Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Công an xã chỉ cần tốt nghiệp tiểu học: Quá dễ dãi...

Hà Đông

Đất Việt - Các ĐBQH cho rằng quy định trình độ của công an xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ cần tốt nghiệp tiểu học là dễ dãi, phải xem xét lại.

Mối lo oan sai

Mấy ngày qua, dư luận đang xôn xao trước Dự thảo Luật Công an xã vừa được Bộ Tư pháp họp thẩm định.

Điều gây tranh cãi nhiều nhất là quy định: Trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên; Công an viên phải là người đã tốt nghiệp THCS trở lên.

Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có đối tượng tuyển chọn đủ tiêu chuẩn học vấn như trên thì trình độ học vấn của trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp tiểu học.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng khẳng định cần phải xem xét lại quy định trên.

Theo Đại tá Hồng, công an xã là lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ người dân tại địa phương. Với trình độ tiểu học thì chắc chắn đội ngũ trên không có chuyên môn để giải quyết các vấn đề xảy ra trên địa bàn, có thể dẫn đến oan sai.

“Như ở Cao Bằng là đang phải đào tạo công an xã trình độ trung cấp về chuyên môn, ít nhất là lớp 12. Chứ không có chuyện trình độ THCS, tiểu học gì cả. Việc này cần phải xem lại”, Đại tá Hồng khẳng định.

Trước đề xuất này, cộng với đề xuất lực lượng công an xã được tăng thêm nhiều quyền hạn theo dự thảo Luật Công an xã mới như: quyền được huy động tài sản, quyền điều tra ban đầu, bà Trần Thị Quốc Khánh – ĐBQH Hà Nội bày tỏ nhiều băn khoăn.

Nữ ĐBQH đặt nghi vấn: “Tôi rất lo lắng khi biết thông tin này. Hiện nay luật của chúng ta đã quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân và đưa vào một trong những quy định rất quan trọng của hiến pháp.

Trong khi đấy tất cả các ngành, các cơ quan tố tụng từ trước đến nay, đã và đang được nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Làm việc ở trong những ngành này tôi cho rằng ít nhất là phải có trình độ mặt bằng chung là đại học.

Nếu chúng ta lấy trình độ công an xã là tiểu học thì bất cập lắm, sẽ dẫn đến những vấn đề oan sai, xâm phạm quyền con người, quyền công dân nhiều hơn khi trình độ của lực lượng này không có”.

Nữ ĐBQH Hà Nội cũng đặt câu hỏi về việc các cơ quan chức năng chấp nhận hạ chuẩn trình độ học vấn và giải thích rằng sẽ khó thu hút quần chúng tham gia vào lực lượng công an xã vì phụ cấp thấp, không đảm bảo cuộc sống.

“Tôi cho rằng lý giải như thế là không hợp lý. Lực lượng công an xã là lực lượng bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân thế mà bây giờ lại hạ chuẩn. Liệu rằng việc này có phải để thuận tiện để lấy con ông cháu cha vào lực lượng hay không? Ngay cả con em đồng bào dân tộc tại địa phương họ đi học cũng đầy ra. Hạ chuẩn có nhất thiết và cần thiết phải thế không?

Tại sao lực lượng đông đảo sinh viên đại học tốt nghiệp ở mọi miền đất nước của Tổ Quốc mình không đưa ra thành một cơ chế để mọi người thi tuyển đi.

Tuyển họ đưa họ về những vùng đấy. Chắc chắn rất nhiều sinh viên vẫn mong muốn nếu được thi tuyển họ sẽ sẵn sàng về nhận chức vụ đó ngay”, bà Khánh nhấn mạnh.

Nhiệt tình và uy tín đã đủ?

Đồng tình với quan điểm của bà Khánh, ông Nguyễn Tấn Tuân, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định cần phải rạch ròi về luật pháp, không thể có chế độ riêng cho lực lượng công an xã ở bất cứ địa bàn nào trên cả nước.

Theo ông Tuân, những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thì lực lượng công an xã không chỉ bảo vệ nhà nước, nhân dân mà còn là người tuyên truyền, giải thích các chính sách pháp luật của nhà nước. Vì vậy với trình độ tốt nghiệp tiểu học, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng điều này là dễ dãi và không phù hợp.

“Theo tôi, quan trọng là phải có kiến thức pháp luật, không phân biệt vùng núi, đồng bằng tại vì chính sách như nhau, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật là một, làm gì có pháp luật ở miền núi khác, ở đồng bằng khác. Người thực thi pháp luật phải thực hiện đúng chức trách của mình”, ông Tuân khẳng định.

Ông Tuân cũng cho rằng không thể lấy sự nhiệt tình và chọn những người có uy tín tại địa phương mà bỏ qua trình độ học vấn, nghiệp vụ để tuyển làm công an xã. Việc hạ chuẩn các quy định với cán bộ tại các địa bàn này là hết sức nguy hiểm vì chúng ta đã có nhiều bài học từ sự yếu kém về năng lực của công an xã.

“Tôi thấy những người làm luật đang cho rằng với những địa bàn xa xôi, khó khăn, chỉ cần có những người có uy tín và nhiệt tình thôi. Nhưng chỉ có uy tín và nhiệt tình không mà không nắm bắt pháp luật thì có thể vi phạm phát luật như: bắt người, giữ người, sử dụng vũ khí phòng vệ không đúng pháp luật...

Rất nhiều nơi công an xã do trình độ nhận thức yếu kém đã lộng quyền, lạm quyền. Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta hạ chuẩn công an xã”, ông Tuân nhấn mạnh.

Giải pháp là...

Với những lo ngại trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần thận trọng, xem xét lại đề xuất trên một các kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

“Tôi đề nghị Bộ tư pháp, Bộ nội vụ phải có ý kiến thật mạnh mẽ về vấn đề này. Bộ máy công chức của chúng ta tăng lên rất nhiều mà chất lượng lại không đảm bảo như thế thì đến bao giờ mới cải thiện được trình độ phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là nâng cao trình độ của công an xã ở địa phương.

Tại sao lực lượng đông đảo sinh viên đại học tốt nghiệp ở mọi miền đất nước của Tổ Quốc chúng ta không đưa ra thành một cơ chế để mọi người thi tuyển đi.

Tuyển những người có năng lực đưa họ về những vùng đấy nhận nhiệm vụ. Chắc chắn rất nhiều sinh viên có nguyện vọng này và sẽ sẵn sàng về vùng sâu, vùng xa, miền núi nhận chức vụ đó”, bà Khánh nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, với những địa bàn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao thì không nhất thiết phải có công an viên. Thay vào đó có thể là lực lượng trưởng, phó công an xã và đội tự vệ quần chúng.

“Chúng ta cũng có thể luân chuyển cán bộ từ nơi này đến nơi khác, đưa cán bộ về đồng bằng, thành thị về công tác tại miền núi. Nhiều năm nay, các cơ quan, ban ngành đã thực hiện như vậy rồi. Tôi khẳng định lại rằng, công an xã phải có trình độ nhất định mới hiểu được luật, mới điều hành và giữ an ninh trật tự được”, ông Tuân nhấn mạnh.