VNN - Toan tính của phụ huynh không phải tự dưng mà có, mà nó bắt nguồn từ thực tế xã hội. Chính thực tế xã hội quy định mọi hành vi của các thành viên trong cộng đồng: xã hội như thế nào thì hành vi của cộng đồng sẽ tương ứng như thế ấy.
Có nhiều cha mẹ muốn con em mình phải vào đại học, nếu không phải bằng mọi giá thì cũng với một giá rất đắt.
Hiện tượng này đã lan rộng thành một xu hướng rộng rãi trong xã hội. Từ mấy thập niên gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi (trước 2015) và dự tuyển vào đại học chiếm phần lớn trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Số lượng này có giảm trong kỳ thi quốc gia vừa qua, tuy nhiên nó vẫn còn rất cao.
Nhiều người đã nhận ra hậu quả không lấy gì làm tốt đẹp của xu hướng lao vào con đường độc đạo ấy, nhất là sau khi hàng loạt cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, đành phải “học lùi” lại trung cấp. Tuy nhiên, còn quá sớm để hy vọng rằng trong những năm sắp tới tình hình sẽ sáng sủa hơn.
Để “lành mạnh hóa” việc chọn lựa con đường vào đời của thanh niên, thiết nghĩ việc phân tích những nguy cơ của xu hướng này và thuyết phục xã hội nên tránh là việc cần làm nhưng không đủ. Cách làm này chỉ hiệu quả đối với những vụ việc riêng lẻ, chứ không thể áp dụng cho một xu hướng xã hội.
Để có những giải pháp toàn diện và căn cơ, cần phải phân tích thấu đáo nguyên nhân tại sao xu hướng chen nhau vào đại học lại phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, rồi từ đó mà đề ra những điều chỉnh thích hợp ngay từ gốc rễ của vấn đề.
Trước hết, phải thấy rằng toan tính của phụ huynh không phải tự dưng mà có, nó bắt nguồn từ thực tế xã hội. Chính thực tế xã hội quy định mọi hành vi của các thành viên trong cộng đồng: xã hội như thế nào thì hành vi của cộng đồng sẽ tương ứng như thế ấy. Nói cách khác, hành vi cộng đồng là sự ứng phó với thực tế xã hội, để thích nghi với thực tế, mà cũng có thể là để báo động về sự bất an do thực tế gây ra.
Vì thế, cần phải đặt câu hỏi: nền giáo dục đang vận hành của như thế nào khiến cho các bậc cha mẹ lại đưa con mình vào con đường độc đạo đó?
Không ít người nhận ra rằng cấu trúc của hệ thống giáo dục hiện nay vô tình cổ xúy cho thanh niên lập nghiệp bằng con đường đại học. Thật vậy, các trường trung cấp và cao đẳng nghề quá ít ỏi, chương trình đào tạo nghèo nàn và lạc hậu không phù hợp với thị trường lao động, lương bổng quá thấp đã khiến thanh niên chập chững vào đời phải nản lòng.
Hơn nữa, sự liên thông quá hạn chế giữa hệ đào tạo nghề và đào tạo đại học đã khiến cánh cửa tương lai gần như đã khép lại đối với những người tốt nghiệp các trường này, vì họ không còn cơ hội nâng cao trình độ học vấn của họ.
Bên cạnh đó là kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn ở mức trên 90% trong nhiều năm liền nhưng không phản ánh trung thực trình độ học tập, khiến nhiều em có ảo tưởng về năng lực của mình. Thêm vào đó, các trường đại học công lập lẫn tư thục đua nhau ra đời, đã tìm mọi cách có thể để thu hút người nhập học; điều đó vô hình trung đã kích thích giấc mộng vào đại học của các bậc phụ huynh lẫn học sinh.
Về cấu trúc xã hội, gần như mọi cơ hội tiến thân đều quay lưng lại với những người tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, vì chẳng có đơn vị nào, dù là nhà nước hay tư nhân, đề bạt vào vị trí lãnh đạo những người có trình độ trung cấp.
Hơn nữa, đã từ lâu, cơ chế xã hội vô hình trung đã hình thành nên sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và tư nhân, đến độ nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu để chạy được một chân làm việc trong các cơ quan nhà nước, mà đa số các cuộc tuyển dụng đều yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học.
Về phương diện quản lý kinh tế, những người muốn lập nghiệp bằng con đường tự tạo ra cơ hội cho chính mình, như kinh doanh chẳng hạn, phải đương đầu với vô vàn trở ngại, kể cả nhiều nguy cơ treo lơ lửng. Chẳng những không có cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ phía nhà nước, thanh niên lập nghiệp phải học cách đối phó với những tiêu cực trong quản lý kinh tế như thủ tục nhiêu khê, thuế má chồng chéo, tệ nạn vòi vĩnh, hạch sách của những người lẽ ra phải tiếp sức cho họ.
Vì thế, muốn tồn tại trong nền kinh tế vẫn còn nhiều thứ chưa đồng bộ hiện nay không thể chỉ dựa vào năng lực và nhiệt quyết, mà còn phải dày dạn kinh nghiệm thương trường, thậm chỉ phải biết “ngoại giao”, “lách luật”. Thanh niên mới lập nghiệp tìm đâu ra những thứ ấy ? Dĩ nhiên cũng có nhiều tấm gương thành công, nhưng đó không phải là phổ biến.
Trên đây là một số nguyên nhân tiêu biểu khiến mọi người cố cho con em mình chen chân vào đại học hầu tìm kiếm một tương lai ổn định. Hiện tượng này đã gây nhiều xáo trộn trong xã hội, và hậu quả về vật chất lẫn tinh thần không hề nhỏ. Để khắc phục có hiệu quả, cần phải xây dựng nhiều biện pháp đồng bộ cấp nhà nước dựa trên những nguyên nhân nói trên.