Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Tiền nhiều, tiêu sao cho hết?

Hải Lý

(TBKTSG) - Cách đây đúng một năm, tháng 8-2015, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kỳ hạn 14 ngày ở mức 3,4%/năm. Lúc bấy giờ các tổ chức tín dụng cho rằng đó là lãi suất thấp, nhưng họ vẫn mua tín phiếu vì thanh khoản dồi dào. Có lẽ không ai trong số họ có thể dự báo lãi suất trên sẽ chỉ còn một nửa như hiện tại.

Ngày 12-8-2016 kỳ hạn 14 ngày tín phiếu NHNN được phát hành với lãi suất 1,3%/năm, thấp nhất trong lịch sử, gần ngang ngửa với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Điều đó chứng tỏ các tổ chức tín dụng đang rất thừa tiền.

Chuyện tiền thừa được thể hiện khá rõ trong báo cáo tài chính bán niên của nhiều ngân hàng. Tại không ít ngân hàng tổng vốn huy động cao hơn hẳn so với dư nợ. Một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở TPHCM cho biết số tiền gửi của khách hàng lên tới 280.000 tỉ đồng, trong khi dư nợ chỉ khoảng 200.000 tỉ đồng. Với một ngân hàng khác trụ sở ở Hà Nội, dư nợ trên tổng tiền gửi thấp ở mức khó tưởng tượng, khoảng 30-40%. Tỷ lệ huy động/cho vay của một số ngân hàng cổ phần giờ đây luôn xoay quanh 60-70%. Thoạt nhìn tưởng là tín hiệu đáng mừng vì các ngân hàng đã không còn tình trạng rủi ro huy động được bao nhiêu, cho vay tất tật bấy nhiêu nữa.    

Tiền đang giàu có ở tầm vi mô. Tiền cũng không thiếu ở tầm vĩ mô. NHNN công bố đến ngày 29-7-2016 tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45% so với cuối năm ngoái, huy động vốn tăng 9,94% và tín dụng tăng trưởng 8,54%. Mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cả tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, thì tiền thừa là tất yếu.

Trong bối cảnh thừa tiền, kỳ vọng của cả doanh nghiệp, Chính phủ và tất nhiên của NHNN là lãi suất đầu ra sẽ giảm trên cơ sở thanh khoản được đảm bảo. Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đặt mục tiêu đến năm 2020 lãi suất cho vay rơi về 5%/năm, tức giảm một nửa so với lãi suất đầu ra trung, dài hạn và 2 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay ngắn hạn hiện hành.

Cũng vì nhiều tiền mà các tổ chức tín dụng đổ xô mua trái phiếu chính phủ và tín phiếu. Trái phiếu chính phủ phát hành đợt nào hết vèo đợt nấy, với tổng lượng phát hành đã đạt 185.000 tỉ đồng. Mục tiêu phát hành 220.000 tỉ đồng năm nay sắp được hoàn thành, nên Bộ Tài chính quyết định nâng hạn mức phát hành lên 250.000 tỉ đồng.

Thông thường khi vốn vào nhiều, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiết kiệm, đồng thời giảm lãi suất cho vay để vốn không ứ đọng, lợi nhuận được đảm bảo. Khảo sát của chúng tôi ở bốn ngân hàng quốc doanh, nửa quốc doanh và bốn ngân hàng cổ phần cho thấy lãi suất đầu ra từ đầu năm đến nay chỉ giảm tối đa được 0,5%/năm. Các ngân hàng than “giảm nữa là lỗ”. Cái này xem ra hơi khó hiểu. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện tầm 7%. Giả sử giảm xuống 6%/năm, tính ra ngân hàng vẫn còn lời hơn mua trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN. Nhưng chẳng ngân hàng nào ham giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay. Họ giải thích cho vay không an toàn bằng mua trái phiếu hay tín phiếu. Thực chất điều họ không nói ra là tín phiếu, trái phiếu có thanh khoản cao, mua dễ, bán dễ, khi cần có thể chuyển thành tiền được ngay để giải quyết nhu cầu chi trả. Quá rõ rồi còn gì!

Thực tế đâu có đơn giản vậy. Sở dĩ một số ngân hàng phải để khoảng cách xa giữa tổng vốn huy động và cho vay là bởi họ cần một nguồn vốn đệm nhằm bù đắp cho số thật nợ xấu. Số vốn đệm này phải luôn dồi dào và luôn ở mức cao để đảm bảo khả năng chi trả. Vốn đệm càng nhiều, chi phí huy động vốn càng cao, lợi nhuận càng thấp, nhưng các ngân hàng vẫn cắn răng chịu đựng, chịu cho đến khi nào xử lý được nợ xấu.

Bây giờ muốn biết thực trạng tài chính của một ngân hàng ra sao, chỉ cần lấy báo cáo tài chính ra, nhìn vào khoảng cách giữa hai con số huy động và cho vay là rõ. Khoảng cách này càng lớn thì lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ càng giảm. Tình trạng lợi nhuận trước thuế từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng/ngân hàng đang ngày càng phổ biến. Có ngân hàng báo lãi nửa đầu năm đúng 1 tỉ đồng. Báo lãi cho có thôi, khỏi mang tiếng lỗ, vì nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thì lợi nhuận có thể âm.

Đáng ra khi tiền được bơm vào lưu thông với cường độ nói trên, mặt bằng lãi suất phải xuống nhanh để đẩy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng GDP. Song lãi suất vẫn đang ngăn cản sức hấp thụ vốn. Kênh đầu tư được hưởng lợi nhiều trong ngắn hạn là chứng khoán. Do các ngân hàng không đo được chính xác nhu cầu chi trả trong tương lai cho người gửi tiền (ai biết người dân sẽ gửi kỳ hạn nào, số lượng bao nhiêu), nên tiền đang và sẽ thoắt ra thoắt vào chứng khoán nhằm tận dụng lãi suất cho vay cao tại đây. Hậu quả là chứng khoán tăng/giảm điểm với các đợt giật cục vô cùng ngắn hạn, đâu đó 1-2 tháng là cùng.