VNExp - Yunita Ong, nữ nhà báo viết cho Forbes đã đăng tải bài viết về lòng biết ơn của cô cũng như giới trẻ Singapore đối với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã cho họ một nền giáo dục hướng đến toàn cầu hóa thông qua tiếng Anh.
Là một người Singapore học ở nước ngoài, tôi luôn cảm thấy chính sách giáo dục đã tạo nên con người tôi như thế nào. Vào một sáng thứ hai, bạn bè, gia đình và những người xung quanh biết tin người cha của đất nước Singapore hiện đại đã qua đời. Ông đã thua trong cuộc chiến với căn bệnh viêm phổi nhưng đã giành được rất nhiều chiến thắng khác trong cả cuộc đời mình, trong đó có chính sách song ngữ. Tôi là một trong những người cảm nhận được sự tác động sâu sắc của chính sách ấy với bản thân mình như thế nào.
Khi Singapore giành được độc lập từ Malaysia vào năm 1965, ông Lý biết rằng một đất nước nghèo tài nguyên cần có mô hình kinh tế độc đáo. Ông từng trả lời với tờ New York Times năm 2007 rằng: "Chúng tôi biết là nếu Singapore cũng chỉ như những người hàng xóm của mình thì chúng tôi sẽ chết". Vừa thoát khỏi sự đô hộ của chế độ thực dân, nhiều đất nước cố gắng củng cố sự độc lập của đất nước mình bằng việc từ chối sự tác động của phương Tây.
"Nếu chúng tôi học một thứ tiếng mẹ đẻ, chúng tôi sẽ không thể kiếm sống được. Nếu học một thứ tiếng mà lại là tiếng Anh thì sẽ là một trở ngại lớn. Chúng tôi sẽ mất bản sắc văn hóa của mình và khiến tinh thần tự tôn dân tộc bị lắng xuống", ông viết trong hồi ký của mình.
Chính sách song ngữ của ông Lý đã có tác động nổi bật bởi khiến Singapore thích ứng tốt trước những áp lực của toàn cầu hóa. Trong bức thư gửi con trai ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng Lý Hiển Long, Tổng thống Trần Khánh Viêm đã nói "Người Singapore ngày nay có khả năng tận dụng việc có hai ngôn ngữ, hai văn hóa để có thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng ta có thể kinh doanh ở những quốc gia nói tiếng Anh lẫn với Trung Quốc".
Trong những năm đầu lập quốc, tiếng Anh trở thành công cụ kết nối nhiều nhóm người trong một quốc gia, từ người Hoa, Malay, Ấn Độ. Tiếng Anh giúp Singapore xã hội hóa, hoàn thiện giáo dục cơ bản một cách công bằng còn ngôn ngữ riêng giúp bảo tồn di dản văn hóa riêng. Điều này giúp Singpore giảm sức ép về văn hóa dân tộc - vốn có thể làm ảnh hưởng tiến tình kinh tế của đất nước này.
Ông Lý được người Singapore gọi là "cha" trong những ấn phẩm phổ biến ở đây. Đó là một đánh giá công bằng với tôi vì thấy cuộc đời mình chịu sự tác động sâu sắc như thế nào từ những quan điểm của ông. Kể từ khi rời trường trung học, tiếng Hoa của tôi dần kém đi, nhưng những năm tháng học ở nhà trường đã mang lại khả năng nắm bắt thứ ngôn ngữ mà nhiều người cho là khó nhất thế giới. Ngày nay, tôi có khả năng đọc các văn bản tài chính bằng tiếng Hoa và dịch chúng sang tiếng Anh. Điều này giúp tôi rất nhiều, đồng thời giúp tôi định hình phương hướng trong sự nghiệp là làm một nhà báo chuyên theo dõi kinh tế châu Á.
Ở trường học, mỗi khi những người bạn gốc Ấn hoặc Malay của tôi đến lớp dạy tiếng mẹ đẻ của họ, tôi luôn ghi nhớ rằng sự khác biệt văn hóa và nguồn gốc cần được tôn trọng và thấu hiểu. Chính sách dạy song ngữ cho tôi những bài học quan trọng về việc sống trong môi trường đa văn hóa, giúp tôi rất nhiều khi chuyển đến Mỹ nơi có sự pha trộn của những người đến từ nhiều vùng đất khác nhau.
Nhưng có lẽ điều thú vị nhất trong chính sách song ngữ của cố Thủ tướng Lý là bản thân ông cũng gặp khó khăn với tiếng Hoa. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ nói tiếng Anh, ông đã kể lại sự khó khăn khi cố gắng học tiếng Hoa trong cuốn sách "Thử thách suốt đời của tôi: Chính sách Song ngữ của Singapore". Với ông, việc học tiếng Hoa cũng là một cuộc chiến biến điều không thể thành có thể, cũng giống như thử thách mà ông đã làm suốt cuộc đời mình là đưa Singapore từ một hòn đảo nhỏ vật lộn để tồn tại thành một đất nước tiên tiến. Nói về tính kiên trì của ông, tôi cảm thấy khâm phục từ tận đáy lòng.