Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm về dự báo bão số 1 sai gây thiệt hại nặng

PV (tổng hợp từ TTXVN, VNN)

MTG - Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các địa phương lưu ý công tác dự báo bão, cấp bão; đồng thời rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1 vừa qua để dự báo chính xác nhằm hạn chế thiệt hại.

Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 1 và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nam Định cần tập trung toàn lực để khôi phục sản xuất, tiêu úng cứu lúa và hoa màu, không để diện tích trống; đồng thời giúp nhân dân ổn định đời sống, sinh hoạt. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nam Định cần tính toán, có giải pháp khắc phục các diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, không để thiếu hụt sản lượng lương thực. Những diện tích lúa bị chết, địa phương sớm triển khai tỉa dặm, gieo cấy lại hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo thời vụ và năng suất. Đối với những diện tích nước đã rút, ngành nông nghiệp chú ý cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa theo quy trình. Tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê biển, đê sông, nhất là những vị trí đê kè xung yếu, các khu vực kè bị sạt lở trong cơn bão số 1 để có phương án khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. 

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng lớn nên Nam Định cần quan tâm giúp đỡ người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên môi trường Nam Định và huy động lực lượng đoàn viên thanh niên ở các đơn vị tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhất là ở khu vực thành phố Nam Định để đảm bảo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nam Định cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống bão bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tích cực trồng rừng, từng bước tăng diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ nhằm giữ đất, chắn gió và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hỗ trợ giống lúa, giống rau màu các loại giúp bà con gieo trồng đảm bảo khung thời vụ. Ngành điện và các đơn vị tập trung dựng lại cột điện bị gãy đổ để cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngành tài nguyên và môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các địa phương lưu ý công tác dự báo bão, cấp bão; đồng thời rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1 vừa qua để dự báo chính xác nhằm hạn chế thiệt hại. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết: Bão số 1 đã làm 4 người bị thương; ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh trên 2.380 tỉ đồng. Bão số 1 với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 kèm theo mưa lớn cũng đã làm 75.955 ha trong tổng số 77.800 ha lúa mùa tại Nam Định bị ngập úng; gần 8.200 ha hoa màu bị dập nát. Toàn tỉnh có 14.200 cột điện bị gãy đổ; trên 500 lều, chòi bị tốc mái; 79 lồng cá bị vỡ; 800 ha nuôi ngao và hơn 3.400 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Gió to, sóng lớn cũng đã làm sụt, sập, hư hỏng 20 đoạn đê kè với chiều dài hàng chục cây số ở các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Ý Yên...

Về công tác dự báo, lãnh đạo tỉnh Nam Định và Bộ NN-PTNT cho rằng thông tin dự báo cấp độ bão số 1 vừa qua là không chính xác khiến các địa phương bị động trong công tác ứng phó.

Cụ thể, dự báo cấp gió của cơn bão chỉ là cấp 6-7, giật cấp 8-9, nhưng trên thực tế vùng ven biển, gió giật đến cấp 13 và trong thành phố giật đến cấp 12. 

Đặc biệt, thời gian lưu bão từ 5 - 7 tiếng so với thông thường chỉ từ 1 - 2 tiếng khiến địa phương này thiệt hại hơn 2.300 tỉ đồng. Trong đó, nông, lâm, diêm nghiệp thiệt hại tới 730 tỉ đồng, thủy sản 367 tỉ đồng.

Nếu so với cơn bão Sơn Tinh cách đây 4 năm thì thiệt hại bão số 1 nhiều gấp 7 lần.