VNN - Trước thông tin nhân viên thu phí có thể không giao cuống vé cho lái xe để thu tiền ít hơn, đút túi cả chục tỷ/tháng, Trạm trưởng Trạm thu phí số 2 không khỏi "sốc".
Trên QL 5 có 2 Trạm thu phí do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý để thu tiền hoàn vốn xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Từ năm 2009 đến 1/8/2016, việc thu phí được VIDIFI ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần phát triển Đại Dương để thực hiện thu phí. Từ 1/8/2016, VIDIFI trực tiếp quản lý thu phí đối với hai Trạm thu phí trên QL5.
Trước những thông tin về việc nhân viên Trạm thu phí QL 5 thu phí thấp hơn giá vé, không giao cuống vé cho lái xe, ngày 10/8/2016, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trạm thu phí số 2 QL5 tại Km 82+300 thuộc địa bàn huyện An Dương, Hải Phòng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm thu phí số 2, hiện nay việc quản lý thu phí được thực hiện theo hình thức thu "một dừng" (xe chỉ dừng một lần để mua vé và trả tiền) và được áp dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật để kiểm tra giám sát và thực hiện quy trình thu phí, hạn chế sự can thiệp của nhân viên vào việc đóng mở barie nên những sai sót, tiêu cực do lỗi của con người đã được hạn chế tối đa.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng giải thích, trước đây quy trình thu phí 2 dừng, tách việc bán vé và việc kiểm soát vé và chưa có hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật thì có thể phát sinh tiêu cực "quay vòng vé" như báo chí đã từng phản ánh. Nhưng, việc thu phí theo quy trình "một dừng", với sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật là hệ thống đầu quét mã vạch kết nối với hệ thống máy chủ thì việc gian lận vé rất khó xảy ra.
Trong quy trình thu phí, nhân viên Trạm thu phí thực hiện bán vé, thu tiền, trả tiền thừa cho lái xe sau đó sử dụng cuống vé có mã vạch để quét qua đầu đọc để máy tính xác nhận lệnh mở barie. Khi mã vạch được quét, vé đã sử dụng thì số tiền phí cũng tự động được tính trên hệ thống. Nếu không được quét mã vạch trên cuống vé thì cần barie chắc chắn sẽ không mở. Mỗi mã vạch chỉ được sử dụng một lần và không thể sử dụng lại. Sau khi hết ca, nhân viên thu phí sẽ hủy cuống vé có mã vạch. Do đó, khó có chuyện quay vòng vé có sử dụng mã vạch.
Đối với trường hợp các sử dụng vé tháng, hệ thống máy tính nhận diện biển số xe và thực hiện quy trình tự mở barie sau khi đã xác nhận biên số. Việc nhận diện biển số cũng được mã hóa bằng mã vạch của vé tháng nên không thể gian lận. Đối với các xe ưu tiên, khi qua Trạm thì đươc can thiệp bằng tay nhưng có giám sát của Phòng hậu kiểm nên nhân viên thu phí cũng không thể "qua mặt" để thu tiền của lái xe mà không bị phát hiện.
Có mặt tại phòng hậu kiểm của Trạm thu phí số 2, chúng tôi ghi nhận trên màn hình giám sát hình ảnh thu phí được hệ thống 8 camera hoạt động và ghi lại hoạt động thu phí của nhân viên. Hình ảnh trên camera được hiện thị trên 2 máy tính và 2 màn hình lớn, kết nối trực tiếp với máy chủ do hai nhân viên trực liên tục để giám sát. Đại diện Trạm thu phí cho biết, các camera này kết nối trực tiếp với trụ sở chính của VIDIFI nên ngoài việc giám sát thu phí tại phòng Hậu kiểm thì việc thu phí còn có sự giám sát tại trụ sở của VIDIFI.
Trước thông tin nhân viên thu phí có thể không giao cuống vé cho lái xe để thu tiền ít hơn, đút túi cả chục tỷ/tháng, Trạm trưởng Trạm thu phí số 2 không khỏi "sốc". Theo ông Tuấn, mỗi ngày Trạm thu phí số 2 thu được khoảng 1,2 tỷ đồng tiền phí, bao gồm cả vé lượt lẫn vé tháng. Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, với quy trình quản lý thu phí bán tự động, nhân viên thu phí không thể can thiệp trái phép mà không bị phát hiện nên không thể có chuyện nhân viên "đút túi" cả chục tỷ/tháng.
Trước thông tin có tình trạng gian lận thu phí tại Trạm thu phí QL 5, vừa qua Tổng Cục đường bộ đã có quyết định kiểm tra hoạt động thu phí tại các Trạm thu phí trên QL5. Việc kiểm tra này là hành động kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước trước những thông tin dồn dập về gian lận thu phí của các Trạm thu phí BOT và cũng để giải tỏa những rắc rối xảy ra đối với cả các trạm đang hoạt động theo một quy trình tương đối chặt chẽ.
(Theo báo Pháp luật)