Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Đăng hình dân sửa đường, bị thanh tra đến làm khó dễ?

HOÀNG LINH - TUẤN PHÙNG

TTO - Một người dân ở Lào Cai đưa lên mạng xã hội hình ảnh người dân sửa đường. Sau đó, một đoàn công tác đến hỏi động cơ sửa đường, vì sao đưa lên mạng... 

Theo nội dung này, đường quốc lộ 70 khu vục km 23-24 bị hư hỏng từ cả năm nay. Nhiều người gặp tai nạn do các ổ trâu, ổ gà trên đường. Có nhiều vụ “xe bay như phim hành động”. Tuy nhiên, qua gần hai năm đường không được sửa chữa.

Còn ai dám làm?

“Dân thấy đường hỏng lấy đá rồi cành cây bao tải che để người đi đường biết. Các bác bên cầu đường ra hốt lên. Dân hỏi thì bảo nếu không dọn sẽ bị khiển trách. Có hỏi sao không xử lý đi thì các bác nói chưa có kinh phí.”

Sau đó, người dân đã đứng ra tráng xi măng, sửa chữa đường

Bạn Vương Mạnh ở Bảo Thắng, Lào Cai đã đưa lên facebook hình ảnh đẹp của người dân kèm theo suy nghĩ của mình.

Không ngờ sau đó cả một đoàn cơ quan chức năng đã đến nhà người dân sửa đường truy hỏi động cơ vì sao tự ý sửa đường, vì sao đưa lên mạng, người phụ nữ trưởng đoàn trước khi về còn đe dọa: “Mai đưa công an vào anh tự chịu trách nhiệm!”.

Bạn Vương Mạnh nói : “Hành động đẹp còn bị hỏi thăm em tự hỏi mai ai dám làm những việc tốt như thế này nữa?”

Phải được cấp phép!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông  Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý- Bảo trì đường bộ,  đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 1 (đơn vị quản lý tuyến đường) báo cáo vụ việc, xác định rõ thanh tra viên đường bộ, người phụ nữ trong clip thuộc đơn vị nào.

Ông Điệp nhận định dù chưa nắm rõ sự việc nhưng thái độ cư xử  của thanh tra viên trong clip đăng trên mạng xã hội với người dân là không phù hợp. Đồng thời cho biết thêm sự việc đã được báo cáo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Về tính pháp lý của việc sửa chữa đường bộ, ông Điệp cho biết Luật giao thông đường bộ cũng như các nghị định, thông tư về  quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định hoạt động sửa chữa đường bộ phải được cấp phép và thực hiện bởi các đơn vị có chuyên môn.

Bởi vì mỗi loại mặt đường có cấp thiết kế và quy trình sửa chữa tương ứng với nguyên vật liệu phù hợp để đảm bảo ổn định lâu dài. Ngoài việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật còn phải đảm bảo an toàn giao thông cho cả người thực hiện sửa đường và cả người và phương tiện lưu thông, nhất là với đường đang khai thác.

Về quan điểm cá nhân, ông Điệp đánh giá cao hành động của người dân tự sửa đường  dù  không có quy định người dân được tự ý làm việc này. Với những hư hỏng bất thường, xảy ra tai nạn, ông Điệp đề nghị  người dân nên cảnh báo và  thông báo cơ quan quản lý đường bộ khắc phục.

Với thông tin người dân nói đường hỏng lâu rồi nhưng không thấy đơn vị quản lý đường sửa chữa nên dân tự sửa, ông Điệp cho biết đã yêu cầu đơn vị quản lý đường xác minh làm rõ.