Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Phạt người bán vé số dạo: Buồn nỗi buồn ngoại tôi!

Lệ Hoa

Người Đưa Tin - Nhân đạo luôn là đức tính “khuôn vàng, thước ngọc” trong nguyên lý đạo đức của người Việt. Khi xã hội ngày càng văn minh thì nghĩa cử tình người “cùng một bọc” cũng cần phải song hành nhiệt tâm.

Giống những người mẹ quê trở thành “bà má miền Nam” theo cách gọi của bộ đội, “ngoại” trong bài viết này là đại từ xưng hô thể hiện tính cách kính yêu chung người già – nếp sinh hoạt hòa nhã thân quen của cư dân Nam Bộ.

Không thể phủ nhận, những người hành nghề bán vé số dạo hiện nay đều là dân lao động nghèo, đa phần già yếu, tàn tật. Nhiều người đáng lẽ đã được nghỉ ngơi hưởng vui vầy cùng con cháu từ lâu, song do hoàn cảnh khó khăn nên suốt ngày họ vẫn phải la cà đánh đổi từng giọt mồ hôi để kiếm sống.

Nhìn người bán vé số dạo “nhởn nhơ” cứ tưởng công việc nhàn nhã, nhưng thực chất không phải vậy. Họ cũng vất vả dãi dầu mưa nắng dọc ngang ngang dọc với xấp vé số trên tay đi mỗi ngày hàng bao nhiêu cây số. Lại luôn thấp thỏm trước nạn lừa đổi số trúng bằng vé cạo sửa hoặc bị cướp giật vé số trắng trợn của bọn người vô lương tâm.

Trong nghề bán vé số, đây đó còn có những cảnh đời ngặt nghèo hết sức đáng thương. Một số người vẫn đang đầu tắt mặt tối chạy ăn từng bữa (đúng nghĩa) và chắt chiu từng đồng để mua chai dầu xoa bóp, mua vài viên thuốc qua loa chữa đau nhức bệnh tuổi già.

Đã có nhiều, rất nhiều những tấm lòng nhân ái sẵn sàng mua vé số giúp người già neo đơn, tật nguyền bất hạnh và những người thân thể không nguyên vẹn. Các câu hỏi thăm đại loại: “Nay bán được nhiều không ngoại?”, “Sáng giờ ngoại đã ăn gì chưa?” v.v… nghe thắm thiết nghĩa đồng bào.

Tình người cao đẹp là thế. Vậy nhưng, tại tỉnh Ninh Thuận lại xảy ra “lệ làng” bất nhẫn khiến mấy ngày nay dư luận bức xúc khi người bán loại vé số không đúng tuyến bị coi là vi phạm, bị xử phạt hành chính và tịch thu vé số.

Cụ thể ngày 1/9 vừa qua, trước cổng chợ Phan Rang, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận làm trưởng đoàn đã giữ một người bán vé số dạo đang cầm 8 tờ vé số do Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh (XSKT) Bình Thuận phát hành, đi bán dạo. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ vé số của người này vì cho rằng “vé số phát hành trái tuyến” – tức vé số do các tỉnh khu vực phía Nam phát hành thì không được bán tại các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận.

Đắng lòng hơn khi Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận đã ban hành nhiều Quyết định xử phạt “tội” phát hành vé số không đúng tuyến với mức phạt từ 10 – 15 triệu đồng, số tiền mà những người nghèo mạt đi bán vé số dạo có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến.

Tại sao lại có chuyện “ngăn sông cấm chợ” như vậy? Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính Ninh Thuận, trả lời báo Thanh Niên: Cơ cấu phát hành vé số trên toàn quốc được chia làm 3 khu vực. Khu vực 1, gồm các tỉnh phía bắc (gọi khu vực miền Bắc), khu vực 2 là các tỉnh miền Trung và khu vực 3 là các tỉnh miền Nam. Theo Thông tư 75/2013 ngày 4/6/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, vé số khu vực nào thì chỉ được lưu hành, bán ở khu vực đó; không được phát hành sang khu vực khác. Nếu phát hành bán vé số sang khu vực khác thì bị xử phạt hành chính.

Trước giải thích của Sở Tài chính Ninh Thuận, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Công ty luật Hồng Long, phân tích rõ hơn: “Theo điều 8 quy định về “địa bàn kinh doanh xổ số” của Nghị định 30/2007 và điều 13 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều 8 và cả Nghị định 78/2013 sửa đổi một số điều trong Nghị định 30 sau này, hoàn toàn không có chi tiết bắt, phạt người bán vé số dạo nếu bán vé số sai vùng phát hành. Thực tế, phát hành thì đương nhiên tại địa phương nơi có công ty xổ số có trụ sở, còn bán lẻ thì bán đâu chả được”.

Thời gian vừa qua, hai công ty XSKT Ninh thuận và Bình Thuận cũng đã từng ngồi lại bàn bạc “nhắc” nhau về vấn đề vé số “lấn tuyến”, nhưng xem ra sự việc không ngã ngũ.

Trong khi đó, nếu “áp luật” thì tại khoản 1, điều 38 - Nghị định 98: “Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đối với hành vi thực hiện kinh doanh xổ số không đúng địa bàn”. Như vậy, người bán vé số dạo chỉ bán lẻ hưởng hoa hồng, không hề có giấy phép kinh doanh thì không thể xử phạt họ được. Những quyết định xử phạt người bán vé số dạo như vừa rồi của Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận là vô hiệu, không đúng chủ thể.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận khẩn trương kiểm tra vụ phạt người bán vé số miền Nam ở Ninh Thuận và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/9.

Xem ra Quyết định xử phạt người bán vé số dạo không đúng tuyến là vô cùng phản cảm trong thời buổi cơ chế thị trường. Chẳng khác nào diễn biến “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Và, suy ngẫm theo cách “dân dã” thì xổ số kiến thiết để ích nước, lợi nhà; mà nếu không bổ ngang thì cũng bổ dọc chứ có mất đi đâu, vì rằng “nước Việt Nam là một…”