(Dân Việt) Tại sao người Việt "thần tượng" sừng tê giác thì đã rõ. Nó là một từ khoá quen thuộc trong xã hội những ngày này: Ung thư.
Trên tạp chí TIME, Việt Nam lại tiếp tục được chỉ ra là thị trường chính của sừng tê giác Châu Phi. Những thị dân trung lưu của nước ta vẫn đang "giết" những con vật này vì nỗi sợ ung thư.
Bài viết trên tờ TIME chắc chắn sẽ gây chú ý của cộng đồng thế giới, bởi nó được đồng chắp bút bởi Jared Leto - siêu sao điện ảnh đã từng đoạt giải Oscar và vẫn đang "hô mưa gọi gió" trên các rạp chiếu thế giới bằng vai Joker trong “Biệt đội tự sát”.
Leto cùng với Carter Roberts - Giám đốc của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (WWF) lên tiếng chỉ ra Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc - vốn thường là thị trường lớn nhất cho các món y dược bí truyền - là nguyên nhân chính khiến những con tê giác bị giết hại dã man trên đồng cỏ Châu Phi. Khó mà chỉ tay về đâu khác: Các cuộc điều tra của Uỷ ban công lý động vật hoang dã, tại riêng làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) trong một năm trời khẳng định rằng nơi này đã buôn bán sừng của… 579 cá thể tê giác. Đó chỉ là một ngôi làng.
Tại sao người Việt thần tượng sừng tê giác thì đã rõ. Nó là một từ khoá quen thuộc trong xã hội những ngày này: Ung thư. Nhiều người tin rằng sừng tê giác chữa được ung thư.
Ung thư đang trở thành một nỗi sợ hãi đến ám ảnh của người Việt Nam, trước tình trạng an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Và người Việt Nam đã quyết định chuyển hoá nỗi sợ của mình thành hành động: Họ cùng với các tổ chức tội phạm quốc tế xây dựng những đường dây sát hại tê giác và buôn bán sừng của chúng.
Con tê giác Châu Phi không gây ra nỗi sợ ung thư ở người Việt Nam, nhưng nó phải thế mạng, phải chết trên sa mạc với mảng thịt đỏ ối trước mũi cho ruồi bu. Vì nó yếu đuối, to xác, và dễ ăn đạn, dễ cưa sừng hơn là những nguyên nhân gây ra ung thư.
Người Việt Nam tất nhiên đã có thể đổ công xây dựng một thiết chế chống lại việc nhập khẩu thực phẩm bẩn. Một người bạn từng có thời gian làm việc tại cảng Hải Phòng kể với tác giả rằng, những container “tạm nhập tái xuất” chứa hàng lậu được bóc ra ngay khi vừa rời cảng, để rồi bằng cách nào đó, người ta vẫn có kẹp chì niêm phong “chính hãng” của hải quan để tái xuất chúng, nhưng là tái xuất cái container rỗng. Những món hàng đã ở lại Việt Nam bất hợp pháp có thể là bất kỳ thứ gì. Đó có thể là chân gà, nội tạng động vật, hay là một thứ “thuốc độc” trực tiếp gây ra ung thư sẽ được bày bán ở chợ ngày hôm sau.
Người Việt Nam tất nhiên đã có thể dốc sức cho việc hỗ trợ người nông dân làm nông sản sạch. Nhưng tiếc rằng những nỗ lực như vậy vẫn không nhiều. Tôi đã gặp rất nhiều người nông dân chật vật trong một nỗ lực sản xuất nông sản “vì cộng đồng” - bởi vì rốt cục thì lý tưởng của họ không phù hợp với các quan điểm thị trường. Không có sự “hữu xạ tự nhiên hương” như là… sừng tê giác, dù khó khăn đến mấy người ta cũng tìm đến mua. Bạn vẫn có thể bắt gặp một cửa hàng nông sản sạch ế chỏng chơ vì giá đắt và không có tiền quảng cáo, không có tiền thuê mặt bằng đẹp.
Người Việt Nam cũng đã có thể làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề môi trường. Họ không cần phải chờ đến một ông Tây đi dọn cống rãnh cho mình, hay là sinh viên tình nguyện đi nhặt rác rến mà họ đã bỏ lại ở Bờ Hồ sau những đêm vui chơi.
Nhưng có vẻ như là tiêu diệt tê giác thì dễ hơn là tiêu diệt buôn lậu; tìm mua sừng tê giác thì dễ hơn là hỗ trợ nông dân; dấm dúi đem sừng tê đi biếu xén thì dễ hơn là cúi lưng xuống nhặt rác.
Sẽ thật buồn cười vì trước nỗi sợ ung thư, chúng ta lại chung tay hành động, xây dựng một hệ thống buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp, thay vì chung tay xây dựng những hệ thống bảo vệ mình một cách hợp pháp.
Nếu tê giác hết, mà buôn lậu vẫn còn, thì chúng ta sẽ làm gì để chiến đấu với ung thư?