VNN - Thực tế cho thấy vẫn còn bao nhiêu chuyện bất thường trĩu nặng ưu tư đã, đang và sẽ tiếp tục bủa vây người nông dân sau lũy tre làng.
Đồng quê trĩu nặng ưu tư
Theo báo cáo thẩm tra về tình hình xây dựng nông thôn mới của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa 13, đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7%) đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong 5 năm qua, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, ngân sách nhà nước huy động cho chương trình còn thấp. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy vẫn còn bao nhiêu chuyện bất thường trĩu nặng ưu tư đã, đang và sẽ tiếp tục bủa vây người nông dân sau lũy tre làng.
Có xã, các chủ máy gặt năm trước bị “đầu gấu làng” thu tiền bảo kê; năm nay, công an xã “vào cuộc” thu chính thức 2 triệu đồng, theo chỉ đạo của chính quyền xã, nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trên địa bàn, mà không biên lai và càng không căn cứ vào bất kỳ cơ sở pháp lý chính thức nào. Rốt cuộc thì người dân thuê gặt lúa phải gánh chịu hết các phí tổn “mãi lộ” này.
Nhiều nơi, người dân nghèo bạc mặt, mất ăn mất ngủ khi vào “mùa đóng góp”, với đủ các khoản tự nguyện hay bắt buộc cho đủ loại quỹ và vô số khoản thu có tên và không thể đặt tên theo bất kỳ luật định nào. Vài chục khoản thu dù lắt nhắt, cũng khiến tổng số tiền gia chủ phải đóng tới cả chục triệu đồng/năm; thậm chí vượt cả tổng thu nhập từ ruộng lúa của người nông dân; mà nếu thiếu hoặc chậm nộp, con nợ sẽ chịu phạt lãi suất nợ quá hạn cao y như ngân hàng vậy!
Nhiều làng xóm quạnh quẽ, chỉ toàn trẻ con và người già, còn thanh niên vắng bóng vì phải tứ tán tha hương khắp nơi mưu sinh, dù tạm bợ; có làng toàn đàn ông trông con và chờ tiền vợ gửi về từ công việc “ô sin” ở nước người.
Không ít vùng miền, cảnh “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang, “chuồng treo” và ao cạn, không có hoạt động trồng cấy và chăn nuôi đặc trưng, vì người dân không chịu nổi chi phí đầu vào và thiếu đầu ra ổn định.
Đặc biệt, hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển và cả sâu trong nội địa, mất nghề đánh bắt, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản ngàn đời nay, vì bất lực trước nạn ô nhiễm biển, sông, hồ ngày càng trầm trọng. Chợ cá và du lịch cũng mất theo, Thất nghiệp khiến vùng quê nghèo càng thêm nghèo, buồn…
Có miền quê quanh năm người dân chỉ lo đầu tắt mặt tối kiếm tiền chi cho nạn ăn cỗ, từ cưới hỏi, ma chay, đến đỗ đạt và tân gia, nhân dịp hàng loạt sự kiện lớn nhỏ trong làng và trong họ, gia đình...
Loại bỏ “cường hào địa phương” mới
Thực tế cho thấy, mục tiêu cao nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người dân theo chuẩn nghèo đa chiều bền vững. Những bất thường kể trên không thể có trong tiêu chí và hình ảnh nông thôn mới Việt Nam trong thời gian tới.
Nỗi buồn quê nghèo dường như ngày càng nhiều và muôn hình vạn trạng, đồng thời có nguyên nhân chung: Cán bộ thì nhiều, đông đảo với đủ các ban, ngành, đoàn thể. Chi ngân sách Nhà nước để chăm nuôi bộ máy này càng không ít, nhưng chất lượng bộ máy chính quyền còn nhiều hạn chế.
Đằng sau và nguyên nhân hàng đầu của tất cả những nỗi buồn trong miền quê nghèo là vấn đề sai lệch nhận thức, sự quan liêu, vô cảm hoặc “lực bất tòng tâm” của chính quyền các cấp trong nhận diện và xử lý những nỗi lo cơm áo gạo tiền cho người dân quê, đặc biệt là sự coi thường người dân và mải mê với lợi ích nhóm và chủ nghĩa cá nhân.
Chấn chỉnh nhận thức và nâng cao năng lực lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương theo tinh thần xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính; đặc biệt, nhận diện và kiên quyết xử lý những sai phạm và biểu hiện kiểu “cường hào địa phương” mới ở nông thôn là đòi hỏi bức thiết của người dân và phải là một trong những ưu tiên của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Những thông điệp buồn từ miền quê nghèo thường ít được lắng nghe nhất, nhưng luôn có sức ảnh hưởng riêng và đòi hỏi phải có thái độ đúng trong tiếp nhận và hành xử…
Làng quê vốn yên bình và người quê vốn hiền lành, nhưng cũng là mạch nguồn của các cơn sóng lừng theo tinh thần người xưa đúc kết “Chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân, khi lật thuyền mới thấy sức dân như nước”./.