Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Luật biểu tình lùi đến bao giờ?

LÊ KIÊN

TTO - Đó là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 26-7 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội. Vì vậy, câu hỏi nêu trên phải được trả lời rõ ràng, minh bạch.

Trước đó, giải trình vấn đề này trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói: “Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này”.

“Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình” - ông Định cho biết.

Không đồng tình với cách giải thích như vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng biểu tình không phải là vấn đề mới, bởi đã được quy định từ Hiến pháp 1946, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân.

“Trong nhiệm kỳ khóa XIII, khi Quốc hội đặt vấn đề xây dựng Luật biểu tình, đến nay chúng ta đã nhận diện được nhiều vấn đề liên quan đến nội dung dự luật này” - ông Nghĩa phân tích.

Từ phân tích đó, ông Nghĩa cho rằng xây dựng Luật biểu tình là không khó, bởi Hiến pháp đã quy định, Đảng đã có chủ trương, thế giới có nhiều kinh nghiệm. Xây dựng Luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

“Đề nghị đưa dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (cuối năm 2017), thông qua vào kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2018) để sớm trả món nợ Luật biểu tình cho dân” - ông Nghĩa đề nghị.

Ủng hộ phân tích của ông Nghĩa, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật này là gây khó cho Bộ Công an. “Tôi đề nghị giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ Công an chỉ tham gia phản biện” - ông Xuyền gợi ý.