Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

40 năm, nhân tài nhan nhản, vẫn phải… ‘đốt đuốc’

Nguyễn Minh Nhị

VNN - Chỉ có thể “xé rào”, không chạy theo con đường mòn quanh ao làng mới thoát được nạn… ốc bươu vàng đang đầy mặt ao.     

“Sốc”, “phá rào”, “chưa có trong các quy định hiện hành”, “không ngại va chạm”, “chấp nhận chịu đau”, “chia lửa”... là những cụm từ xuất hiện trong các phát biểu tại buổi họp kéo dài 03 giờ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 24/6. (VietNamnet ngày 25/6).

"Đốt đuốc cứu học"

Người viết bài này tự thấy chưa có tới mảnh bằng lận lưng để “dám” lạc vào “rừng nho biển thánh”. Nhưng từ 40 năm nay toàn ngành GD&ĐT, với bao nhiêu nhân tài học hàm học vị cao chót vót mà vẫn trong tình trạng “đốt đuốc cứu học”, tôi ngộ ra rằng vấn đề rất không đơn giản.

Là công dân một quốc gia văn hiến, từng có trường đại học cách nay ngót ngàn năm, ai không khỏi bận tâm. Tôi thử tiếp cận vấn đề ở một hướng khác để tự tìm lời giải cho mình và nếu được cũng xem như một đề xuất nhỏ.

Cách đây 10 năm, Nghị quyết Hội nghị TW II khóa VIII trong định hướng giáo dục đã khẳng định rõ ràng:         

Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư phát triển. Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với GD&ĐT, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương. Có các giải pháp mạnh mẽ để phát triển GD.

Từ đường lối đúng đắn ấy, các vị lãnh đạo từng dày dạn với “sự nghiệp trồng người”, qua các thời kỳ, với biết bao tâm huyết và luôn luôn tìm tòi phương cách mới để đưa GD tiến lên hàng quốc sách như xây dựng các loại hình đào tạo: Phổ thông, bổ túc, tại chức, vừa học vừa làm; đề ra nhiều phương châm, phương pháp GD. Về chính sách thì từ quan tâm con em công –nông, con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, thậm chí cộng thêm điểm cho con em và cả thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng (!)

Vậy mà qua 04 thập niên, GD&ĐT nay vẫn như gà mắc tóc: Các trường dạy nghề nay thuộc Bộ GD, mai thuộc Bộ Lao động. Hàng ngàn hàng vạn sinh viên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ không có việc làm hoặc nếu có đi làm thì nơi tuyển dụng cũng phải đào tạo lại, trong khi các cơ sở tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỷ thuật thiếu người trầm trọng.

Từ thực trạng GD như vừa liệt kê (chưa đủ) nhưng nó đã phục vụ cho sự nghiệp “công nghiệp hóa” và cho ra con người mới XHCN như thế nào ta đều thấy rõ hàng ngày trên mặt báo – mặt bất cập nhiều hơn!

Thực trạng này làm khổ tâm các cán bộ ngành GD lâu nay, và là nỗi ưu tư triền miên của không biết bao người có tâm với nước. Điều đó thể hiện bức xúc ngay trong buổi họp báo chiều ngày 24/6 giữa Bộ GD&ĐT, với UBND tỉnh Hà Tĩnh mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tỏ ra thông hiểu và sẵn sàng chia lửa với những người tâm huyết: Các vấn đề mà Hà Tĩnh đặt ra, ở các ngành khác làm lâu rồi, nhưng ở GD không ai dám làm. Bởi vậy, ai mạnh dạn “phá rào”, tôi hoan nghênh và “chia lửa” với các đồng chí.

Thỏ và Ốc

Đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có nuôi cặp thỏ, thấy nó không uống nước, tôi hỏi và được người lớn kể cho nghe câu chuyện “đời xưa”:

Số là Thỏ hay xuống ao uống ước hàng ngày, một hôm Thỏ gặp con Ốc to lềnh bềnh trên mặt nước. Ốc nói: “Ao nầy của tôi sao anh cứ xuống đây uống nước?”. Cãi nhau một lúc, Thỏ nảy ra ý thách Ốc thi chạy: “Nếu thua Ốc, từ nay tôi sẽ không uống nước nữa”. Và Ốc ra điều kiện trước: “Thỏ chạy quanh ao, khi nào kêu tên mà tôi không lên tiếng thì là tôi thua và ngược lại”.

Thỏ cầm chắc thắng, cong lưng chạy quanh bờ ao khá rộng, thấy chừng đã xa, dừng lại kêu: “Ốc ơi!”, Ốc liền “Ơi!”. Chạy một hồi nữa cũng lại kêu “Ốc ơi!” và Ốc lại “Ơi!”. Chạy mệt nhừ ra mà không ra khỏi tiếng Ốc: “Ơi!”. Vì Ốc có khắp mặt ao mà Thỏ tưởng chỉ có một con, nên Thỏ bị thua. Từ đó Thỏ không bao giờ uống nước.  

Từ câu chuyện như ngụ ngôn vừa kể, vận vào việc lúng túng tìm đường cho sự học tiến lên kịp thời đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội IV Đại hội VIII của Đảng, chỉ có thể “xé rào”, không chạy theo con đường mòn quanh ao làng mới thoát được nạn… ốc bươu vàng đang đầy mặt ao.

Và tôi rất hoan nghênh nếu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dũng cảm ủng hộ GD xé rào thoát vòng luẩn quẩn.