(Dân Việt) Ông nông dân trồng lạc Jimmy Carter vẫn có thể trở thành tổng thống thứ 39 của nước Mỹ thì việc người nông dân trở thành lãnh đạo nước Mỹ không khó. Nhưng ở ta thì sao?
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây về kỳ vọng có ngày con người nông dân, người nghèo sẽ làm lãnh đạo đã chỉ ra mâu thuẫn sâu sắc của xã hội hiện nay cũng là nguồn cơn cho mọi thứ lộn xộn khác,đ ó là khoảng cách giàu nghèo, sang hèn, con dân-cán bộ quá lớn.
Theo Thủ tướng, tiềm năng lớn nhất hiện nay của Việt Nam là nguồn nhân lực. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ; đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa.
Đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.
Ở Mỹ ông nông dân trồng lạc Jimmy Carter vẫn có thể trở thành tổng thống thứ 39 của nước Mỹ thì việc người nông dân trở thành lãnh đạo nước Mỹ không khó.
Nhưng ở nước ta thì sao?
Còn nhớ chàng trai tài hoa Trương Đình Anh ở tuổi 27 đã có câu nói nổi tiếng: "Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi."
Trương Đình Anh từng được đánh giá là "người kinh doanh internet hiệu quả nhất Việt Nam" khi đưa FPT từ vị trí khởi điểm rất khiêm tốn với bốn nhân viên vào năm 1997 và số vốn 100 triệu đồng, trở thành một nhà cung ứng dịch vụ internet dial-up khổng lồ vào cuối năm 1998 có doanh thu nửa triệu đôla Mỹ.
Trương Đình Anh có thể gọi là “tinh hoa tri thức” theo nghĩa hiện đại phù hợp với hình mẫu của thế hệ lãnh đạo mới. Nhưng rồi mới đây, Trương Đình Anh đã lặng lẽ rời khỏi các chức vụ ở FPT và sau đó sang Mỹ định cư cùng gia đình.
Câu chuyện này gây sốc cho nhiều người bởi vì trong bối cảnh có sự dịch chuyển thành phần tạm gọi là tinh hoa ra nước ngoài định cư với số lượng gây bất ngờ.
Một tờ báo dẫn nguồn tin cậy cho rằng có đến 100.000 người Việt Nam rời đất nước đi định cư ở các nước phát triển mỗi năm.
Theo thống kê của World Bank về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013. Cụ thể, theo số liệu của tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) thì từ năm 1990 đến năm 2015, có khoảng 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài, tính trung bình 26 năm thì mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt Nam chuyển sang sinh sống ở nước ngoài.
Nên nhớ cho dù xuất thân là con lãnh đạo, nhà giàu hay nông dân, con nhà nghèo thì chỉ có những những tinh hoa về chính trị được học hành, đào tạo tạo bài bản mới phù hợp và lãnh đạo hiệu quả. Nước nào cũng vậy.
Bởi thế con em lao động nghèo, con em nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thật quá khó để mơ làm lãnh đạo.
Nông dân là những người lao động cư trú ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp. Nông dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, vì đây là lực lượng chiếm số lượng đa số trong cả nước và cũng chính họ đã có nhiều đóng góp đáng tự hào từ lịch sử đến hiện nay.
Tuy nhiên vị thế chính trị của con em nông dân, con em người nghèo vẫn ở điểm xuất phát thấp vì không đủ điều kiện học hành theo các tiêu chuẩn hiện đại, sản xuất manh mún, lệ thuộc mùa vụ, thiên tai và diễn biến khó lường của thị trường…
Chúng ta nhìn vấn đề cách tổng quát như vậy để thấy rằng người đứng đầu chính phủ rất mẫn cảm về chính trị đã thấy được mâu thuẫn xã hội và khơi gợi ước mơ vươn lên quyết tâm lấy lại vị thế và sự công bằng cho xã hội và người nghèo. Phát huy hiệu quả thật sự nguồn nhân lực chứ không chỉ là lời tuyên bố chung chung.
Gần đây, chúng ta xôn xao vì một bài báo có tiêu đề “Đồng chí này con đồng chí nào” để nói về sự “cha truyền con nối” trong sự phát triển đội ngũ lãnh đạo. Vậy đến bao giờ thì người ta có thể hỏi nhau: “Đồng chí này con ông nông dân nào”?
Con đường mà Thủ tướng gợi mở chắc sẽ rất khó khăn.