Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Thời của doanh nhân – Hi vọng và chờ đợi!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Doanh nhân Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn, cả về thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức.

Xin không đi sâu vào những khó khăn, thách thức mà các doanh nhân Việt Nam đã và đang phải đối mặt và cũng không bàn sâu về những thuận lợi mà khách quan và chủ quan mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam, chỉ xin bàn về một chi tiết nhỏ, song cũng chính là một trong những yếu tố quyết định đối với sự thành bại của doanh nhân Việt Nam, đó là sự nhìn nhận của xã hội và sự quan tâm sâu sát của Chính phủ đối với tầng lớp doanh nhân Việt Nam hôm nay.

Về tâm lý xã hội, không thể nói khác một thực tế, do cách nhìn nhận từ xa xưa để lại, cho đến giờ phút này, đó đây vẫn còn dư âm của tư tưởng Tứ dân - “sĩ, nông, công, thương”, trong đó doanh nhân xếp hàng cuối bảng.

Song, thời thế nay đã có nhiều đổi khác. Nếu như hỏi rằng tên của 2 nhà văn Nhật Bản đã từng đoạt giải Nobel văn chương, chắc không mấy ai biết đến. Thế nhưng hỏi có ai không biết đến những cái tên như Sony, Toyota, Honda… thì chắc chắn nhiều và thậm chí mọi người đều biết. Việc này đã nói lên chính các doanh nhân đã làm cho nước Nhật nổi tiếng và giàu có như hôm nay. Điều mà giờ đây, nhiều người biết.

Đây chính là một trong những thuận lợi rất lớn đối với sự phát triển của doanh nhân Việt.

Về phía Chính phủ, có thể nói một cơ hội cho doanh nhân Việt Nam nói riêng, cho sự phát triển của đất nước nói chung, đó là sự quan tâm hết mực của Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một cựu sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngay trong phát biểu tại lễ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế”.

Và cũng tại buổi lễ trang trọng này, Thủ tướng đã nhận lời mời đến thăm, gặp gỡ doanh nhân của Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam. Đây là cuộc “ra mắt” đầu tiên của ông Phúc với cương vị Người đứng đầu Chính phủ.

Không chỉ quan tâm đến những tập đoàn, tổng công ty lớn, Thủ tướng còn quan tâm đến từng hộ kinh doanh nhỏ lẻ như xử lý vụ Quán café Xin chào hay vụ kinh doanh điện thoại “cùi bắp”.

Một chi tiết nhỏ, song ý nghĩa tinh thần rất lớn, đó là chỉ trong vòng hơn 10 ngày, Thủ tướng đã trực tiếp đến thăm và kiểm tra chợ đầu mối Long Biên và một số cơ sở kinh doanh tại TP HCM.

Gần đây nhất, ngay 11/10 vừa qua, Người đứng đầu Chính phủ lại một lần nữa trực tiếp tham lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập – Phát triển”. Tại đây, Thủ tướng nói: “Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng”.

Không thể nói khác, trong ba yếu tố thành công là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì hiện nay, tại Việt Nam đã hội tụ tương đối đầy đủ. Vấn đề còn lại, đó là nội lực của doanh nhân Việt Nam.

Hi vọng rằng họ sẽ góp phần to lớn vinh danh nước Việt như các hãng Sony, Toyota, Honda, Suzuki… đã từng vinh danh nước Nhật.