Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Sửa chữa hay “thâu tóm” cầu Nhà nước?

Anh Trọng

TP - Chưa hết bức xúc trước việc cầu Việt Trì bị cấm ô tô qua lại, những ngày qua dư luận lại tỏ ra bất ngờ khi nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) lại được đề xuất tiếp quản cây cầu cũ. Dư luận cho rằng, cầu Việt Trì được xây dựng theo thiết kế lâu năm, nếu nói cầu yếu để cấm ô tô là không thuyết phục.

Cầu BOT thông xe, “khai tử” cầu Nhà nước

Sau gần 2 năm thi công, tháng 5/2015 dự án cầu BOT Hạc Trì (qua sông Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) chính thức thông xe. Tuy nhiên, do lưu lượng ô tô vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì (cầu đường bộ kết hợp với đường sắt, cách cầu BOT Hạc Trì vài trăm mét), dẫn đến cầu Hạc Trì “vắng” phương tiện qua lại.

Tháng 3/2016 (sau hơn 10 tháng thông xe), nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT phân luồng giao thông, giải quyết tình trạng trên. Đề xuất này nhanh chóng được Bộ GTVT - cơ quan phê duyệt dự án “thống nhất chủ trương” và giao cho Tổng Cục đường Bộ Việt Nam thực hiện.

Tại văn bản phân luồng số 841, ký ngày 11/4, lãnh đạo Tổng Cục đường Bộ Việt Nam quyết định: Tạm cấm toàn bộ ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì từ giữa tháng 4/2016. Lý do được Tổng Cục đường Bộ Việt Nam đưa ra, để đảm bảo an toàn cho cầu Việt Trì và giao thông cho khu vực. Sau khi có “lệnh cấm” trên, nhiều xe không chấp hành và vẫn đi trên cầu Việt Trì. 

Để ngăn triệt để, Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì đã cho đổ các trụ bê tông “bịt” hai đầu cầu khiến ô tô không thể lên cầu Việt Trì. Việc này, sau đó đã bị người tham gia giao thông tập trung phản đối, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam đã yêu cầu nhà đầu tư dỡ bỏ các trụ bê tông và xử phạt lỗi tự ý xây dựng trái phép công trình trên đất giao thông.

Từ đó đến nay, việc cấm ô tô qua cầu Việt Trì được thực hiện theo biển báo và hai bên đầu cầu đều có CSGT và Cảnh sát trật tự đứng chặn. Tuy nhiên, trước việc đang được đi cầu Nhà nước miễn phí, nay mỗi khi qua cầu lại phải trả phí từ 35.000 đến 180.000 đồng/lượt, nhiều người dân đã bức xúc, không đồng tình.

“Thâu tóm” cầu Nhà nước?

Cùng với việc cấm ô tô theo đề xuất của nhà thầu, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam cho biết vừa phối hợp để kiểm định lại cầu Việt Trì. Cụ thể, kết quả kiểm định này cho thấy, cầu Việt Trì không đảm bảo an toàn khi lưu thông với phương tiện hỗn hợp. Đặc biệt, mặt cầu bê tông làn đường bộ 2 bên cánh gà đã xuống cấp, cần tiến hành sửa chữa ngay. Cùng với đó, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam cũng đưa ra phương án, do nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn, Tổng cục đề xuất Bộ GTVT giao cho nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì tiến hành sửa chữa và thu phí BOT cả hai cầu.

Nhiều chuyên gia cầu đường sắt cho rằng, cầu Việt Trì được xây dựng năm 1995 theo thiết kế lâu năm. Công nghệ xây cầu Việt Trì được áp dụng giống công nghệ xây cầu Thăng Long và có tuổi thọ hàng trăm năm. Vật liệu chính của cầu là thép hợp kim hàn tán bu lông không gỉ. Chất liệu này vừa có tuổi thọ lâu vừa giúp cầu chịu tải và cường độ va đập lớn. 

Chưa cần tính đến ô tô, mỗi ngày cầu Việt Trì đang có hàng chục lượt tàu hoả qua lại, không thể nói là cầu yếu, xuống cấp được. “Nếu kiểm định và kết luận cầu Việt Trì yếu thì các cơ quan liên quan cần công khai, minh bạch các số liệu để nhân dân được biết”, giảng viên Phạm Văn Thi, Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT đề nghị.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cho biết, trước việc cầu Việt Trì có kết quả kiểm định xuống cấp, Sở đã đề nghị Bộ GTVT công khai kết quả kiểm định trên. Liên quan đến phương án tổ chức giao thông trong đó có cấm ô tô qua cầu Việt Trì, ông Đặng Trần Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ (nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Thọ) cho biết, thời điểm nhà đầu tư triển khai xây cầu Hạc Trì là dự án tách biệt.

Dự án này và việc tổ chức giao thông không liên quan đến cầu Việt Trì. Đây là cơ sở để địa phương và người dân không có ý kiến hay phản ứng khi nhà đầu tư làm cầu BOT. Việc nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan cắm biển cấm ô tô qua cầu Việt Trì là phương án mới về sau.

Như vậy dư luận có thể hiểu rằng, trước khi thực hiện dự án nhà đầu tư đã khảo sát, tính toán kỹ thực tế là lưu lượng giao thông tại vị trí xây cầu; theo quy định đầu tư, khi dự án đi vào hoạt động nhà đầu tư phải chấp nhận lưu lượng thực tế. Tuy nhiên, sau gần 1 năm cầu Hạc Trì được thông xe, dư luận bất ngờ khi ô tô bị cấm qua cầu Việt Trì và buộc phải sang cầu Hạc Trì. Phương án tổ chức giao thông này liệu có sòng phẳng? Ai sẽ hưởng lợi, ai sẽ chịu thiệt từ quyết định này? Theo các chuyên gia giao thông, đây thực chất là “bài” của các nhà đầu tư BOT “thâu tóm” các công trình Nhà nước và bắt người tham gia giao thông làm “con tin”.
***

Dự án cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) nằm trên QL2 bắc qua sông Lô được Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt năm 2013, thông xe tháng 5/2015. Dự án được thi công theo hình thức BOT với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. Liên danh nhà đầu tư, gồm Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - Cty TNHH Sản xuất thương mại DV Yên Khánh - Cty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (sau đó lập ra Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì) thực hiện dự án. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 18 năm 7 tháng.