VNN - Ở tầm vĩ mô, kiểm soát quyền lực còn bất cập, non yếu. Ở tầm vi mô, quyền lực lại cố tình “bất lực”, chỉ vì những lực đẩy của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Nội lực nước Việt, trong trang sử hiện tại này- sẽ được viết ra sao.
Những ngày qua, dư luận XH, các cơ quan báo chí truyền thông tập trung bàn luận ồn ào vụ chương trình “60 phút mở” của VTV, để rồi nhanh chóng thành 60 phút… đóng, mà có phần ít bàn luận về một sự kiện, người viết cho rằng rất đáng chú ý. Đáng chú ý vì những lời nói thẳng, nói thật của người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Hội nghị Dân vận toàn quốc mới đây, tổ chức ngày 27/5. Hay bởi từ lâu, họ đã có quá nhiều niềm đau?
“Những ông vua con”?
Đó là những lời gan ruột, đau xót và đắng lòng của Tổng Bí thư Đảng, khi ông thẳng thắn thừa nhận trong lĩnh vực dân vận, không ít cán bộ cửa quyền, hách dịch, ăn chặn, vòi vĩnh, giữ tác phong quan cách như “ông vua con”. Hiện tượng cán bộ thoái hóa, biến chất ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng là để mưu cầu danh lợi…
Có thể nói, đó là những dấu hiệu nguy hiểm cho một tổ chức chính trị nói riêng, một nền quản trị quốc gia nói chung.
Bởi ông cũng quá hiểu trong quá khứ, lịch sử đầy biến thiên của các vương triều phong kiến cổ đại, cận đại đã cho thấy sự hưng thịnh, hay suy vong của các vương triều đều gắn liền với chữ vì dân, gần dân hay ngược lại, không vì dân, xa dân. Khi ông dẫn chứng, ngay từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc…, đã tổng kết “như thần”:
Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại.
Còn ở triều Hậu Trần, sự suy vong do vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh". Ở thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, vì “chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận”.
Và ông nhắc lại bài học sâu sắc mà Nguyễn Trãi đã khẳng định, cũng là để nhắc nhở những “công bộc” hôm nay- thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước.
Nhưng cũng không chỉ có quá khứ mới có những điều “để đến nỗi lòng dân oán giận”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng thẳng thắn và lo âu thừa nhận hiện tại, đối với một đảng cầm quyền, một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng.
Khi mà một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh (Dân trí, ngày 27/5).
Thật ra, trong quá khứ không xa, năm 1945, ngay khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa trông rộng, đã dự báo:
Tham ô, lãng phí, quan liêu là ''giặc nội xâm'', là kẻ thù của nhân dân, gây lên những hậu quả khôn lường cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội…'Những người lãnh đạo chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xin báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn vì những người và cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu, thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng. Muốn trừ sạch tham ô, lãng phí thì phải tẩy sạch bệnh quan liêu" (Báo điện tử ĐCSVN, ngày 07/10/2015).
71 năm qua, đất nước đã độc lập, tự do, trong đó có 30 năm nước Việt đổi mới, vận hành để hội nhập hiện đại hướng tới những giá trị văn minh. Cho dù có những thành quả, những kết quả, từ nước nghèo nàn lạc hậu, sang một quốc gia có thu nhập trung bình, vậy nhưng vì sao, những bài học đau xót về sự quan liêu, tham nhũng xa xưa mà người đứng đầu đất nước thuở hàn vi dự báo vẫn cứ còn nguyên giá trị, vẫn cứ nóng hổi tính thời sự?
Hơn thế nữa, tính chất tha hóa, suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong nền kinh tế thị trường còn có chiều hướng trầm trọng, khi Tổng Bí thư đã phải thẳng thắn nhìn nhận? Vì sao, sự “suy thoái” đó không … suy, cho dù qua nhiều phong trào chấn chỉnh đạo đức, phẩm cách cán bộ, đảng viên?
Nguyên nhân của những suy thoái đó là ở đâu, nếu không phải là ở nền quản trị QG của VN còn khiếm khuyết, thiếu công khai minh bạch đã đành, trong khi pháp luật lại “duy tình”, “cầm tay chỉ việc”, mà quan trọng hơn, nền quản trị QG đó đang rất thiếu sự kiểm soát quyền lực. Chính sự thiếu kiểm soát quyền lực dẫn đến rất nhiều hệ lụy mà XH đang phải đối mặt
Khiến cho “những ông vua” cứ dọc ngang trời đất trên đầu có ai?
Người viết bỗng nhớ đến câu chuyện so sánh hai thể chế- Đức quốc xã những năm 30, đã suy vi không tránh khỏi chỉ vì đời sống dân chủ của con người bị tước đoạt không thương tiếc; và nước Mỹ non trẻ của những năm 1787, hơn 200 năm trước đây, có những người con ưu tú nhất của thời điểm đó đã tranh luận gay gắt, căng thẳng suốt mấy tháng trời chỉ để ra được cơ chế kiểm soát quyền lực.
Sự hưng vong của hai thể chế như hai tấm gương phản chiếu sức mạnh của kiểm soát quyền lực, hoặc ngược lại, sức mạnh của độc tài tàn bạo.
Nhân gian nói cấm có sai: Gieo nhân nào- gặt quả nấy.
Đồng tiền “của người phúc ta”
Phải nói thẳng, niềm tin người dân nước Việt những năm tháng này bị tổn thương rất nặng. Có một đặc điểm tâm lý rất khác biệt, giặc ngoại xâm khiến cộng đồng người Việt cấu kết, đoàn kết, nhưng “giặc nội xâm” lại khiến lòng người… phân ly bởi sự hoài nghi và mất mát chữ “tín”.
Cũng vì thế, tại hội nghị dân vận, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng đã phải lưu í có 03 vấn đề cần quan tâm, mà xem ra, vấn đề nào không quan trọng: Chăm lo đời sống, hạnh phúc nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; và kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, khắc phục hiện tượng tha hóa lối sống của cán bộ, đảng viên.
Nhưng đời sống, hạnh phúc của nhân dân sẽ cao thế nào nếu như trách nhiệm quản lý, năng lực quản lý của bộ máy “công bộc” của dân trước đồng tiền tỷ- cũng là tiền thuế của dân, quá… thấp?
Dưới đầu đề “Sai phạm gần nghìn tỷ: Tiền đi vay, tiêu vung tay”, báo VietNamNet, ngày 27/5 cho biết, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi TTCP về kết quả kiểm toán chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu CP năm 2014. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm, những lãng phí, đội vốn đầu tư khó hiểu.
Sự sai phạm thật… trăm hoa đua nở.
Tỷ như dự án đã hoàn thành và không có nhu cầu vốn nhưng vẫn nằm trong danh sách nhận vốn trái phiếu CP, dẫn đến hệ lụy không thể nào giải ngân được. Thậm chí, dự án đã được bố trí đủ vốn vẫn tiếp tục được “rót” thêm, hệt như kẻ tham ăn, no bụng đói con mắt.
Tỷ như dù là trái phiếu CP nhưng nhiều dự án “vung tay” chi tiền hơn cả tổng mức đầu tư được duyệt, theo kiểu bóc ngắn cắn dài.
Tỷ như nhiều địa phương khi báo cáo để xin vốn trái phiếu CP, lại thường… đãng trí, quên không nhắc gì tới số vốn trái phiếu CP đã phân bổ hàng năm.
Tỷ như nhiều địa phương lại lấy vốn trái phiếu CP thanh toán cho những dự án không được phép sử dụng vốn vay này, lộn sòng của người phúc ta.
Rút cục, số tiền chi sai phạm không hề nhỏ, hơn 800 tỷ đồng.
Và đứng đầu các bộ, ngành, địa phương xảy ra vi phạm nhiều nhất trong việc sử dụng vốn trái phiếu CP, phải kể đến: Bộ Quốc phòng (gần 117 tỷ đồng), Kiên Giang (hơn 100 tỷ), Điện Biên (56 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải (47 tỷ đồng), Hậu Giang (41 tỷ đồng)…
Cũng bài báo này cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn trái phiếu CP khá lớn, tới hơn 5000 tỷ đồng, mới ở 40/60 bộ, ngành, địa phương được kiểm toán (tính đến 31/1/2015).
“Cơ sở thực tiễn” của sự sai phạm và cố tình sai phạm trong việc sử dụng trái phiếu CP này là gì, nếu không phải là tâm lý tiền chùa?
Thứ tiền chùa mà không phải tiền chùa, mà vẫn là tiền chùa!
Cùng với vô vàn hiện tượng, vụ việc “tham nhũng ổn định” khác, làm sao niềm tin của người dân không… thất thoát?
Cố tình “bất lực”?
Bất lực là một khái niệm ám chỉ sự yếu kém, non kém. Về tâm lý, hẳn chả người nào cho đến bộ máy chính quyền nào muốn nhận được hai chữ đáng hổ thẹn đó.
Thế nhưng người viết tin rằng, trong cái thời buổi kim tiền này, có những nơi chính quyền cơ sở cố tình… “bất lực”. Vì sao?
Xin hãy đọc báo GDVN, ngày 31/5, với đầu đề: Chính quyền "bất lực" để doanh nghiệp hútcát, nguy cơ sạt lở đôi bờ sông Hồng. Chính quyền ở đây là một loạt các phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), Bồ Đề, Long Biên (Long Biên) thuộc Thủ đô HN, nơi có con sông Hồng lụa là chạy qua.
Nhưng những gì đang diễn ra ở đó chẳng hề lụa là. Mà rất ‘giang hồ”.
Bởi theo bài báo, tình trạng khai thác, tận thu khoáng sản (cát) trên sông Hồng tràn lan, hết sức phức tạp, nhân danh thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia của Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác và Phát triển khoáng sản Sông Hồng (Cty khoáng sản Sông Hồng). Kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn huy động của DN, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Có lẽ, chính vì không sử dụng vốn của nhà nước, nên sự tận thu sản phẩm của DN này rất… tận thu.
Từ lâu, ai cũng biết, hạt cát tuy rất bé nhỏ nhưng là mối lợi lớn béo bở với không ít các DN. Nên nhớ, ngay cả dự án sông Hồng cách đây ít lâu bị TTCP bác bỏ cũng đã được các nhà khoa học chỉ ra, trong dự án đó có một mối lợi “ngầm”cực kỳ lớn là độc quyền khai thác cát sông Hồng.
Sự tận thu dã man và bất chấp đến nỗi, xuất hiện một số điểm sạt lở bờ sông. Thậm chí có những đoạn sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi cả cây cối hoa màu của người dân.
Cũng theo báo GDVN, theo quy định, chỉ được phép có 03 tàu nạo vét, nhưng thực tế thường xuyên có có tới 10 tàu (01 tàu cuốc, 09 tàu hút cát) hoạt động hết công suất, mã lực, như chưa có bao giờ đẹp như hôm nay.
Thật ra, hiện tượng khai thác cát ngang nhiên vi phạm luật đến mức độ lâu nay được người dân khái quát bằng hai từ “cát tặc” là hiện tượng nhức nhối diễn ra ở bất cứ địa phương nào có sông nước chảy qua. Quảng Bình, Hưng Yên… nay là Hà Nội. Trước đó, tháng 04, người dân các xã Phương Độ, Vân Nam, Vân Hà (Phúc Thọ- Hà Nội) đã rất bức xúc trước hiện tượng “cát tặc” lộng hành ở địa phương họ.
Tuy nhiên khác với nỗi bức xúc của người dân, c/q các xã như ở Phương Độ, ông chủ tịch xã hoàn toàn phủ nhận không thấy gì. Chả lẽ cùng một hiện tượng, mắt người dân thấy rõ mồn một, mà mắt ông chủ tịch xã Phương Độ lại… kém đến thế? Còn ông Chủ tịch UBND xã Vân Hà thừa nhận, đã nhiều lần cơ quan chức năng huyện về phối hợp với địa phương vây bắt nhưng thực trạng vẫn không hề giảm. Báo GDVN đã đặt câu hỏi to tướng: Ai đang bảo kê cho tình trạng "cát tặc" lộng hành tại Phúc Thọ, Hà Nội? (ngày 20/4)
Xin đừng cho rằng c/q địa phương các cơ sở buông lỏng quản lý. Trái lại. Họ nắm rất chặt, nhưng là nắm rất chặt không cho chúng nó thoát những địa thế, những khu vực sinh lợi. Chỉ có điều, họ buông lỏng trách nhiệm và lương tâm theo những con tàu… hút cát ngoài sông thôi.
Còn trong vụ việc ở các phường Chương Dương, Bồ Đề, Long Biên mới đây, hãy nghe ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng Cục đường thủy nội địa VN- Bộ Giao thông Vận tải) chỉ ra cái “lỗ hổng” ở cơ sở nó hổng ra sao:
Dự án thực hiện việc nạo vét đường thủy nội địa rất ít. Còn tại địa phương các địa phương cấp quyền khai thác mỏ với số lượng lớn. Số lượng mỏ do địa phương cấp chính là “lỗ hổng” cho một số đối tượng thực hiện khai thác cát trái phép và khi cấp như vậy, việc chồng chéo lên nhau là không tránh khỏi, thậm chí có địa phương lại cấp chồng lên những vị trí mà dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa đang thực hiện mà không hề báo cáo lên cục.
Như vậy c/q cơ sở bất lực hay cố tình “bất lực” khi để cho tình trạng “cát tặc” hoành hành? Chắc chắn, chỉ có họ mới hiểu.
Ở tầm vĩ mô, kiểm soát quyền lực còn bất cập, non yếu. Ở tầm vi mô, quyền lực lại cố tình “bất lực”, chỉ vì những lực đẩy của lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Nội lực nước Việt, trong trang sử hiện tại này- sẽ được viết ra sao?