(TBKTSG) - Trong chuyện cổ tích Tấm Cám, hễ mỗi khi Tấm - kẻ có số phận hẩm hiu - gặp điều trắc trở, ngồi khóc thì lập tức Bụt hiện ra, hỏi “Tại sao con khóc?”. Tấm giãi bày nguồn cơn và sau đó được Bụt dùng phép màu là hóa giải được hết. Nhờ vậy mà Tấm thoát kiếp khổ đau, bị sỉ nhục, đọa đày, chà đạp bởi mụ dì ghẻ và cô em gái cùng cha khác mẹ.
Phim Tấm Cám - chuyện chưa kể có chi phí đầu tư 20 tỉ đồng tuần qua ra mắt đã gây ra những xôn xao bên lề. Trong buổi chiếu ra mắt, Ngô Thanh Vân, nữ đạo diễn của bộ phim này đã “khóc nghẹn ngào” (theo mô tả của báo Tuổi Trẻ) vì bộ phim bị nhà phát hành CGV - hệ thống rạp chiếm 40% thị phần phát hành phim tại Việt Nam hiện nay - từ chối. Ngay sau khi cô Vân khóc, báo chí lập tức đóng vai ông Bụt, nhảy vào khai thác vấn đề hậu trường vì sao bộ phim này bị CGV “bạc đãi” và buộc CGV phải lên tiếng.
Một lần nữa, những nhà làm phim, phát hành phim Việt Nam lại được dịp, dấy lên một làn sóng chỉ trích sự “chi phối cuộc chơi” của CGV, điều mà trước đây vài tháng, một nhóm những nhà phát hành phim trong nước đã đệ đơn kêu cứu cơ quan quản lý văn hóa nhảy vào cuộc, đề nghị khống chế bớt quyền lực kẻ đề ra luật chơi thị trường nghiệt ngã của “đại gia” CGV.
Sự lên tiếng của những “ông Bụt báo chí” sau những giọt nước mắt của cô nữ đạo diễn xinh đẹp đã không đưa được Tấm Cám vào rạp CGV, dĩ nhiên. Nhưng ít ra, giá trị của phép màu nằm ở chỗ, câu chuyện rộn ràng về phát hành của bộ phim phía sau giá trị bộ phim, lại trở thành một cái cớ tiếp thị bộ phim rất hiệu quả. Xem Tấm Cám để cổ vũ cho phim Việt được đầu tư theo kiểu “bom tấn” sẽ là ý nghĩ ít nhiều mời gọi khán giả mua vé đến rạp. Nó không chỉ kích thích sự hiếu kỳ nơi người xem phim, mà còn làm được một điều không phải bộ phim giải trí Việt Nam nào cũng làm được, đó là tạo ra mối đồng cảm của những người làm phim Việt đang chịu số phận hẩm hiu trên sân nhà khi 40% thị phần nằm trong tay một nhà phát hành coi trọng nguyên tắc thị trường lạnh lùng hơn thứ tình cảm bổn xứ viển vông.
Những “ông Bụt báo chí” trong lúc tưởng chừng rất nhàn rỗi lại đã làm được một việc: chung tay góp sức để cho những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân có giá trị truyền thông cho cô Tấm - dù trong phim này thì Ngô Thanh Vân đóng vai... dì ghẻ.
Nhân câu chuyện giọt nước mắt của cô diễn viên, đạo diễn xinh đẹp đã làm rung động những “ông Bụt báo chí” rất đáng ngẫm ngợi. Bỏ qua những chiêu thức truyền thông của những nhà làm phim, thì sự nhạy cảm, hào hiệp bảo vệ những người thất thế phải chăng là điều mà truyền thông đang thật sự thực thi? Và nếu đúng vậy, thì tại sao trong rất nhiều chuyện bất công trong đời sống thực, chuyện người dân bé mọn bị chèn ép bởi kẻ có quyền hành, tiền bạc ức hiếp đến độ sống dở chết dở, chuyện người dân nức nở uất nghẹn vì bị tước đoạt môi trường sinh tồn bởi các dự án lớn... các “ông Bụt báo chí” hẳn là có nghe thấy, hẳn là cảm thông lắm mà sao chẳng thể tiết ra được một thứ phép màu khả dĩ nào để hóa giải. Trong rất nhiều trường hợp, “ông Bụt báo chí” đã phải tìm cách lờ đi vì điều nọ, điều kia khó nói?
Có lẽ muôn đời vẫn thế, ngoài khát khao công lý được thực thi thì người cùng khổ cũng cần đến sự xoa dịu, ủi an. Thế nên dân gian mới sáng tạo ra ông Bụt biết xuất hiện đúng lúc, ủi an đúng nơi, ra tay đúng việc, không đi sai địa chỉ, không tảng lờ hay bất lực bởi cơ chế nọ, ràng buộc kia. Bụt đã ra tay thì đều vì sự tốt đẹp cho người công chính. Cái gì Bụt muốn làm vì sự tốt đẹp thì làm, chẳng ai cản ngăn được Bụt cả. Những ai đủ lý trí để đi qua cổ tích đều biết rằng, Bụt là một hư cấu. Nhưng phẩm tính của Bụt nằm đâu đó trong cuộc sống, trong mối quan tâm chia sẻ khổ đau mà con người ta dành cho nhau, giúp nhau hướng đến một đời sống công bằng và tốt đẹp.
Truyền thông báo chí, trong rất nhiều trường hợp trái ngang của đời sống dân sinh, đã không thể là ông Bụt, xuất hiện đúng lúc, kịp thời để bảo vệ cho những người bé mọn, cô thế, dễ tổn thương.