Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Xin lỗi và…. ra lệnh

Kỳ Duyên

VNN - Chợt nhớ tới hội nghị trực tuyến về CCHC của Chính phủ. Nhớ tới yêu cầu giã từ thứ… “vũ khí” mang nhãn hiệu “hành là chính” với dân.

Nhưng bao giờ điều đó thành hiện thực?

Có lẽ những ngày này, xã hội còn chưa lắng câu chuyện phát súng tội ác ở Yên Bái, khiến 03 con người đều là đồng chí của nhau bỗng phải trở về cát bụi, đem theo những “bí mật’ ân oán giữa họ, khiến cơ quan điều tra rồi đây còn vất vả, mà quên đi một câu chuyện trước đó khiến cư dân mạng xôn xao bàn luận.

Xin lỗi và “Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn”

Đó là việc người đứng đầu Chính phủ (CP) tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) với 63 tỉnh, thành phố, đã nhắc tới việc đoàn xe tháp tùng ông nối đuôi nhau đi trong phố cổ Hội An, nơi quy định mọi người đều phải đi bộ. Mặc dù không ngồi trong xe, nhưng khi nghe dư luận, ông nhìn nhận khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng, trong việc quán xuyến, “cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”. Sự nhận lỗi ở đây của người đứng đầu CP chính là nhận thức đã làm “phiền” dân, dù không hề biết!

Sự nhận lỗi- dù chỉ là trong một hội nghị trực tuyến trước các bộ, ngành của 63 tỉnh, t/p đã gây được hiệu ứng tích cực, được dư luận xã hội, cư dân mạng chia sẻ.

Đương nhiên, đằng sau cách xử lý thức thời trong quan hệ với dân của người đứng đầu CP, dư luận xã hội vẫn chờ đợi những tín hiệu mới mà chính ông đã đưa ra trong cuộc họp trực tuyến. Như một nguyên tắc ứng xử của công cuộc CCHC, một cuộc cải cách quá bức thiết để làm thay đổi diện mạo bộ máy và hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền trên hành trình đất nước hội nhập: Giã từ thứ “vũ khí” mang nhãn hiệu… “hành là chính” với dân.

Đó là khi ông nhấn mạnh cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp phải gần dân, tôn trọng và nỗ lực phục vụ nhân dân, thấm nhuần 03 xin: “Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn". (Dân trí, ngày 17/8).

Mặc dù tại cuộc sơ kết này, đã có những nhúc nhắc đáng ghi nhận của các tỉnh, các bộ ngành trong công cuộc cải cách “hành là chính”.

Theo VietNamNet, ngày 17/8, kết quả xếp hạng CCHC do Bộ Nội vụ công bố cho biết, trong số các bộ, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu 19 bộ, cơ quan ngang bộ, tiếp theo là Bộ Tài chính. Bộ Giao thông vận tải, sau hai năm liên tiếp đứng đầu, đã tụt xuống thứ 03. Bộ có sự tiến bộ đáng kể là Y tế, Giáo dục. Trong số các tỉnh, t/p, Đà Nẵng liên tục là năm thứ 04 dẫn đầu, trong khi Thủ đô Hà Nội tụt xuống vị trí thứ… 09.

Nhưng sự xếp thứ hạng đó nếu có đem lại niềm vui, là vui cho các bộ, ngành, các địa phương, như một thứ “thành tích”… trang điểm khi cần thiết. Chứ đã đủ sức đem lại một diện mạo mới với tinh thần CCHC, từ cồng kềnh sang tinh giản, từ “hành là chính” sang phục vụ người dân chưa?

Khi mà bộ máy ăn lương nhà nước vẫn tới 2,7 triệu người, nhưng năng suất, hiệu quả công việc không ai đo đếm được. Và khi chính người đứng đầu CP phải thẳng thắn: Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng, Thủ tướng nói thế thôi chứ ở dưới khác lắm!

Mọi nguồn cơn khuyết tật của bộ máy công quyền có nhiều nguyên nhân- do hoàn cảnh lịch sử khách quan, nhưng nhất là do chủ quan con người: Từ tư duy, tầm nhìn, hoạch định mô hình bộ máy, đội ngũ…, qua biết bao dâu bể thăng trầm của thời cuộc. Nhất là giờ đây, trong thời kinh tế thị trường, lợi ích nhóm chằng chịt, thì chắc chắn những khuyết tật đó sẽ còn chi phối không thương tiếc yếu tố quyết định nhất- tổ chức cán bộ.

Cũng chính người đứng đầu CP nhận định rằng, khâu yếu nhất của CCHC là gì nếu không phải là cán bộ, cán bộ và cán bộ. Và ông thẳng thắn thừa nhận, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu chính là khâu cản trở phát triển.

Vậy thì những ai mới có “năng lực” này?

Nhìn ra rồi, nhưng để sửa chữa khuyết tật, bằng một cuộc CCHC, liệu có thể lạc quan? Khi mà tiếc thay hiện nay, bất cứ vụ “nghi vấn” về bổ nhiệm cán bộ nào cũng được nhân danh đúng quy trình? Ts Nguyễn Đình Cung đã phải nhận xét một vụ bổ nhiệm đúng quý trình ồn ào gần đây là… trơ trẽn.

Ra lệnh cho “ra lệnh”

Vô tình, như để minh họa cho nhận định về sự sách nhiễu dân, tuần qua, dư luận xã hội bỗng phải để ý đến vụ việc mới đây nhất của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin chào nổi tiếng dạo nào (thuộc huyện Bình Chánh- t/p HCM).

Cứ tưởng sau khi người đứng đầu CP buộc phải vào cuộc chỉ đạo khẩn trương vụ việc “nhỏ như cái móng tay”, lẽ ra chỉ nhắc nhở xử lý hành chính thì lại có nguy cơ bị “hình sự hóa”, ông chủ quán café Xin chào cuối cùng, được trở về đất cũ của mình để kinh doanh- cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar.

Còn những “công bộc” làm sai trong vụ này đã và đang bị xử lý.

Thế nhưng, xem ra, “Ceasar” Nguyễn Văn Tấn  lại đang phải tiếp tục cầu cứu công luận. Vì sao?

Lại vẫn một chuyện “nhỏ như cái móng tay”.

Số là mới đây, theo GDVN, ngày 20/8, ông nhận được quyết định ra lệnh đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị do Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc Nguyễn Thanh Vũ ký. Lý do, ông có hành vi vi phạm tổ chức thi công công trình container trên đất không được phép xây dựng mà chỉ có mục đích sử dụng vườn. Thậm chí ông chủ tịch thị trấn còn yêu cầu các đơn vị phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công công trình.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Tấn cái gọi là "tổ chức thi công công trình container", chỉ là một cái container hoán cải loại nhỏ giá 15 triệu đồng ông mua về đặt cạnh quán làm chỗ chứa nồi niêu, ly tách phục vụ khách. Mà theo ông Tấn, cái thùng này bé xíu đặt gọn gàng trên đất tôi thuê. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra và lo lắng tột bậc.

Ông Nguyễn Văn Tấn lo là đúng. Bởi ông đang phải đối mặt với loại “vũ khí” có mác… “hành là chính” của ông Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc.

Thứ vũ khí “hành là chính’ này thậm chí khiến cho một cán bộ trong cuộc đã không dám ra tay với ông chủ quán café Xin chào vì sợ…. thất đức.

Nhà hàng kinh doanh mà lại bị cắt điện, nước thì ôi thôi của thiên trả địa.

Ông chủ quán thì run sợ, vì quan thì xa bản nha thì gần. Nhưng dư luận xã hội rất nhanh chóng “đọc vị’ ra cái động cơ của "bản nha" ăn miếng trả miếng đó.

Cũng có nghĩa là với không ít các "bản nha", luật chả là cái đinh gỉ gì?

Báo chí lần nữa lại phải vào cuộc. Báo GDVN phải đặt câu hỏi: “Chủ tịch thị trấn Tân Túc thách thức dư luận và Thủ tướng?”

Có lẽ, trước áp lực dư luận và báo chí, mà ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư huyện Bình Chánh nghe tin vội kiểm tra và… ra lệnh cho ông Chủ tịch thị trấn Tân Túc dừng lại cái “ra lệnh” này: Chỉ đạo cắt điện cắt nước cũng không phải việc của Chủ tịch thị trấn. Có làm phải để dân phục, đừng làm chuyện nhỏ nhặt, không đáng!

Không biết lần này “Ceasar” Nguyễn Văn Tấn đã thực được là Ceasar không nữa?

Chợt nhớ tới hội nghị trực tuyến về CCHC của CP. Nhớ tới yêu cầu giã từ thứ… “vũ khí” mang nhãn hiệu “hành là chính” với dân.

Nhưng bao giờ điều đó thành hiện thực?