TTO - Mấy hôm ni, đi mô cũng bị bạn bè trêu: “Xứ Huế của mi răng mà rảnh rứa”! Ý tụi nớ nói vụ bún bò đó mà. Ốt dột (xấu hổ) quá mà không biết nói lại làm răng, nên chỉ đành chống chế: Đừng nói cả xứ Huế mà tội, chỉ vài người thôi!
Ừm, mà người ta nói “rảnh rứa” cũng đúng. Biết bao chuyện đáng làm lại không làm, đi bỏ công soạn một cái quy định gần 6.000 từ để nói về bún bò Huế.
Nói đâu xa, mới cuối năm ngoái, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Thừa Thiên - Huế đã báo động về sự sụt giảm nghiêm trọng của du lịch đất cố đô.
Mặc dù đền đài lăng tẩm còn đó, sông Hương núi Ngự vẫn thơ mộng, cái tình người Huế vẫn âm thầm mà dữ dội như bao đời nay, ẩm thực Huế vẫn danh bất hư truyền... nhưng khách chẳng muốn dừng chân lại nhiều ngày như ở Đà Nẵng, Quảng Bình. Tại sao? Đó là do làm dịch vụ chưa tốt.
Đã vậy, khi bỏ công ngồi soạn một cái quy định về bún bò Huế, mỗi người nói mỗi kiểu khiến dư luận dậy sóng.
Ông Đinh Mạnh Thắng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế - trả lời một tờ báo rằng: “Chỉ những ai muốn sử dụng logo của nhãn hiệu Bún bò Huế thì mới đăng ký và hoạt động theo quy định ban hành. Còn người bán bún bò Huế không có nhu cầu sử dụng logo nhãn hiệu Bún bò Huế của UBND tỉnh thì không ảnh hưởng gì”.
Nhưng cùng ngày, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hiệp hội - lại lý giải: “Nếu không đảm bảo các tiêu chí thì họ có thể sử dụng “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó... chứ không phải là “Bún bò Huế”.
May thay mọi chuyện rồi cũng qua, khi ông phó chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã kết luận như giải thích của ông Đinh Mạnh Thắng.
Chuyện lý đã qua, nhưng chuyện tình thì chưa dứt. Là vì nhiều ông bà cụ Huế chính gốc không đồng tình khi nói: “Bầy tui sống gần thế kỷ, uống muốn hết nước sông Hương mà còn chưa dám nói tô bún bò Huế chính gốc là làm răng. Nghe cái quy định chi đó bảo rằng bún bò Huế có chả cua. Cái ni là trật lất với bún bò Huế ngày xưa. Vì cua có vị tanh đặc trưng của hải sản thì làm răng sống chung với bún bò Huế được. Cái vụ chả cua chỉ mới có sau ni thôi”.
Chưa hết, nghe mấy ôn mấy mệ nói về bún bò Huế mà muốn lùng bùng lỗ tai. Ví dụ, bún bò Huế cho các mệ (dân hoàng phái) thì dứt khoát nước phải trong, không màng mỡ ớt, không có gân, không có huyết và không ăn kèm với rau. Nhưng bún bò cho người lao động thì ngược lại. Vậy, trong cái quy định về Bún bò Huế chuẩn mực của UBND tỉnh này theo kiểu nào bây giờ?
Hôm qua, anh bạn đồng nghiệp Trương Anh Ngọc có một bài viết từ Ý, bảo rằng người Ý chẳng để ý chuyện bảo vệ pizza làm sao cho đúng kiểu Ý! Vâng, đến Mỹ thì ăn pizza kiểu Mỹ, sang Trung Quốc thì xơi pizza kiểu Trung, đến Việt Nam thì thưởng thức pizza gần gũi với khẩu vị Việt... Nhưng có sao đâu, nói đến pizza thì dứt khoát phải nghĩ đến Ý chứ không phải nước nào khác.
Vì vậy, khi nào mà người ta chuyển sang bán bún bò Sài Gòn hay bún bò Hà Nội, khi ấy Huế mới lo lắng. Còn bây giờ, bún bò Huế đã vang danh khắp nơi, vậy là quá hạnh phúc cho ẩm thực Huế rồi, đâu cần bày thêm chuyện cho ồn ào. Hãy dồn sức để đưa du lịch Huế không thua kém Đà Nẵng, Quảng Bình đi mấy ôn ơi!