mối hại mà các tập đoàn kinh tế này gây ra còn lớn hơn nhiều lần cái mà họ đầu tư. Chính phủ không bán rẻ lợi ích quốc gia để lấy tiền và rước lấy nhiều mối nguy hại lâu dài cho nhân dân và đất nước mình.
+ Ngày 8/6/2016, Công ty Xpress West (Mỹ) đưa ra thông báo hủy hợp đồng liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas – Los Angeles với Công ty đường sắt TQ, CRI. Tập đoàn Xpress West được CP Liên bang cấp phép xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles dài 370 km. Tháng 9/2015, 2 ngày trước khi Tập Cận Bình thăm chính thức Hoa Kỳ, Tập đoàn đường sắt quốc tế TQ “trúng thầu” tham gia liên doanh với Xpress West. Dự án này được tuyên truyền là “bước ngoặt”, là “chương mới” trong quan hệ Mỹ Trung. Nhưng chỉ 9 tháng sau, Xpress West đột ngột tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác với CRI. Cũng không ai biết vì sao, chỉ biết rằng Chính phủ Mỹ không cho phép mang các toa tàu từ TQ sang chạy trên đất Mỹ vì “không an toàn” mà các toa tàu phải được sản xuất tại Mỹ, có sự giám sát chặt chẽ từ phía Mỹ! Đây lại là điều kiện “bất khả thi” đối với CRI và chỉ có “thôi luôn” là thượng sách. Nhưng tuyên bố này đã làm cho cổ phiếu của CRI sụp đổ khắp các thị trường, gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư. Theo đó cũng gây ra một sự tức giận ngoại giao, nhưng đó là luật pháp của Mỹ.
Thật ra TQ đâu phải là nước có truyền thống, kinh nghiệm và công nghệ gì ghê gớm trên lĩnh vực đường sắt cao tốc. Nhật Bản họ bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm mô hình đường sắt cao tốc từ năm 1964. Mất 10 năm mới dám áp dụng công nghệ vào thực tế. Dịch vụ này đang hoạt động trên toàn nước Nhật, đã vận chuyển trên 10 tỷ hành khách trong suốt 50 năm qua mà chưa hề xảy ra bất cứ sai phạm nhỏ nào. Trong khi đó, Trung Quốc (kể cả ăn cắp được công nghệ đi nữa) chỉ sau 3 năm (2001-2004) là triển khai trên diện rộng. Từ năm 2004-2015, TQ đã xây dựng 9.800 km đường sắt cao tốc (Nhiều hơn toàn bộ hệ thống đường sắt cao tốc của tất cả các nước khác cộng lại), nhưng nguy hiểm luôn rình rập. Theo công bố chính thức của các cơ quan chức năng TQ thì đã có 168 lỗi trên toàn hệ thống đường sắt cao tốc thuộc về chất lượng thiết bị, thiết kế, thậm chí cả lỗi phần mềm điều khiển. Tháng 7/11/2015 đã xẩy ra tai nạn tại Triết Giang làm 40 người chết, 192 người bị thương… Các chuyên gia Mỹ đánh giá, “tốc độ phát triển của TQ quá nhanh và quá nguy hiểm” làm cho Chính phủ Mỹ chùn tay. Ở Mỹ, việc đền bù tai nạn giao thông là quá lớn, nếu tai nạn tàu hỏa cao tốc xẩy ra thì quy mô thiệt hại sẽ gấp nhiều lần đường không và đường bộ làm các nhà đầu tư phải dè chừng.
Trên đây là vài trong số rất nhiều dự án lớn mà trung Quốc đầu tư ở nước ngoài đang gặp bê bối mà thôi. Tất nhiên, đối với những nước “yếu”, các tập đoàn TQ chưa chắc đã chịu “nuốt hận vào trong” như vậy mà thường sẽ quậy phá tưng bừng. Điển hình là dự án Bất động sản 1,5 tỷ đôla của một tập đoàn TQ tại cảng Colombo của Sri Lanca. Khi chính phủ nước này quyết định đình chỉ dự án cũng vì lý do an ninh quốc gia, phía doanh nghiệp TQ đã đưa ra yêu sách ngang ngược là công ty Bất động sản này phải được sở hữu vĩnh viễn 20 ha đất ở cảng Colombo! Biết đâu với Vũng Áng, họ cũng đòi vài trăm ha như thế và biết chuyện gì sẽ xẩy ra sau những yêu sách đại loại như thế?
Ở Việt nam, vì là “thị trường định hướng XHCN” nên nhà nước can thiệp đủ thứ, nhưng lại có ít vai trò hỗ trợ nhằm tạo lập một sân chơi bình đẳng, bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích cho tất cả doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thông qua cơ chế cạnh tranh lành mạnh, đúng luật. Ngược lại, các cơ quan chức năng thường tạo ra nhiều khoảng trống về luật mà ở đó, các cá nhân hay các cơ quan chức năng kết luận đúng sai thế nào cũng được, đó là mảnh đất mầu mỡ để họ tha hồ lạm dụng quyền lực kiếm lợi cho cá nhân hoặc cho nhóm lợi ích. Đặc biệt đối với các đối tác TQ, đảng và nhà nước VN, rồi chính quyền các địa phương thường đặt cược niềm tin (hay giả vờ như thế) vào 16 chữ vàng và 4 tốt, về sự tương đồng ý thức hệ và về… cách hoạt động của bộ máy đảng và nhà nước.
Hầu hết các doanh nghiệp TQ lại rất giỏi trong nghệ thuật “ngoại giao ngân phiếu” nên rất nhiều dự án, chính chúng ta, những ông chủ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp TQ phá luật, coi thường các quy định của luật pháp Việt Nam, từng bước giúp các nhà thầu, các nhà đầu tư TQ dùng luật chơi của chính họ để giành chiến thắng trong đấu thầu với giá bỏ thầu cực thấp, rồi thay đổi dần nội dung dự án, nâng giá công trình và thiết bị, thay thế chủng loại và chất lượng thiết bị, sử dụng công nghệ lạc hậu, kéo dài vô hạn thời gian với chất lượng công trình thấp…
Việc trên 90% các nhà tổng thầu TQ nắm các dự án lớn tại VN là đi theo những con đường đó, không loại trừ những dự án thuộc các lĩnh vực nhạy cảm đối với an ninh quốc phòng, điện tử, công nghệ thông tin, thì lãnh đạo đảng và nhà nước cũng đã mở toang cửa mời họ vào như đối với tập đoàn khét tiếng làm gián điệp là tập đoàn điện tử viễn thông Hoa Vĩ (Hua Wei). Vũng Áng hay Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Đường ống nước Sông Đà I… là những dự án đã được ra đời và nuôi dưỡng trong môi trường như thế. Nếu không phải là lỗi lầm của cả một hệ thống có liên quan thì có đến mười ông Võ Kim Cự cũng không có gan và không đủ sức làm ra cả một núi sai phạm tày trời như thế!
Đây là một thực tế rất đáng buồn và và rất nguy hiểm, nhưng những người có trách nhiệm vẫn cố tình làm ngơ, coi như không có vấn đề gì lớn, thậm chí các vị lãnh đạo đảng và nhà nước còn thăm viếng, khen ngợi và động viên! Có thể nói Việt Nam là thiên đường của những nhà đầu tư nước ngoài vi phạm pháp luật nặng nhưng luôn được xử phạt nhẹ và không lo bị rút giấy phép. Thì chúng ta hãy xem qua chuyện như chuyện của “những người thích đùa” ở dự án đường nước Sông Đà I. Sau 17 lần vỡ ống trong 7 năm đi vào khai thác sử dụng, gây khủng hoảng nước cho khoảng 70 ngàn hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội. Bây giờ không ai, kể cả các nhà báo còn quan tâm đến chuyện vỡ tiếp bao nhiêu lần nữa, mà “đơn giản”, vỡ ở đâu thì Vinaconex tự bỏ tiền ra hàn vá lại ở đó mà thôi. Thế mà khi chuyển sang giai đoạn II, Hà Nội vẫn chọn Vinaconex và Vinaconex lại chọn… nhà thầu đường ống TQ! Bây giờ Vinaconex giao cho Công ty cổ phần nước sạch (một công ty con của Vinaconex) Viwasupco làm chủ đầu tư dự án. Dự án này có công suất cấp nước 600 ngàn mét khối nước sạch, tức gấp đôi Sông Đà I. Vậy là ngày 21/3/2016, Viwasupco thông báo “đã chọn được” nhà thầu Công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xingxing TQ, bởi vì Công ty này đã bỏ thầu thấp hơn 11,8% so với hồ sơ mời thầu! Đúng là “nghiệp chướng” chứ không còn là chuyện quản lý nhà nước nữa. Nghe nói cuộc này có cả đại diện của Cục quản lý đàu tư của Bộ KH&ĐT tham gia nên chặt chẽ hơn lần trước! Nhà thầu Ấn Độ và Pháp bị loại.
Dù “yêu quý Thủ đô” đến mấy thì cũng không ai có thể chấp nhận kiểu làm ăn lộ liễu và vô trách nhiệm đến vậy. Thủ tướng Chính phủ đành can thiệp. Chỉ 2 ngày sau công bố của Viwasupco, UBND thành phố Hà Nội đã ngồi lại cùng Bộ Xây dựng để “rà soát” và rất nhanh chóng, Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Vinaconex dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu TQ. Tháng 8/2016, Vinaconex đã chính thức hủy hợp đồng gọi thầu cung cấp ống gang dẻo của Xixing. Theo đó, ông Giám đốc Ban quản lý dự án được “miễn nhiệm” để đi nhận nhiệm vụ khác. Trước những bê bối “không thể hiểu được”, nhà đầu tư Acuatico của Singapore đã quyết định bán lại 43,6% cổ phần của họ và rút khỏi dự án đầy tai tiếng này sau 6 năm làm cổ đông chiến lược. Bỏ chạy trong trường hợp này là cao kiến. Dưới sức ép của công luận, Vinaconex có bị khởi tố điều tra, nhưng “không có vi phạm gì lớn” cùng với “nhân thân tốt” nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế là vui vẻ chuyển sang giai đoạn II. Dân các quận huyện thụ hưởng nguồn nước sạch từ dự án này ráng chịu. Pháp luật của chúng ta như thế; quản lý nhà nước của chúng ta như thế, phổ biến là thế.
Xung quanh câu chuyện về Formosa, cũng cần phải thấy có một lý do “rất đúng đường lối” hay “chiến lược phát triển” đất nước không những đã làm giá đỡ, làm cái khiên che đỡ mọi thứ vi phạm cho Formosa, mà còn là cái cớ rất quan trọng để cho Formosa hưởng mọi thứ ưu tiên ưu đãi mà không ai được hưởng, đó là quan điểm cực kỳ cổ hủ, lạc hậu về “công nghiệp nặng là nền tảng” của nền kinh tế XHCN theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa! Nhà máy sản xuất thép là “đứa con cưng” của nền tảng tư duy hủ lậu ấy, kể cả ngày nay, thế giới đã sản xuất ra một sản lượng thép khổng lồ 1 tỷ 620 triệu tấn thép (Số liệu 2015 của Hiệp hội thép thế giới WSA). Phải chăng đây cũng là một trong những luận điểm cơ bản của lý luận Mác-Lê nin không thể từ bỏ được?
Cung đã vượt xa cầu, hàng trăm triệu tấn thép tồn kho chưa biết đến bao giờ mới tiêu thụ hết cho dù các nước sản xuất thép đang cắt giảm sản lượng một cách mạnh mẽ. Tốt xấu gì chưa cần bàn, nhưng TQ là nước sản xuất ra một nửa sản lượng thép của thế giới. Tháng 7/2016, có lẽ một mặt vì sản lượng quá dư thừa mà xuất khẩu không được, các nước Âu Mỹ đều áp dụng chính sách đánh thuế chống bán phá giá làm cho thép TQ càng khốn đốn nên ông Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra thông báo sẽ cắt giảm từ 100-150 triệu tấn thép mỗi năm! Chúng ta đang hăng say đầu tư nhà máy thép trong tình hình như thế. Chưa nói đến vấn đề môi trường mà đầu tư tốn kém để làm ra thép chất lượng thấp mà giá thì cao, chắc chắn sẽ như thế, để làm gì? Lại tiếp tục bảo hộ bằng đủ thứ ưu đãi. Đây là câu hỏi hết sức nghiêm túc và một khi khẳng định rằng còn tồn tại nhà máy thép Vũng Áng là còn nguy hiểm và nền kinh tế Việt Nam không có nhu cầu làm thép như thế thì đóng cửa nhà máy, rút giấy phép đầu tư là việc cần làm.
Dĩ nhiên, một đất nước, một nền công nghiệp không thể không cần đến thép, nhưng giữa nhu cầu thép cho phát triển đất nước và làm nhà máy sản xuất thép là hai việc khác nhau. Trên thế giới đang có 66 quốc gia sản xuất thép mà Việt Nam là một trong 66 quốc gia đó. Không những thế, VN còn là nước sản xuất thép “lớn nhất” của ASEAN rồi. (Tôi cũng khồng biết người ta có thống kê cả những thứ thép được sản xuất ở làng nghề Đa Sĩ rồi đóng dấu Úc, dấu Nhật hay không?). Ai cũng biết thép Việt Nam sản xuất ra với công nghệ nào và chất lượng thuộc hạng gì trên thế giới. Từ nhiều chục năm trước, lúc còn làm Tổng bí thư, ông Lê Duẩn rất say sưa đầu tư cho công nghiệp nặng và mấy chục năm sau, nền công nghiệp nặng ấy vẫn không khá lên được bao nhiêu bởi chúng ta cứ mãi mê “đi tắt đón đầu” những thứ công nghệ phế thải của thiên hạ, kiểu như rước Formosa vào Việt Nam mà thôi, trong khi thế giới đã và đang đi nhanh vào cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, phát triển nền kinh tế tri thức, chất lượng cao, bền vững và thân thiện với môi trường….
Tôi nhớ đúng 20 năm trước, năm 1997, trong cuộc hội đàm chính thức giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Chu Dung Cơ của Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ đã khuyên một cách thẳng thắn rằng các đồng chí Việt Nạm không nên đầu tư vào những dự án như nhà máy gang thép Thái Nguyên hay phân đạm Hà Bắc, chúng tôi đang chết dở với thép. Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá đó là lời nói chân thành chứ không vì vốn viện trợ là bao nhiêu. Nhưng không còn ông Lê Duẩn thì lại có ông Đỗ Mười và thế là nhà máy gang thép Thái Nguyên tiếp tục đầu tư “nâng cấp” cho đến tận bây giờ.
***
Từ ngày xẩy ra thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, mặc dù là người “sở tại”, lại nhận được rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn, dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tôi chưa từng góp một lời bàn nào về Vũng Áng và Fomorsa lên báo chí. Đáng lẽ là thế. Nhưng khi tôi đọc được những lời có cánh cộng với sự hăng hái của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen thì nhân tiện tôi góp đôi lời về Thép Vũng Áng và Thép Cà Ná vậy thôi.
Có thể Tập đoàn của ông Vũ có nguồn vốn dồi dào hay vay mượn ở đâu không quan trọng, nhưng nghe ông nói về tác động môi trường cùng thời gian với ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sao có phần na ná nhau đến thế! Chỉ khác là dù chưa có báo cáo nào đánh giá tác động môi trường đối với dự án thép Cà Ná của ông Vũ, nhưng ông Vũ cứ tuyên bố sẽ không hề hấn gì, không để một giọt nước thải bẩn nào ra biển. Rất có thể. Lúc đầu tôi nghĩ có lẽ Tôn Hoa Sen đã nhập thiết bị và công nghệ của các nước G7 về để sản xuất thép hợp kim cao cấp chăng. Nhưng xem lại hóa ra không phải. Nghe qua, tôi bất giác liên tưởng tới lời tuyên bố của ông Chủ tịch tập đoàn thép POSCO của Hàn Quốc năm nào. Chỉ có điều, tập đoàn này đã sản xuất ra trên dưới 46 triệu tấn thép chất lượng cao mỗi năm mà không làm phương hại gì đến môi trường, vốn được các cơ quan chức năng Hàn Quốc kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Còn như lời của ông Vũ thì chưa biết sẽ ra sao. Nhưng xem cái cung cách mà Tập đoàn Tôn Hoa Sen đang triển khai thì liệu đây khác gì một Formosa thứ hai?
Theo các tài liệu đã được đăng tải, ngày 30/6/2015, Tôn Hoa Sen cử đoàn chuyên gia đến Ninh Thuận để khảo sát các điều kiện liên quan đến dự án. Đoàn có 10 người do ông Nguyễn Văn Quý, lúc đó là PCT Tập đoàn dẫn đầu. Xem danh sách thấy trong 10 quý ông thì có tới 6 ông là chuyên gia của CISDI, một công ty con của Tập đoàn luyện kim TQ (MCC) chuyên về tư vấn thiết kế, tổng thầu các nhà máy luyện thép. Chính tập đoàn này là cha đẻ của Thép Vũng Áng và cũng là cha đẻ của thảm họa môi trường biển vừa qua. Nói theo cách của dân Nghệ Tĩnh chúng tôi thì “Trở vô trở ra vẫn thằng cha lúc nãy!”, vẫn “thằng” MCC, CISDI, Formosa. Có khác chăng, Tôn Hoa Sen bây giờ không phải sang tận Trùng Khánh TQ để làm việc với CISDI, mà họ đã có ngay Văn phòng Đại diện tại Vũng Áng, rất tiện. Rất có thể ông Vũ rút kinh nghiệm, không xin phép chôn ống nước thải to đùng để chảy thẳng ra biển như Formosa, nhưng nhà máy thép của ông chắc cũng phải có nước thải bẩn và rồi không đổ ra biển thì cũng đổ loanh quanh đâu đó chứ làm sao không? Và đó là ông Vũ nói về Chất thải lỏng, còn Chất thải rắn? Chất thải khí? Hay lại thêm một Công ty môi trường Kỳ Anh nữa để đi chôn rác thải lung tung? Vấn đề này bắt nguồn từ Công nghệ và Thiết bị chứ không phải từ mong muốn. Nếu Tôn Hoa Sen tiếp tục rước công nghệ phế thải theo lời “tư vấn” của bọn CISDI về làm thì ông Vũ nhiều tiền đến đâu cũng không tránh được tai họa trong một tương lai gần.
Liệu các cơ quan chức năng của nhà nước và Thủ tướng Chính phủ có ủng hộ những dự án như thế này nữa không? Đành rằng chúng ta phải khuyến khích đầu tư, nhưng như Thủ tướng đã nói, không khuyến khích bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng v.v… Vậy thì thay vì chúng ta hoan nghênh các dự án lớn, bỏ thầu giá rẻ, cần phải hết sức nghiêm ngặt trong việc chọn lựa lĩnh vực ưu tiên, chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao. Chắc chắn trí tuệ Việt Nam không đến nỗi thiếu và yếu kém để dẫn đến những kết cục đáng buồn như trong những năm qua. Vấn đề là chúng ta có dám từ bỏ mô hình cũ, con đường cũ, cách làm cũ hết sức lạc hậu và tiêu cực để tạo lập một môi trường phát triển mới hay không mà thôi. Đất nước chúng ta không chỉ có thách thức mà đang có không ít cơ hội lớn chờ ta ở phía trước.
Hà Nội, tháng 9/2016
Nguyễn Thái Nguyên