Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Âm mưu ‘rừng vàng biển bạc’ của Formosa

Bảo Trang

Người Đưa Tin - Việc Formosa chôn chất thải rắn trong trang trại của Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến người dân một lần nữa hối hận về sự bao dung của mình.

Vào ngày 29/6, bảy đại diện của công ty gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHT) đã cúi đầu nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa hẹn sẽ khắc phục, “thay đổi” để chuộc lại lỗi lầm của mình gây ra cho vùng biển miền Trung, một lần nữa tạo dựng niềm tin với người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Và FHT đã làm như thế, họ đã “thay đổi” thật sự...

Ngày 11/7, theo báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc bớt tốn kém hơn mà không thông qua các cơ quan chức năng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cho đến sáng ngày 12/7, chúng ta lại phải ghi nhận sự thay đổi nữa của Formosa – đó là thay đổi về công nghệ xử lý rác thải. Trong khi tất cả chúng ta đều hướng đến sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì FHT cùng Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh lại lội ngược dòng phát triển, bám theo đường biên của sự lạc hậu để “chôn” hết rác thải công nghiệp xuống trang trại của Giám đốc công ty môi trường.

Đúng là bất ngờ nối tiếp những bất ngờ. Các cấp lãnh đạo của FHT vừa dứt lời xin lỗi, cam kết sẽ “nỗ lực tối đa để giải quyết sự cố” về môi trường, vậy mà chưa đầy 2 tuần sau, FHT đã dùng hành động để phủ nhận tất cả sự “chân thành từ trái tim” của mình đồng thời đổ 100 tấn rác thải độc hại vào niềm tin và sự bao dung của người dân Việt.

Nhưng có lẽ, sự việc đó cũng không “sốc” bằng hành động và thái độ của những vị cán bộ chịu trách nhiệm về môi trường trong sự việc này. Có lẽ, chính họ đang từng ngày gián tiếp biến đất nước của mình trở nên “trù phú” như đúng câu nói “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.

Vùng biển miền Trung đã bạc – bạc thực sự, đó là màu bạc thếch của hải sản chết trương do nhiễm độc, là sự bạc trắng của những mái đầu, con mắt ngóng trông của bao ngư dân ven biển... Tất cả đều “nhờ” sự góp mặt của FHT.

Còn nói đến “rừng vàng” thì có lẽ đầu tiên, chúng ta phải “cảm ơn” “tấm lòng” của vị Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh. Bởi có mấy ai chấp nhận hi sinh cả khu trang trại của mình để làm nơi đổ rác thải của người khác – nhất là rác thải công nghiệp độc hại.

Chẳng biết những ngày mưa bão, thiên tai, mảnh đất Kỳ Anh nói riêng hay khúc ruột miền Trung rồi sẽ ra sao? 100 tấn rác thải, hóa chất sẽ hòa chung dòng nước lũ, ngấm vào từng thớ đất, từng mạch nước ngầm của người dân... Rồi tất cả màu xanh tươi mát sẽ thay thế bằng sắc vàng vọt, yếu đuối của sự điêu tàn, chết chóc.

Tuy nhiên, không chỉ có ông Giám đốc trên là người “khó hiểu” trong sự việc này, vị Phó tổng tư lệnh ngành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng có lối ứng xử rất... kì lạ.

Ngay sau khi nắm được thông tin, phóng viên (PV) báo Người đưa tin đã lập tức liên hệ với Thứ trưởng, nhưng trái ngược hẳn với những gì PV mong đợi, sự sốt sắng, lo lắng, trách nhiệm của vị lãnh đạo ngành môi trường đã thay bằng thái độ thờ ơ cùng lời đe dọa đề nghị rút thẻ nhà báo của PV thực hiện. Thực không hiểu đâu là “động cơ” khiến Thứ trưởng lại tức giận như vậy!

Nhưng may mắn sao, đó chỉ là phút nhất thời của vị Phó tổng tư lệnh ngành. Ngay sau khi thông tin được xác minh, Thứ trưởng đã có thiện chí liên lạc lại với phóng viên xác nhận vấn đề.

Thế mới thấy, nếu cán bộ môi trường nào cũng có “tấm lòng” bao đồng như vị Giám đốc nói trên hay bất cứ PV nào dám dấn thân, đưa những sự việc ra ánh sáng cũng bị đe dọa tước quyền hành nghề thì thảm họa “rừng vàng” cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vàng, bạc hay gang thép đều là những thứ không thể ăn được. Và chúng tôi – những người dân Việt Nam không chọn vàng, không chọn bạc, cũng không chọn gang thép. Chúng tôi chọn sự trong sạch!