TTO - Phát biểu của đại diện Formosa “Bắt cá tôm hay nhà máy, chọn đi” gây bất bình trong dư luận.
Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân, cần đặt câu hỏi vì sao họ lại thách đố như thế? Xem ra họ nói cũng có cơ sở vì qua thông tin trên báo chí cho thấy vai trò của chính quyền trong giám sát môi trường quá mờ nhạt, thiếu chuyên nghiệp.
Quy trình kiểm tra chất thải có thể tóm lược như sau: “Formosa có trách nhiệm gửi thông số và mẫu về các nơi như Bộ Tài nguyên - môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh. Nếu các thông số và mẫu quan trắc có vấn đề thì cơ quan chức năng địa phương mới kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm” (Tuổi Trẻ ngày 26-4). Giả sử nếu doanh nghiệp đánh tráo nước thải bằng nước suối và trình cho các cơ quan chức năng để kiểm tra thì xem như không có gì xảy ra, trừ khi xảy ra sự cố môi trường.
Với quy trình kiểm tra theo kiểu tự thu thập mẫu và tự khai báo như thế, liệu chúng ta có thể yên tâm trước một Formosa vốn có “thành tích” trên toàn cầu trong... hủy hoại hành tinh?
Điều đáng nói là với những dự án lớn chắc chắn tác động đến môi trường, nhưng việc giám sát lại thụ động đến khó hiểu như vậy. Cần nhớ rằng theo thời gian các chứng cứ có thể... bốc hơi, đến lúc đó nhà đầu tư quay lại phản pháo thì không chừng Nhà nước phải quay sang... xin lỗi họ.
Xem ra kịch bản này không phải không có khả năng xảy ra với cách làm việc nghiệp dư của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương ở nước ta hiện nay.
Với cách quản lý như thế thì không khó hiểu khi nhà đầu tư thách thức mọi người phải lựa chọn: đánh đổi giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Nhưng nhà đầu tư đã nhầm.
Đây không phải là vấn đề của bộ đôi bất khả, chọn cái này phải mất cái kia, mà hoàn toàn là bộ đôi khả thi 2 trong 1: vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Muốn được như vậy thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề của chính quyền từ khâu tiếp nhận dự án, nhận diện nhà đầu tư đến giám sát và kiểm tra.
Với khâu giám sát và kiểm tra, nhiều người nói nếu đem tinh thần quyết liệt của các cơ quan công quyền trong vụ quán Xin Chào vào vụ xả nước thải của các doanh nghiệp làm ăn bất chính thì không gì qua mắt được chính quyền sở tại. Làm quyết liệt thế thì chẳng doanh nghiệp nào dám nghĩ đến chuyện đưa ra cho người dân lựa chọn: hoặc cá tôm hoặc nhà máy.
Nhưng họ dám nói như thế bởi họ biết hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các dự án khai thác tài nguyên, hiện đang gây tác hại tới môi trường ghê gớm vẫn được cấp phép. Họ dám nói vì họ biết ở một số địa phương giữa chủ trương và thực hiện luôn khác nhau.
Chính quyền thì luôn khẳng định không chấp nhận đánh đổi giữa thu hút đầu tư và hủy hoại môi trường, nhưng nhà đầu tư biết trong thực tế các bộ ngành và địa phương đang chạy đua, tranh nhau thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Với tư duy cứ thu hút đầu tư bằng mọi giá, trước mắt có chết ai đâu, còn quy trình kiểm tra xả thải thì lỏng lẻo, khó tránh khỏi chuyện nhà đầu tư chỉ vì lợi nhuận nghĩ đến trò đánh tráo nước thải thành nước suối nhưng vẫn vỗ ngực là đóng góp cho nền kinh tế và sự phồn vinh của Việt Nam.