Người Đưa Tin - Nếu như có ai hỏi tôi rằng tôi tự hào về điều gì nhất thì có lẽ trong chưa đầy một nốt nhạc, tôi sẽ đưa câu trả lời: Tôi tự hào về gia thế của tôi!
Cặn kẽ hơn, tôi chính là đối tượng mà các bạn nhắc đến với thái độ gay gắt trong thời gian vừa qua: “Con ông cháu cha” (COCC).
Và đương nhiên, với một người có nhiều việc để làm, nhiều thứ để quan tâm, nhiều thú vui để giải trí như tôi thì tôi cũng chẳng rảnh để ngồi gõ lạch cạch, biên bức thư này gửi đến các bạn. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Một khi các bạn đã đụng chạm đến danh dự, quyền lợi của chúng tôi thì tôi đành phải bỏ chút thời giờ vàng ngọc của mình để “minh oan” cho bản thân và “giai cấp” mình.
Các bạn biết không, phong trào “dẹp nạn con ông cháu cha” mà các bạn đang nhiệt tình tham gia chẳng khác nào câu chuyện “đấu tố địa chủ” những năm 50 của thế kỉ trước. Hậu quả nặng nề của việc “đấu tố” để lại như thế nào chắc các bạn – những người ngày đêm chăm chỉ học tập, rèn luyện, trau dồi tri thức, “đi lên bằng đôi bàn chân của mình” phải biết rõ hơn ai cả.
Có lẽ tôi chỉ cần đưa ra sự so sánh “nho nhỏ” như vậy, các bạn đã phần nào hình dung ra được nguyên nhân tại sao các bạn – những người không phải COCC mang thái độ bất mãn thời cuộc luôn luôn chỉ đứng sau lưng chúng tôi. Bởi các bạn vừa không có nền tảng vững chãi, vừa không có bước đệm hơn người mà lại luôn phí phạm quỹ thời gian của mình cho việc “dìm” và “bắt lỗi” cá nhân khác.
Sau ngót ba chục năm sống trên đời, kinh nghiệm lăn lộn thương trường gần chục năm, tôi – một người khá thành đạt đã đúc rút ra những yếu tố căn bản để trở thành người có tài, có tầm trong xã hội. Đó là: Gen di truyền, môi trường đào tạo và những mối quan hệ.
Thứ nhất, nói về gen, khoa học đã chứng minh con cái thừa hưởng đến 80% những đặc điểm từ bố mẹ. Mà đã là “COCC” thì đương nhiên, những thế hệ tiền nhiệm, thế hệ ông cha luôn là những người có “vai vế”, có tiếng nói trong xã hội. Chẳng tự dưng một người ngớ ngẩn, bình thường lại có thể gây dựng, giữ gìn được cơ đồ của mình đến những đời kế nhiệm đâu! Chỉ có thể khẳng định là họ giỏi, giỏi thực mà thôi!
Đó là trường hợp mà những COCC có gen xuất chúng - một trong số đó chính là trường hợp của tôi. Và với tư cách là một người luôn có cái nhìn toàn diện, tôi xin phép lật ngược lại vấn đề để các bạn hết thắc mắc.
Chắc chắn nhiều bạn sẽ có băn khoăn rằng vậy sao nhiều người không giỏi về chuyên môn mà vẫn vững chân ở những vị trí khá "chiến lược". Xin thưa với các bạn rằng, nếu như “thông minh họ có hạn” thì đương nhiên “thủ đoạn họ phải có thừa”. Mà “thủ đoạn” cũng chính là một khía cạnh khác của khái niệm “giỏi” đó.
Thứ hai, nói về môi trường đào tạo, một gia đình mà kinh tế bình thường, một gia đình mà ăn bữa nay, lo bữa mai, “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì làm sao dám đổ tiền cho con cháu học tập ở những môi trường tiên tiến và đắt đỏ?
Điều đó tôi dám khẳng định bởi tôi là người từng trải. Tôi đã từng chứng kiến bạn bè đồng trang lứa vì nền tảng gia đình, điều kiện kinh tế kém cỏi hơn tôi nên chỉ dừng chân ở những trường “làng nhàng”, sáng đến trường học, chiều cắp cặp về.
Còn tôi thì ngược lại, tôi không những được học ở những trường quốc tế có cơ sở vật chất thuộc hàng 5 sao, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng truyền dạy thuộc top đầu của cả thành phố mà ngoài giờ lên lớp, tôi còn được bố mẹ đầu tư hàng trăm triệu để học tiếng Anh và những lớp kĩ năng mềm đầy bổ ích. Chính vì thế, tôi luôn nổi bật trong một đám đông bởi tôi vừa giỏi kiến thức chuyên môn, vừa tự tin, lại luôn được lòng những xung quanh bởi tôi rất “biết điều” và khéo léo trong giao tiếp.
Thứ ba, những mối quan hệ cũng là yếu tố rất quan trọng, thậm chí là “bước ngoặt” giúp chúng ta thay đổi cuộc đời. Các bạn đều là người trưởng thành và phải đương đầu với cuộc sống, hơn ai hết các bạn hiểu rõ sức mạnh của những mối quan hệ ghê gớm đến nhường nào. Đôi khi tiền không thể giải quyết được vấn đề, nhưng “quan hệ” thì khác. Thế mới có câu: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Đương nhiên, nếu các bạn là COCC, các bạn sẽ được thừa hưởng những mối quan hệ sẵn có từ bố mẹ và những định hướng từ họ. Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu!
Vậy, chúng tôi có điều gì không xứng đáng khi được “cất nhắc” ở những vị trí cao? Chúng tôi là “vấn nạn” hay sao mà phải “dẹp”. Phải chăng các bạn đang học tập những con cua trong chậu, một con leo lên thì những con khác ngay lập tức kéo xuống?
Làm ơn hãy sống thật một chút đi, các bạn luôn lên án chúng tôi nhưng có bao giờ trong đầu các bạn đang bất mãn với chính hoàn cảnh của mình và ao ước có một cuộc sống nhung lụa và tài giỏi như chúng tôi?