Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Thủ tướng Chính phủ: Phải đưa Đà Nẵng phát triển mạnh như Singapore

Vũ Dũng/VOV

VOV.VN -Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng phải kết hợp phát triển sản xuất và du lịch, đưa Đà Nẵng phát triển như Singapore trong tương lai.

Chiều nay (28/9), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 1 triệu dân, có 85% dân số sống ở đô thị. 9 tháng qua, Đà Nẵng tiếp tục thể hiện là thành phố đầu tàu kinh tế vùng với tăng trưởng kinh tế 8,85%, thu ngân sách trên 14.100 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm.

Đà Nẵng phấn đấu năm nay thu vượt 10% dự toán, tiếp tục là một trong 13 tỉnh điều tiết về ngân sách Trung ương. Cơ cấu kinh tế của thành phố chủ yếu là các ngành dịch vụ với trên 62%. Trong đó dịch vụ du lịch phát triển mạnh, 9 tháng qua đã thu hút 4,41 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Đà Nẵng, ngoài phát triển du lịch, dịch vụ, Đà Nẵng ít có dư địa mở rộng các khu công nghiệp, khi quỹ đất hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, nếu 2020 Đà Nẵng không bứt phá được thì coi như thành phố thụt lùi, không thể đóng vai trò là thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Do đó, Đà Nẵng mong muốn Chính phủ chấp thuận để Đà Nẵng có một số cơ chế đặc thù làm cơ sở để tiếp tục phát triển mạnh.

Theo đại diện các Bộ, để thực sự là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây và đầu tàu khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, thì Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm. Với đất đai hạn hẹp, phát triển công nghiệp khó khăn, Đà Nẵng nên phát triển dịch vụ, du lịch theo mô hình của Singapore hay Hong Kong. Trong đó, ngoài dịch vụ du lịch, cần phát triển mạnh hệ thống dịch vụ tài chính chính, thương mại.

Để tránh lặp lại tình trạng quá tải đô thị trong tương lai, Đà Nẵng cần tính đến phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển các công trình giao thông ngầm, giảm tại giao thông cho nội đô. Đà Nẵng cũng có thể đẩy mạnh thu hút phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, gia công sản xuất phần mềm, trở thành thành phố công nghiệp kỹ thuật số, thành phố thông minh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Đà Nẵng đã vươn lên đạt nhiều kết quả tốt, trong đó đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều năm thuộc nhóm đứng đầu cả nước; có nguồn nhân lực, trong đó có cán bộ công chức, có chất lượng tốt.

Tỷ lệ số doanh nghiệp/người dân cao, người dân tin tưởng chính quyền. Thương hiệu của Đà Nẵng về du lịch, môi trường, môi trường sống an toàn bước đầu được khẳng định. Cơ cấu nguồn thu của Đà Nẵng không chỉ dựa vào đất đai mà dựa vào các ngành dịch vụ, sản xuất kinh doanh. 

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng cần thẳng thắn nhìn nhận quy mô nền kinh tế, năng lực sản xuất, dịch vụ còn thấp; thiếu dự án động lực thúc đẩy phát triển. Đà Nẵng cũng gặp khó khăn về quỹ đất phát triển, chỉ còn có thể phát triển về phía Tây. Trong khi đó, vai trò kết nối và hội nhập của Đà Nẵng chưa rõ nét, hạ tầng đối ngoại với quốc tế và khu vực còn nhiều khó khăn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo: “Vấn đề đặt ra là chất lượng, quy mô, chất lượng sự phát triển của Đà Nẵng phải đặt ra sao cho xứng tầm là trung tâm của khu vực. Để là trung tâm của khu vực, trong bối cảnh các tỉnh thành phố trong khu vực cũng phấn đấu phát triển, thì Đà Nẵng phải tìm hướng đi có giá trị gia tăng cao. Với Đà Nẵng, dù du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vẫn phải đi bằng hai chân, đó là sản xuất và du lịch - dịch vụ. Ngoài du lịch, các dịch vụ khác của Đà Nẵng còn yếu. Phải thúc đẩy Đà Nẵng phát triển như một Singapore, Hong Kong trong tương lai gần“.

Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, Đảng bộ, Chính quyền Đà Nẵng phải có ước mơ, quyết tâm và đề ra giải pháp. Trung ương, địa phương, nhất là người dân Đà Nẵng phải phấn đấu để đạt mục tiêu này: “Tầm nhìn của Đà Nẵng là trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới, trước hết là với Singapore và Hong Kong. Đà Nẵng phải là điểm đến đầu tư, cho du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo như những gì Singapore đã làm được trên bình diện thế giới. Như vậy phải đặt vấn đề chúng ta phải quyết tâm đưa Đà Nẵng tiến lên như một Singapore trong tương lai gần“.  

Chính vì vậy, Thủ tướng lưu ý Đà Nẵng phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố. Quỹ đất phải được huy động tối đa phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, để phát triển không dựa trên mở rộng quỹ đất mà phát triển dựa trên sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất hiện có.

Theo Thủ tướng, đề bài đặt ra với mô hình triển của Đà Nẵng là nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố của khoa học công nghệ, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, là thành phố thông minh, cạnh tranh, thành phố kết nối với các thành phố khác trong nước và thế giới.

Thủ tướng cũng cho rằng, Đà Nẵng phải tính đến quy mô, chất lượng dân số trong tương lai, không thể để một thành phố trung tâm của vùng mà lại chỉ có quy mô dân số khoảng 1 triệu dân như hiện nay.

Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng đánh giá Đà Nẵng đã có những thành công trong thời gian qua, nhưng phải tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó phải thúc đẩy việc quảng bá, hoàn thiện hạ tầng, tiện ích công cộng, đào tạo nhân lực hướng đến mục tiêu đó. Cùng với đó, Đà Nẵng phải liên kết với các tỉnh trong vùng để Đà Nẵng trở thành trung tâm của phát triển du lịch từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Thủ tướng nêu rõ, du lịch phải tiếp tục đóng góp lớn vào GDP cho Đà Nẵng .

Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng phải hoàn thiện kết cấu hạ tầng tốt hơn, giảm chi phí đầu tư, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư. Với mô hình của Đà Nẵng được lựa chọn là thành phố mở cửa, hội nhập, Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng phải có cơ chế thu hút nhân tài, không chỉ nhân tài trong nước mà cả ở nước ngoài.

Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng thời gian qua đã không chấp nhận các dự án ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, Thủ tướng đánh giá phong trào khởi nghiệp của Đà Nẵng chưa cao. Việc Đà Nẵng cần làm là tập trung cho khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, làm cơ sở thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Đối với phát triển kinh tế biển, Thủ tướng chỉ đạo, Đà Nẵng cũng cần tập trung phát triển mạnh mẽ hơn kinh tế biển, trong đó có đánh bắt xa bờ. 

Để Đà Nẵng tiếp tục có không gian phát triển mạnh mẽ hơn, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương kiến nghị của Đà Nẵng về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cần thực hiện quyết liệt chương trình hành động, Nghị quyết của Thành phố, các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội./.